Trường ĐH Hoa Sen thay "chủ mới", sinh viên hoang mang

Trường ĐH Hoa Sen thay "chủ mới", sinh viên hoang mang
SVVN - Trong 2 năm qua, trường ĐH Hoa Sen đã 3 lần “đổi chủ” khiến sinh viên, giảng viên rất hoang mang. Liệu rằng, trường này sẽ ổn định hay bước vào một cuộc hỗn loạn sau khi về tay “chủ mới”?

Hoang mang

Khoảng nửa tháng nay, các chuyên gia của Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã đến trụ sở trường ĐH Hoa Sen để kiểm tra sổ sách, thu chi kế toán. Phòng 902 của trường ĐH Hoa Sen được dành riêng cho việc rà soát, kiểm tra. Hiện tại, một số hoạt động của trường phải thông qua phòng 902 trước khi thực hiện. Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, ông Vũ Văn Tấn, Trợ lý Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường ĐH Hoa Sen xác nhận, người của Tập đoàn Nguyễn Hoàng đang ở trường và kiểm toán, nắm tình hình. Về cổ phần mà Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã mua, ông Tấn xác nhận, tập đoàn này đã nắm quyền chi phối tại trường ĐH Hoa Sen. Bởi trước đó, TS Bùi Trân Phượng sau khi nghỉ Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen, đã về làm cố vấn cho TTC Group. Nhóm cổ đông do bà Phượng đứng đầu đã bán 30% cổ phần của trường ĐH Hoa Sen cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng. “Sau khi đàm phán với các cổ đông, chuyên gia tài chính của Tập đoàn Nguyễn Hoàng đang kiểm tra về sổ sách, thu chi, nhân sự… Sau khi định giá, số lượng cổ phần do Tập đoàn Nguyễn Hoàng nắm giữ mới chính thức rõ ràng. Hiện tại, tôi chỉ được biết là Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã nắm quyền chi phối tại trường ĐH Hoa Sen”, ông Tấn nói.

Trong khi đó, Tập đoàn Nguyễn Hoàng cũng phát đi thông báo xác nhận việc mua lại cổ phần của trường ĐH Hoa Sen. Bà Trần Thúy Trâm Quyên, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Nguyễn Hoàng cho biết, hiện tại, đã có một số cổ đông của trường ĐH Hoa Sen tiếp cận Tập đoàn Nguyễn Hoàng và mong muốn chuyển nhượng lại cổ phần của họ tại trường này. “Tuy nhiên, hiện nay, Tập Nguyễn Hoàng chưa xác định và công bố số lượng cổ phần sẽ mua là bao nhiêu, vì đây là cả một quá trình đàm phán riêng rẽ với cổ đông hiện hữu. Đồng thời, tỷ lệ cổ phần thế nào tùy thuộc vào việc chuyển nhượng lại của các cổ đông nên Tập đoàn Nguyễn Hoàng cũng không tự quyết định được điều này. Việc có Đại hội cổ đông bất thường hay không chắc chắn sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật”, bà Trần Thúy Trâm Quyên nói.

Bà Quyên cho biết thêm, Hoa Sen là một đại học có chất lượng tốt và Nguyễn Hoàng luôn mong muốn trường này tiếp tục phát triển. Vì vậy, Nguyễn Hoàng mong Hội đồng Quản trị, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ đề ra các phương hướng cụ thể để đưa trường phát triển đi lên một tầm cao mới. Về công tác nhân sự, trong đó có các nhân sự chủ chốt như Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng, sẽ do Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng Quản trị đề xuất và được UBND TP. HCM công nhận. Việc làm gì để ổn định và phát triển trường ĐH Hoa Sen sẽ là nhiệm vụ chính của Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu nhà trường. Lãnh đạo nhà trường sẽ phát huy tối đa những điểm mạnh mà trường hiện có. Đồng thời, sẽ có những giải pháp đột phá để đưa nhà trường phát triển một cách nhanh nhất.

