Trước thông tin, hàng loạt trường đại học đang có ý định mua vắc xin COVID-19 để tiêm phòng cho giảng viên, sinh viên khi quay trở lại trường học tập, PGS. TS Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nói rằng, để nhập khẩu vắc xin phòng ngừa COVID-19 thì phải là doanh nghiệp được cấp phép đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm. Đây có thể là một doanh nghiệp có kinh nghiệm và có tiềm lực về tài chính vì có thể phải nhập với số lượng khá lớn vắc xin.
Ngoài ra, họ cũng phải có kho bảo quản vắc xin đáp ứng các yêu cầu về nhiệt độ theo tiêu chuẩn mà nhà sản xuất đề ra. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải có năng lực phân phối, cung cấp cho Nhà nước và cho Bộ Y tế. Nếu được phép doanh nghiệp đó có thể tổ chức tiêm vắc xin để hỗ trợ cho hệ thống Nhà nước.
PGS. TS Lê Văn Truyền cũng nói rằng, chỉ có thể xã hội hóa về nguồn tiền mua vắc xin, còn điều kiện để nhập khẩu vắc xin phòng ngừa COVID-19 vẫn phải tuân thủ các quy định về nhập khẩu, bảo quản, phân phối và sử dụng. Hiện tại, có nhiều doanh nghiệp trong nước đủ các điều kiện về kỹ thuật để nhập khẩu vắc xin phòng ngừa COVID-19 nhưng họ có nhập khẩu vắc xin hay không là một chuyện khác.
Trước đó, như chúng tôi đã thông tin, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường ĐH FPT vừa cho biết, trường này đã lên kế hoạch về chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cho người học và cán bộ, giảng viên toàn trường.
Theo ông Tùng, dự kiến trường cần khoảng 100.000 liều vắc xin cho cả người đang học và những người học mới, cùng tất cả cán bộ, giảng viên toàn trường.
Ước tính, trường đại học này sẽ chi khoảng 3 - 4 triệu USD cho chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19, tương đương với khoản hỗ trợ học phí của trường ĐH FPT cho sinh viên năm 2020 do dịch COVID-19. Vắc xin sẽ được tiêm miễn phí, như một dạng hỗ trợ người học và cán bộ giảng viên từ quỹ phát triển của trường.
Theo ông Tùng, đến thời điểm này trường đã có kế hoạch và đang liên hệ nguồn mua. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế cụ thể hóa việc triển khai nhập và tiêm vắc xin có tính đến phương án xã hội hóa. Bộ Chính trị đã họp kết luận là sẽ triển khai chương trình vắc xin COVID-19 bằng ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Tương tự, lãnh đạo trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM cũng cho biết đang tìm cách đăng ký mua vắc xin, nếu có sẽ tiêm cho toàn bộ sinh viên và cán bộ giảng viên của trường.
Ngoài ra, hàng loạt trường đại học tại TP. HCM đã có kế hoạch mua vắc xin COVID-19 để tiêm cho toàn bộ sinh viên và cán bộ giảng viên của trường.
Ngày 21/12/2020, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về vắc xin phòng COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xác định khả năng sản xuất vắc xin của các doanh nghiệp trong nước, tìm kiếm mua vắc xin nước ngoài phù hợp, chất lượng bằng ngân sách quốc gia và các nguồn khác. Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Y tế cần hoàn thiện đề án cụ thể về số lượng, đơn giá, đối tượng tiêm, phương thức, hiệu lực vắc xin, xác định mua của nước nào là phù hợp nhất. Bên cạnh ngân sách Nhà nước, cần xã hội hóa để có các nguồn lực cần thiết cho việc này. Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa đề xuất cơ chế xã hội hóa việc mua vắc xin COVID-19.