Thực hiện dự án là nhóm Be Happy gồm các sinh viên: Phan Lữ Anh Duy, Ngô Nhật Minh, Trần Vũ Hà Nhi, Trần Hoài Phúc, Vũ Minh Phương với sự hướng dẫn của thầy Ngô Hà Quang Thịnh và cô Phan Thị Mai Hà (cùng là giảng viên khoa Cơ khí, trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP. HCM).
Nói về dự án Ngôi nhà hạnh phúc – Ngôi nhà âm nhạc dành cho trẻ tự kỷ, cô Phan Thị Mai Hà (hướng dẫn nhóm) cho biết, trẻ tự kỷ nếu được can thiệp kịp thời và hỗ trợ đúng cách bằng các hình trị liệu phù hợp sẽ hạn chế được khiếm khuyết tối đa trong quá trình phát triển nhận thức và trí tuệ. Hiện nay, trên thế giới và ở Việt Nam, trị liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ trở thành giải pháp an toàn, phù hợp với khả năng mang đến nhiều kết quả khả quan.
Nhóm dự án nhận giải Nhì tại Hà Nội trong những dự án được Acecook Việt Nam tổ chức nhằm hỗ trợ hiện thực hoá các dự án âm nhạc cộng đồng. |
Vượt lên cả tiếng nói, ngôn từ, âm nhạc có thể tác động sâu sắc đến mọi giác quan của trẻ một cách chậm rãi và tự nhiên thông qua hoạt động ca hát, nhảy múa, nghe nhạc, chơi trò chơi âm nhạc, sử dụng nhạc cụ… nhờ thế thúc đẩy quá trình phục hồi những kỹ năng quan trọng mà trẻ tự kỷ đang bị khiếm khuyết. Không chỉ dừng lại ở đó, âm nhạc còn là một trong những con đường ngắn nhất để chúng ta kết nối sâu sắc với thế giới nội tâm phong phú của trẻ tự kỷ.
Dự án “Ngôi nhà hạnh phúc” của nhóm đề xuất được triển khai theo tinh thần của Dự án âm nhạc hạnh phúc, hướng đến việc xây dựng một ngôi nhà âm nhạc, đặc biệt hướng đến việc trị liệu cho cộng đồng gia đình có trẻ tự kỷ. Dự án là sự kết hợp giữa khoa học công nghệ và âm nhạc trị liệu, thông qua việc xây dựng một mô hình hai chiều với các trục kích thích và hóa trị được sử dụng để nhận dạng và đo lường cảm xúc thông qua giọng nói, từ đó đưa ra các tương tác âm nhạc phù hợp với từng trẻ.