Còn một nguồn tin khác của Sinh Viên Việt Nam tại Tập đoàn Nguyễn Hoàng khẳng định, Nguyễn Hoàng đã nắm hơn 80% cổ phần ở trường ĐH Hoa Sen. Việc đổi chủ sẽ sớm được công bố sau khi hoàn tất quá trình kiểm toán. Nguyễn Hoàng sẽ bầu lại Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng mới. Tuy nhiên, Nguyễn Hoàng sẽ không mời TS Bùi Trân Phượng về lại trường làm Hiệu trưởng. Dự kiến, GS. TS Mai Hồng Quỳ, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP. HCM sẽ về làm Hiệu trưởng mới của trường ĐH Hoa Sen. Trường ĐH Hoa Sen từng trải qua một “cuộc chiến nội bộ” trong thời gian dài. Trước đây, TS Bùi Trân Phượng làm Hiệu trưởng nhà trường. Đến tháng 11/2016, UBND TP. HCM có quyết định công nhận Hội đồng Quản trị của trường, nhiệm kỳ 2012  - 2017. Trong nhiệm kỳ này, Hội đồng Quản trị nhà trường đã bầu ông Lưu Tiến Hiệp làm Hiệu trưởng. Do đó, việc trường ĐH Hoa Sen một lần nữa đổi chủ khiến sinh viên và giảng viên rất hoang mang.

Trường ĐH Hoa Sen thay chủ mới, sinh viên hoang mang

Lê Thị Thu Hoài (năm thứ hai, ngành Quản trị Kinh doanh) cho biết, từ hồi tháng Ba, các giảng viên đã nói với sinh viên là Hội đồng Quản trị đang chuẩn bị bán trường cho nhóm cổ đông mới. Cách đây khoảng 2 tháng, đã rộ lên thông tin là trường ĐH Hoa Sen được bán cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng. “Việc ai làm chủ trường không quan trọng, cái tụi mình cần là sự ổn định trong chất lượng đào tạo. Học phí của trường ĐH Hoa Sen cao gấp đôi các trường khác nên tụi mình cần dịch vụ tương đương. Chỉ lo, việc chuyển đổi Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng qua tay người mới sẽ làm ảnh hưởng lớn chất lượng giảng dạy của trường. Sau đó, chính sách học phí, chất lượng giảng dạy của trường có thay đổi hay không, cần phải thông báo cho sinh viên biết”, Thu Hoài nói. Một giảng viên của trường ĐH Hoa Sen cho biết, giảng viên của trường đang cảm thấy bấp bênh hơn bao giờ hết. Sau khi trường ĐH Hoa Sen về tay nhóm cổ đông đến từ Tập đoàn SSG do bà Nguyễn Thị Hòa đứng đầu, một loạt giảng viên của trường đã bị sa thải. Hội đồng Quản trị mới cũng điều chỉnh chương trình đào tạo khiến giảng viên, nhân viên phải chạy theo đến hụt hơi. Bây giờ, Tập đoàn Nguyễn Hoàng vào tiếp quản trường, không biết chính sách vận hành mới của trường sẽ ra sao. Cán bộ, giảng viên nào sẽ được giữ lại, ai sẽ bị sa thải... tiếp tục làm xao động đội ngũ sư phạm trường ĐH Hoa Sen.

Trước đó, hồi tháng Năm, trường ĐH Hoa Sen cũng từng gây xôn xao dư luận khi GS. TS Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng thường trực được Hội đồng Quản trị bầu làm Hiệu trưởng nhưng ông Thành chưa đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng theo luật Giáo dục Đại học nên không được phê duyệt. Sau đó, UBND TP. HCM đã công nhận PGS. TS Trần Đan Thư giữ chức Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen, như đề nghị của Hội đồng Quản trị trường vào ngày 14/6/2018. PGS. TS Trần Đan Thư sinh năm 1966, trước đó là Trưởng khoa Công nghệ thông tin của trường ĐH KHT (ĐHQG TP. HCM). Ông Thư tốt nghiệp Cử nhân ngành Toán, học Thạc sĩ ngành Khoa học Máy tính và làm Tiến sĩ chuyên ngành Tin học tại Pháp. Ông giữ chức Trưởng khoa qua hai nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 2007 - 2017. Tuy nhiên, ngồi ghế Hiệu trưởng chưa đầy 4 tháng, ông Thư sẽ bị Tập đoàn Nguyễn Hoàng thay thế bằng người khác.

Tập đoàn Nguyễn Hoàng là ai?

