50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đặt niềm tin vào thế hệ trẻ"

50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đặt niềm tin vào thế hệ trẻ"
SVVN - Hội thảo nhằm giúp Đoàn nhìn lại định hướng, thực tiễn và đề ra những biện pháp nhằm thực hiện các nội dung theo Di chúc của Bác về công tác bồi dưỡng thanh niên. Qua đó phát huy trí tuệ, tinh thần, sức mạnh của thế hệ trẻ...

Sáng ngày 19/5, nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh". 

50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đặt niềm tin vào thế hệ trẻ" ảnh 1

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương (giữa) và Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong (bìa phải) tham quan triển lãm “Tuổi trẻ VN nhớ lời Di chúc theo chân Bác” bên lề hội thảo sáng 19/5.

Di chúc mãi là "ánh sáng soi đường" 

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương - khẳng định hội thảo phản ánh đúng, toàn diện tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua hội thảo, đánh giá, nhìn nhận, đề xuất định hướng mới để Di chúc của Bác mãi là "ánh sáng soi đường" thực hiện nhiệm vụ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội như Bác hằng mong muốn.

50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đặt niềm tin vào thế hệ trẻ" ảnh 2

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo .

Sinh thời Bác luôn quan tâm đến công tác cán bộ và đào tạo cán bộ, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng viện dẫn ngay trong ngày đầu mới thành lập Đảng, Bác mở lớp đào tạo cán bộ cách mạng và viết tác phẩm đầu tiên, giáo trình đầu tiên là "Đường kách mệnh".

"Đối với Bác, cán bộ là việc hết sức quan trọng, Bác gọi là 'công việc gốc của Đảng', muôn sự thành công chủ yếu hoặc phần nhiều là do cán bộ tốt, cho nên đào tạo cán bộ là việc thường xuyên", ông Thắng nói.

Nhớ lại ngày 14/9/1949 khi Bác về dự khai giảng lớp đào tạo cán bộ, Bác nói học (việc đào tạo) là để làm việc, để làm người, làm cán bộ, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể, mới đến phụng sự dân tộc, nhân loại.

50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đặt niềm tin vào thế hệ trẻ" ảnh 3

Các đại biểu tham dự trao đổi bên lề tại hội thảo.

"Trước hết học là phải làm người, làm việc rồi mới làm cán bộ. Tư tưởng này vô cùng quan trọng, bởi đâu đó không ít người nghĩ học để làm cán bộ rồi mới làm việc, mới làm người. Điều này trái với tư tưởng, đạo đức của Bác", ông Thắng nhấn mạnh.

Bác cũng nhấn mạnh việc "có đức, có tài", cho nên trong Di chúc, Bác nhấn mạnh đào tạo cán bộ cách mạng cho đời sau là điều quan trọng, cần thiết, thể hiện hai phẩm chất lớn là "vừa hồng, vừa chuyên".

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, điều Bác đặn không phải là đạo đức thuần túy, không chỉ "nhân, lễ, nghĩa, trí, tín" mà phải nâng lên tầm đạo đức cách mạng thể hiện ở lý tưởng, mục tiêu, bản lĩnh, sự xả thân vì sự nghiệp mà Bác Hồ và thế hệ cha ông phấn đấu không ngừng. 

50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đặt niềm tin vào thế hệ trẻ" ảnh 4

Toàn cảnh Hội thảo "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh". 

"Nếu không có chuyên thì làm thế nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được, nhưng 'đức', tức đạo đức cách mạng là điều đầu tiên. Tuy nhiên, Bác cũng nói đây là quá trình kiên trì, lâu dài, Bác nói 'vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người'", ông Thắng nhấn mạnh.

"Ấn tượng lắm khi xem lại, đọc lại Di huấn của Bác. Đối với thanh niên bây giờ, phải làm sao lan tỏa được tinh thần đó, thanh niên thấy được chân giá trị của tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Bác gần gũi, thân thiết dung dị, dễ nhớ, dễ làm, cái gì cũng phải rất thực tiễn", ông Thắng chia sẻ. 

Bắt nhịp với xu thế 4.0

Ông Vũ Mão, nguyên bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, cho rằng Đoàn phải bắt kịp xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

"Chúng ta vừa qua gần như để mất trận địa này. Trong khi đó mạng xã hội phát triển như thế, điều tốt rất hay nhưng không tốt cũng rất nhiều, nói xấu cán bộ lãnh đạo trên mạng nghe buồn lắm. Trách nhiệm của các cơ quan, của Đoàn phải làm thế nào? Có lẽ một trong những mũi nhọn của phong trào thanh niên hiện nay là đi vào cuộc cách mạng 4.0, coi đó là mặt trận chiến đấu" - ông Vũ Mão nhấn mạnh. 

Theo ông Vũ Mão, cái tốt, cái tử tế phải được lan tỏa trên mạng để người dùng trên mạng thấy có niềm vui, có sự cảm phục. Bên cạnh đó, Đoàn phải kịp thời có lực lượng định hướng trên không gian mạng.

50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đặt niềm tin vào thế hệ trẻ" ảnh 5

PGS.TS Trần Xuân Bách phát biểu tham luận tại Hội thảo.

PGS.TS Trần Xuân Bách, phó trưởng bộ môn kinh tế y tế ĐH Y Hà Nội, cũng chỉ ra trách nhiệm của thanh niên trước cuộc cách mạng 4.0, không còn lựa chọn nào khác là nỗ lực tối đa để bắt nhịp với xu thế. 

Theo đó, thanh niên cần chủ động, sẵn sàng cả về tâm thế và năng lực để phát huy tối đa khả năng của mình. 

Ngoài ra, sự đoàn kết, tập hợp lực lượng thanh niên trong và ngoài nước là cơ hội để rút ngắn nhanh chóng khoảng cách, kịp thời xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên môn kỹ thuật trong nước.

50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đặt niềm tin vào thế hệ trẻ" ảnh 6

Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, phát biểu kết luận Hội thảo.

Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, nhấn mạnh hội thảo nhận được đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức trẻ, thanh niên..., khẳng định ý nghĩa lịch sử, tầm vóc, chiều sâu trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.

"Đoàn viên, thanh thiếu nhi các thế hệ đều nhận được nhiều tình cảm, tư tưởng, sự quan tâm căn dặn, dạy bảo, định hướng của Bác Hồ", anh Lê Quốc Phong chia sẻ.

50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đặt niềm tin vào thế hệ trẻ" ảnh 7

Đoàn viên, thanh niên tham dự Hội thảo.

Theo anh Lê Quốc Phong, đó là sự quan tâm, tầm nhìn chiến lược của Bác cho tương lai của Đảng, của đất nước; là quan tâm, kỳ vọng đặc biệt của Bác đối với đoàn viên, thanh niên trong sự nghiệp cách mạng dân tộc. 

"Việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người vừa hồng vừa chuyên là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn, gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, cuộc vận động "Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cần được tiếp tục với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực của từng cá nhân, từng tổ chức" - anh Phong nói.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm