Trong bản tường trình của phụ huynh sinh viên bị lừa tiền gửi cho công an và nhà trường có thông tin vào ngày 23/5, sinh viên này điện về cho gia đình nói rằng mình được nhà trường chọn đi giao lưu sinh viên quốc tế tại CHLB Đức và nhờ gia đình nộp tiền vào tài khoản của con để sao kê tài khoản nộp cho trường làm hồ sơ đi giao lưu.
Sinh viên này đã nhiều lần đề nghị gia đình chuyển tiền để được lọt vào top 5 sinh viên có khả năng tài chính tốt nhất và đã nhận được 7 tỉ đồng chuyển khoản từ gia đình.
Tuy nhiên, sau một thời gian gia đình sinh viên phát sinh nghi ngờ bởi sinh viên tiếp tục đề nghị chuyển tiền nên kiểm tra số dư tài khoản của con thì được ngân hàng thông báo tài khoản không còn tiền.
![]() |
Văn bản giả mạo nhà trường thông báo về chương trình giao lưu quốc tế khiến sinh viên sập bẫy. |
Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, đại diện trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, nhà trường rất bất ngờ và không hiểu kẻ lừa đảo đã làm cách nào để thao túng tâm lý khiến sinh viên này nhiều lần đề nghị gia đình chuyển tiền để rồi mất số tiền tới 7 tỉ đồng.
Theo đại diện nhà trường, đây là sinh viên thứ 2 của trường bị lừa đảo trong thời gian qua. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đã liên tục cảnh báo đến sinh viên về nạn lừa đảo, mọi thông tin liên quan chuyện học hành đều đăng trên website của trường.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch đã xác minh thông tin nhanh chóng và phát đi thông báo trên các kênh thông tin chính thống của trường để cảnh báo đến toàn sinh viên về các thủ đoạn lừa đảo tinh vi hiện nay của các đối tượng lừa đảo.
![]() |
Sao kê đua top mà nhóm lừa đảo chuyển cho sinh viên. |
Trước tình trạng tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, với nhiều chiêu trò, “kịch bản” lừa đảo, để tránh trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, LS Duy Anh (Hãng luật A+) khuyến cáo các bạn sinh viên cần nâng cao tinh thần cảnh giác, khi nhận được các thông báo về các chương trình du học, giao lưu sinh viên quốc tế cần ngay lập tức:
- Xác minh thông tin bằng cách kiểm tra thông tin trên website chính thức của trường học, tổ chức cấp học bổng hoặc liên hệ trực tiếp với phòng đào tạo của trường để xác nhận thông tin.
- Tuyệt đối không tin vào các tin nhắn riêng tư từ các nền tảng Zalo, Facebook, email không chính thống.
- Không cung cấp thông tin tài chính cá nhân, không gửi ảnh chụp số dư tài khoản, sao kê ngân hàng hoặc thực hiện chuyển khoản tiền cho bất kỳ cá nhân nào khi chưa xác minh rõ thông tin.
- Nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật, tham khảo quan điểm của người đi trước về các vấn đề tài chính lớn.
- Thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi tin tức, phóng sự về các vấn đề xã hội.
Đồng thời, LS Duy Anh cũng khuyến cáo sinh viên cần cảnh giác với các yêu cầu bất thường, như yêu cầu đóng tiền trước khi tham gia, yêu cầu xác minh số dư tài khoản, hay yêu cầu chuyển khoản trước để chứng minh năng lực tài chính, “đặt cọc suất đi”… vì đây đều là các dấu hiệu lừa đảo.