Được thành lập vào năm 1999, khởi đầu bằng việc đầu tư trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, đến ngày 1/8/2007, Tập đoàn Nguyễn Hoàng có vốn điều lệ là 99 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là đầu tư tài chính, phát triển thương mại. Hai đối tác chiến lược của Nguyễn Hoàng lúc đó là Tập đoàn Trung Nguyên (sở hữu 10,10% cổ phần) và Công ty Internet Services, Nhật Bản (sở hữu 4,55% cổ phần). Trong quá trình hoạt động, Tập đoàn đã có một số lần thay đổi tên như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Nguyễn Hoàng, Công ty Cổ phần Công nghệ và Giáo dục Nguyễn Hoàng. Đến ngày 17/5/2013, Tập đoàn đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nguyễn Hoàng và hiện tại chưa có sự thay đổi. Tại thời điểm này, theo nội dung công bố thành lập mới, Nguyễn Hoàng có vốn điều lệ là 105 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập đã góp vốn 99 tỷ đồng, tương đương với 94,2% vốn điều lệ, gồm: Hoàng Nguyễn Thu Thảo góp 2 tỷ đồng (tương đương 1,9% vốn điều lệ), Hoàng Quốc Việt góp 96 tỷ đồng (tương đương 91,43% vốn) và Lê Thanh Huỳnh Cang góp 1 tỷ đồng (tương đương 0,95% vốn). Ông Hoàng Quốc Việt, sinh năm 1971, giữ vai trò là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. 

Sau một thời gian, đến ngày 10/12/2015, ông Hoàng Quốc Việt giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật. Bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo đảm nhiệm vị trí ông Hoàng Quốc Việt để lại và cũng kiêm vai trò là người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Nguyễn Hoàng. Các vị trí trên vẫn chưa có gì thay đổi cho đến ngày 19/10/2018. Tuy nhiên, kể từ năm 2013 đến nay, Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã thay đổi quy mô vốn điều lệ nhanh chóng. Vào ngày 20/7/2016, vốn điều lệ của doanh nghiệp này tăng từ 105 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Chưa đầy 6 tháng sau, vào ngày 21/12/2016, Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã tăng vốn lên gấp đôi với 2.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/3/2018, vốn điều lệ của Nguyễn Hoàng đạt 2.500 tỷ đồng, tăng gấp 24 lần so với năm 2013.

Đến nay, Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã đầu tư xây dựng và vận hành gần 40 cơ sở giáo dục tại 15 tỉnh, thành, đào tạo gần 40.000 học sinh, sinh viên trong hệ thống đào tạo khép kín từ mầm non đến tiến sĩ, với hệ thống 7 thương hiệu giáo dục. Nguyễn Hoàng sở hữu nhiều hệ thống trường học, như trường Mầm non Quốc tế Sài Gòn Academy (Saigon Academy International School), trường Hội nhập Quốc tế - iSchool (iSchool International Integration Education), trường Quốc tế song ngữ Học viện Anh Quốc - UK Academy, trường Quốc tế Bắc Mỹ - SNA. Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu (BVU) là trường đại học duy nhất tại Vũng Tàu, cũng là thành viên của Nguyễn Hoàng. Tại TP. HCM, Nguyễn Hoàng có trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

Nhưng tham vọng của Nguyễn Hoàng không dừng lại ở đó. Ngày 8/8/2018, Nguyễn Hoàng đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án “Thành phố giáo dục quốc tế - Nam Hội An”. Mục tiêu dự án hướng tới là xây dựng thành phố giáo dục quốc tế, có khả năng đáp ứng cho 12.000 học sinh, bao gồm nhiều cấp học như mầm non, tiểu học, THCS, THPT, đại học và sau đại học theo chuẩn Việt Nam và quốc tế. Thành phố giáo dục quốc tế - Nam Hội An sẽ được xây dựng trên diện tích đất rộng 41 ha tại các xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Đào huyện Thăng Bình của tỉnh Quảng Nam. Tổng vốn đầu tư dự án là 1.500 tỷ đồng, gồm nguồn vốn góp là 500 tỷ đồng, nguồn vốn vay là 1.000 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Dự kiến, trong quý IV năm 2021, dự án sẽ được đưa vào hoạt động chính thức.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2018, Nguyễn Hoàng đã khởi công dự án Thành phố giáo dục quốc tế - IEC đầu tiên ở Việt Nam ở tỉnh Quảng Ngãi. Tổng số vốn đầu tư dự án là hơn 1.000 tỷ đồng, diện tích 10 ha, thiết kế và quy hoạch bởi Tập đoàn B+H Studio của Canada. Dự án này sẽ hiện thực hóa triết lý giáo dục nhân bản của Nguyễn Hoàng bằng khái niệm đô thị mở dành cho giáo dục theo các chuẩn mực quốc tế.

