Tiểu ban Giáo dục Nghề nghiệp (Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực) tổ chức tọa đàm khoa học về đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội
Tại tọa đàm, Sở LĐ-TB-XH TP. HCM cho biết, Sở sẽ lập danh sách tham mưu với các cấp có thẩm quyền ưu tiên chích 2 mũi vắc xin cho sinh viên, học sinh tại các trường ĐH, CĐ nghề. Theo đó, sẽ ưu tiên cho khoảng 130.000 sinh viên, học sinh ở các trường.
Đây những sinh viên, học sinh chuẩn bị tốt nghiệp hoặc thực tập tại các doanh nghiệp. Nếu không đảm bảo vắc xin, sẽ khó có thể tham gia thực tập tại doanh nghiệp, không những làm gián đoạn tiến độ đào tạo mà còn khiến chuỗi cung ứng lao động bị ảnh hưởng.
Sinh viên ngành Cơ khí, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. HCM trong xưởng thực tập. |
Vơi 130.000 sinh viên, học sinh các trường chuẩn bị tốt nghiệp, sẽ đáp ứng nguồn lao động đáng kể đảm bảo chuỗi cung ứng lao động không bị đứt. Hiện nay, TP. HCM đang thực hiện nhiều giải pháp để thu hút lao động sau đại dịch COVID-19, trong đó có việc xây dựng kế hoạch học nghề trực tiếp cho sinh viên các trường nghề.
Theo TS Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), để khôi phục lao động sau đại dịch, Tổng cục hiện đang xây dựng phương án đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp với khoảng 500.000 người trình độ cơ bản (năm 1, năm 2); 500.000 người trình độ thành thạo (năm 2 hoặc năm 3) vào làm việc tại doanh nghiệp. Trong đó, riêng khu vực Đông Nam Bộ có khoảng gần 200.000 sinh viên, học sinh từ các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể đẩy mạnh tuyển sinh đa dạng các loại hình và trình độ của giáo dục nghề nghiệp để giúp sinh viên, học sinh vừa theo học tại trường vừa làm việc tại doanh nghiệp. Phương án này vừa đảm bảo tiến độ đào tạo, vừa giúp nâng cao tay nghề.