Theo các chuyên gia dự đoán, ngành Thương mại điện tử (TMĐT) sẽ trở thành xu hướng và nhiều trường sẽ mở mới hoặc tăng chỉ tiêu với ngành này trong mùa tuyển sinh 2022. Ngoài ra còn có các ngành liên quan: Kinh doanh Điện tử (E-Business), Truyền thông số (Digital Marketing).
Trong đề án tuyển sinh 2022, trường ĐH Gia Định mở thêm 5 ngành mới là: Thương mại điện tử (TMĐT), Quan hệ công chúng, Bất động sản, Quản trị Nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Quản trị Du lịch và lữ hành.
Theo ThS Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng nhà trường: “Từ đại dịch COVID-19 cho thấy, sự phát triển của nền tảng thương mại điện tử, hình thức làm việc trực tuyến cũng sẽ phát triển và phổ biến. Những ngành nghề trong lĩnh vực kỹ thuật số sẽ tiếp tục tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu tương tác trực tuyến của các cá nhân và tổ chức”.
Công nghệ thông tin và Thương mại điện tử sẽ là các ngành 'đắt khách' trong mùa tuyển sinh 2022? |
Trường cũng mở thêm chương trình đào tạo tài năng với 5 ngành học: Công nghệ thông tin, Quản trị Kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Marketing và Ngôn ngữ Anh.
"Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy sự phát triển và nhu cầu thị trường lao động của những ngành nghề này rất cao sau 3 năm tới. Đây là những ngành đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng, được đào tạo có lộ trình, giỏi tay nghề, ngoại ngữ… Vì vậy, năm 2022, trường mở thêm chương trình đào tạo tài năng", ThS Trịnh Hữu Chung cho biết.
Năm 2021, trường ĐH Văn Lang lần đầu tiên tuyển sinh ngành Thương mại điện tử với 50 chỉ tiêu cho hai chuyên ngành Kinh doanh trực tuyến (Online Business) và Giải pháp thương mại điện tử (E- Commerce Solution). Dự kiến, trong năm 2022, trường sẽ tăng chỉ tiêu xét tuyển vì nhu cầu nhân lực cho ngành này đang cao. Theo trường, dịch COVID-19 cho thấy kinh tế bị ảnh hưởng và thương mại điện tử, thị trường bán lẻ trở thành xu hướng mới của các doanh nghiệp, là nhóm ngành hấp dẫn.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Diệp (Công ty du học Vietint) cho rằng, dịch COVID-19 đang tạo ra thay đổi to lớn về xu hướng nghề nghiệp, tạo ra sự dịch chuyển không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. “Nhiều ngành đang cần nhân lực và được quan tâm nhiều như nhóm ngành Công nghệ thông tin, Quản trị Du lịch và khách sạn, Thương mại điện tử và Kỹ thuật số, đặc biệt là nhóm ngành Chăm sóc sức khỏe, khi hệ thống y tế và những dịch vụ đi kèm được quan tâm và đầu tư lớn”, bà Diệp cho biết. Giãn cách cũng thúc đẩy nhu cầu nhân lực cho các ngành hậu cần và chuỗi quản lý cung ứng.
Đến thời điểm này, hầu hết các trường ĐH đã công bố đề án tuyển sinh 2022 đều mở ngành mới. |
Mùa tuyển sinh 2022, trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP. HCM mở 6 ngành mới là Quản trị Văn phòng, Kinh tế quốc tế, Công nghệ Tài chính, Kiểm toán, Truyền thông Đa phương tiện, Quản trị Sự kiện. Theo nhận định của trường, việc dịch chuyển nghề nghiệp trước xu thế chung đã có những tác động nhất định đến việc chọn ngành học của thí sinh, đặc biệt ở các khối ngành có môi trường làm việc linh động, thích ứng với sự thay đổi. Việc trường mở các ngành có yếu tố công nghệ là theo xu thế này, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong giai đoạn tới.
Trong số các trường ĐH tại TP. HCM công bố mở ngành mới tới thời điểm này, trường ĐH Công nghiệp TP. HCM dù chuyên sâu về các ngành Kỹ thuật nhưng gây bất ngờ lớn khi mở thêm ngành Dược học, với 4 tổ hợp môn xét tuyển. Tuy nhiên, điều này là hợp lý khi nhu cầu nhân lực ngành Dược rất cao, đặc biệt là sau biến cố lớn như đợt dịch vừa qua.
Theo TS Nguyễn Trung Nhân – Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, với nguồn lực từ khoa Hóa và đã đào tạo chuyên ngành Hóa Dược, trường mở thêm ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực và nghiên cứu về Dược học ngày càng nhiều.
Tương tự, trong số những ngành dự kiến mở mới từ năm 2022, trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM) có thử nghiệm ngành Công nghệ Điện tử và Tin học. Theo ThS Phùng Quán – Trưởng Phòng thông tin – truyền thông của trường, điều này phù hợp với xu hướng hiện tại và đáp ứng nhu cầu xã hội trong ứng dụng CNTT và điện tử vào đời sống xã hội. Đại dịch vừa qua cho thấy nhu cầu chuyển đổi số và ứng dụng CNTT ở quy mô nhỏ ngày càng phổ biến