Nguyễn Quang

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tuyển sinh năm 2025: Đảm bảo công bằng, minh bạch cho thí sinh

Tuyển sinh năm 2025: Đảm bảo công bằng, minh bạch cho thí sinh

SVVN - Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Hoàng Minh Sơn vừa chủ trì tọa đàm góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học và cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng và các sở GD - ĐT.
Nhìn lại các ngành học mới năm 2024: Cơ hội việc làm rộng mở, mức lương hấp dẫn

Nhìn lại các ngành học mới năm 2024: Cơ hội việc làm rộng mở, mức lương hấp dẫn

SVVN - Trong bối cảnh thị trường lao động toàn cầu thay đổi nhanh chóng, năm 2024 đánh dấu sự ra đời của nhiều ngành học mới tại các trường đại học Việt Nam. Những ngành này không chỉ đón đầu xu thế phát triển công nghệ và hội nhập quốc tế mà còn hứa hẹn mang lại mức lương cao và cơ hội nghề nghiệp rộng mở.
TS Phan Tấn Lực và hành trình truyền cảm hứng từ nghiên cứu khởi sự kinh doanh xã hội

TS Phan Tấn Lực và hành trình truyền cảm hứng từ nghiên cứu khởi sự kinh doanh xã hội

SVVN - Giải thưởng 'Khuê Văn Các' mới đây đã tôn vinh những nhà khoa học trẻ có những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của xã hội. Trong đó, TS Phan Tấn Lực gây ấn tượng với nghiên cứu về ý định khởi sự kinh doanh xã hội. Không chỉ là một công trình khoa học, nghiên cứu của anh còn là nguồn cảm hứng, khơi dậy khát vọng xây dựng một tương lai bền vững, nơi lợi ích xã hội và kinh tế luôn được kết nối chặt chẽ.
ThS Nguyễn Hữu Hoàng: Nghiên cứu chuyển đổi số giúp người cao tuổi Việt Nam thích ứng

ThS Nguyễn Hữu Hoàng: Nghiên cứu chuyển đổi số giúp người cao tuổi Việt Nam thích ứng

SVVN - ThS Nguyễn Hữu Hoàng - nghiên cứu sinh tại ĐH Xã hội Quốc gia Nga đã dành tâm huyết khám phá hành trình thích ứng xã hội của người cao tuổi Việt Nam trước làn sóng chuyển đổi số, đóng góp khung lý thuyết mới và đề xuất những giải pháp thực tiễn nhằm kết nối thế hệ và xây dựng một xã hội bao trùm hơn trong thời đại công nghệ.
Bí quyết thành công của ThS Vũ Ngọc Quý trong giảng dạy và cuộc sống

Bí quyết thành công của ThS Vũ Ngọc Quý trong giảng dạy và cuộc sống

SVVN - Đằng sau mỗi bài giảng về Điện tử – Viễn thông hay Kỹ thuật Máy tính, ThS Vũ Ngọc Quý không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn khơi gợi niềm đam mê và tinh thần chủ động cho sinh viên. Với hơn 10 năm kinh nghiệm giảng dạy, anh chia sẻ những bài học quý giá về cách thức biến lý thuyết thành hành động thực tế, giúp sinh viên không chỉ học mà còn áp dụng được những kiến thức đã học vào cuộc sống và nghề nghiệp.
Làm sao để sinh viên không trở thành nạn nhân của lừa đảo online?

Làm sao để sinh viên không trở thành nạn nhân của lừa đảo online?

SVVN - Lừa đảo qua mạng đang trở thành một trong những mối nguy hại lớn nhất với sinh viên, đặc biệt là những ai thiếu kinh nghiệm trong việc bảo vệ thông tin cá nhân. Trong chương trình tuyên truyền tại Ký túc xá Ngoại ngữ (Trung tâm hỗ trợ sinh viên, ĐHQG Hà Nội), các chuyên gia là công an đã chia sẻ những chiêu trò tinh vi của kẻ lừa đảo và cách để sinh viên phòng tránh, bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân của mình khỏi những mánh khóe trên không gian mạng.