Trong cái rủi, có cái may!
Lớp học có khoảng 65 sinh viên nhưng khoảng 2/3 số đó là sinh viên thuộc diện F0, F1, Nguyễn Đào Yến Nhi (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) chia sẻ: “Trước khi có lịch học trực tiếp, mình thuộc diện F1, nhưng hiện tại mình đã là F0. Mình cảm thấy rất buồn và hụt hẫng, đã một khoảng thời gian rất dài mình phải học online tại nhà, nay lại tiếp tục. Đồng thời, mình cũng rất lo lắng vì tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng như hiện nay”.
Cũng giống như hầu hết sinh viên trong trường, Yến Nhi phải học bài thông qua hình thức online, qua các phần mềm của nhà trường hoặc qua Zoom, Google Meet... Nhà trường luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để giúp sinh viên học online một cách hiệu quả. Có các lớp sẽ học kết hợp cả học online và trực tiếp hoặc là giảng viên sẽ giảng lại bài cho những bạn không đi học được.
Nguyễn Đào Yến Nhi cảm thấy khá lo lắng vì bị tái nhiễm lần 2. |
“Giảng viên luôn sẵn sàng trả lời những thắc mắc của mình; quan tâm, giúp đỡ nếu mình gặp khó khăn trong học tập, cuộc sống. Bạn bè thì giúp mình ghi chép và giảng lại bài khi mình đang bị bệnh. Hiện tại mình đang là F0 cho nên các bạn luôn hỏi thăm, quan tâm tình hình của mình và mua thuốc, đi chợ... luôn có mặt những lúc mà mình cần”, Yến Nhi bộc bạch.
Phùng Thị Hoàng Lam (trường ĐH Duy Tân), hiện cũng đang là F0, và phải học trực tuyến tại nhà, cho biết: “Trường mình chia lớp theo môn học, mỗi môn dao động từ 80 đến gần 200 sinh viên, trung bình mỗi môn có tới 50% sinh viên thuộc diện F0, F1".
Hoàng Lam đến trường học trực tiếp được 13 ngày thì phát hiện bị nhiễm SARS-CoV-2. |
Khi không thể đến trường học trực tiếp, Hoàng Lam đã tham gia lớp học online do trường tổ chức. Cách học này đảm bảo được sức khỏe cho cô và mọi người xung quanh, giúp Lam linh hoạt hơn về thời gian và địa điểm học tập, tiếp cận với công nghệ tốt hơn. Bên cạnh đó, Lam còn gặp nhiều khó khăn: Không thực sự tập trung, có những lúc đường truyền Internet không ổn định... Việc ngồi trước màn hình máy tính hay điện thoại quá lâu cũng có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe. Thời gian này, Hoàng Lam cũng đã tận dụng để tự học và nghỉ ngơi lấy lại sức.
Cũng theo Hoàng Lam, nếu như trước đây có ca nhiễm bệnh, cả lớp sẽ phải học online, nhưng giờ với phương thức kết hợp học trực tuyến và học trực tiếp, Hoàng Lam thấy khá hợp lý, ai có sức khỏe tốt sẽ có thể đến trường tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả, ai không đảm bảo sức khỏe cũng có thể ở nhà để học tập mà không bị lỡ kiến thức. Hiện tại, Hoàng Lam đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng COVID-19, nhưng điều cô lo lắng nhất chính là di chứng để lại.
Xu hướng tất yếu đến thực tại thích nghi
Bùi Thị Thùy Dung (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) cho biết: “Lớp mình có 68 sinh viên, trong đó có khoảng 10 F0 và gần 20 F1. Lịch học trực tiếp của trường mình là 28/2, nhưng ngày 27/2 vừa qua thì mình phát hiện mình nhiễm bệnh. Điều đó khiến mình cảm thấy rất buồn và hụt hẫng”.
Khi không thể đến trường học trực tiếp, Thùy Dung đã học online theo phương án mới nhất mà nhà trường đề ra. Trong khi các bạn học trực tiếp trên trường thì giảng viên vẫn mở phần mềm và giảng dạy kết hợp online và vẫn có thể tương tác qua lại. “Theo mình thì cách học như thế này khá thuận lợi cho sinh viên, khi vừa có thể học trực tiếp, vừa có thể học trực tuyến cho F0 và F1. Tuy nhiên, học online vẫn còn nhiều trở ngại nhất định”, Thùy Dung chia sẻ thêm.
Thùy Dung cho biết, khu vực trường cô đang theo học thuộc cấp độ dịch cấp độ 4, là vùng đỏ. |
Hiện tại, Thùy Dung đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin. Khi mới bị nhiễm bệnh, cô cảm thấy khá hoang mang và sợ hãi, nhưng sau đó đã lấy lại được tinh thần, tích cực, lạc quan chữa trị, dần dần sức khỏe đã ổn định hơn.
“Mình hy vọng tất cả mọi người hãy luôn tuân thủ nguyên tắc "5K" của Bộ Y tế, không được chủ quan, lơ là trước diễn biến của dịch bệnh. Hãy luôn giữ sức khỏe tốt để học tập và làm việc”, Thùy Dung tâm sự.