“Phép màu” hay chỉ là trò bịp?
Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “bùa yêu” trên Facebook, hàng loạt hội nhóm như “Phép Yêu Thần Bí”, “Hội Bùa Hạnh Phúc” nhanh chóng hiện ra với hàng trăm nghìn thành viên. Tại đây, các sản phẩm như “bột ngải yêu”, “dầu quyến rũ” hay “nến gọi hồn” được quảng cáo là bí thuật lâu đời, có nguồn gốc từ Thái Lan, Campuchia hoặc Malaysia.
Hàng loạt những hội nhóm công khai buôn bán "bùa yêu trên mạng xã hội, thu hút hàng chục nghìn thành viên. (Ảnh chụp màn hình) |
Một tài khoản tên N.T.A. liên tục đăng bài quảng cáo về “dầu yêu” kèm hướng dẫn sử dụng: “Nhỏ dầu vào ảnh chụp của hai người, đọc thần chú 9 lần, sau đó tình cảm sẽ khăng khít.” Người này khẳng định đây là loại dầu được luyện qua 7 đêm trăng rằm bởi các pháp sư cao tay. Tương tự, một tài khoản khác giới thiệu “bột ngải yêu” với cách sử dụng khá rùng rợn: hòa bột vào nước, sau đó pha vào đồ ăn, thức uống của người cần bỏ bùa. Trong trường hợp ở xa, chỉ cần ngâm ảnh, họ tên, ngày sinh của đối phương vào dung dịch đã pha và đọc thần chú.
Những lời quảng cáo này thu hút không ít người nhẹ dạ tin theo, bất chấp thực tế rằng hiệu quả của các loại bùa này chưa hề được kiểm chứng.
Muôn vàn loại "bùa yêu"
Ngoài “bột ngải yêu” và “dầu thôi miên”, thị trường bùa ngải trên mạng xã hội còn rao bán những sản phẩm như “sáp thôi miên”, “bùa hồ ly”, “nến gọi vía tình yêu” hay “lá phép hàn gắn”. Các sản phẩm này được giới thiệu có khả năng giải quyết mọi vấn đề tình cảm, từ níu kéo người yêu cũ đến khiến vợ/chồng luôn nghe lời.
Một số loại "bùa yêu" được rao bán nhan nhản trên mạng. (Ảnh: Facebook, TikTok) |
Các “thầy bùa” còn thường xuyên đăng tải những đoạn tin nhắn được cho là của khách hàng khen ngợi bùa linh nghiệm. Những tin nhắn này thường mô tả việc đối phương thay đổi thái độ chỉ sau vài ngày sử dụng bùa, hoặc mối quan hệ gia đình trở nên hạnh phúc hơn nhờ sự can thiệp “siêu nhiên”. Tuy nhiên, không ít trường hợp, người mua đã bị lừa tiền nhưng lại không dám công khai tố cáo vì sợ bị cười chê.
Nhóm đối tượng lừa đảo sản xuất và bán “bùa yêu” giả bị công ăn huyện Kim Bảng, Hà Nam bắt giữ. (Ảnh: Công an cung cấp) |
Gần đây, Công an huyện Kim Bảng (Hà Nam) đã bắt giữ một nhóm lừa đảo sản xuất và bán “bùa yêu” giả. Ba đối tượng trẻ tuổi, tự nhận là pháp sư, đã dùng phẩm màu, nước lọc, cám gạo để tạo ra các sản phẩm như “dầu yêu”, “bột ngải yêu”. Với giá bán từ 250.000 đến 500.000 đồng mỗi sản phẩm, nhóm này đã lừa đảo hàng trăm người.
Hay trước đó, tại Nghệ An, một nhóm khác đã rao bán bùa ngải với giá cao ngất ngưởng, từ 9,9 đến 10,9 triệu đồng mỗi món. Chúng quảng cáo rằng các bùa này được luyện từ thảo dược quý hiếm, nhưng thực tế chỉ là gừng, muối, và lá cây thông thường. Khi có người mua, các đối tượng còn dựng lên các kịch bản bí ẩn như phải thực hiện lễ cúng hoặc đọc thần chú tại nhà để “bùa phát huy tác dụng”.
Ngoài việc lừa tiền, những đối tượng này còn lợi dụng niềm tin của người mua để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản. Một số nạn nhân bị dụ chuyển thêm tiền để làm “lễ giải hạn” hoặc mua thêm bùa để hỗ trợ.
Theo chuyên gia tâm lý/ khoa học thần kinh, Thạc sĩ Nguyễn Nam Anh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Đại học California tại Davis, Hoa Kỳ, những người tìm đến "bùa yêu" thường đang trong trạng thái bế tắc về tình cảm. Họ tin rằng chỉ cần dùng một phép màu nào đó, mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Chính sự thiếu tỉnh táo, hiểu biết này đã khiến những nạn nhân ấy trở thành con mồi béo bở của các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng.
Trong các hội nhóm, không khó để bắt gặp những bài đăng cầu cứu như: “Chồng ngoại tình, làm thế nào để giữ?", “Người yêu cũ quay lưng, nhờ thầy giúp.” hay “Có ai biết thầy nào giỏi 'bùa yêu' không, giới thiệu giúp với, em muốn mê hoặc bạn này.”
Những câu hỏi này nhận được rất nhiều lời khuyên từ các “thầy bùa” hoặc các thành viên khác, nhưng phần lớn đều dẫn đến việc mua bùa hoặc thực hiện các nghi lễ tâm linh, bùa ngải phức tạp.
Không chỉ dừng lại ở việc mua bán, các hội nhóm còn là nơi chia sẻ kinh nghiệm về nuôi ngải, giải bùa, hoặc cách “thăng cấp” sức mạnh bùa chú. Một số người tin rằng chỉ cần làm theo hướng dẫn, họ sẽ có thể điều khiển trái tim người khác.
Cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo rằng các sản phẩm bùa ngải được quảng cáo trên mạng không có bất kỳ cơ sở khoa học nào. Hầu hết chúng đều là các vật phẩm thông thường được gắn mác “bí thuật” để lừa tiền. Việc tin vào các chiêu trò mê tín không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn làm suy giảm nhận thức, tiếp tay cho những hành vi lừa đảo.
Nhận định về hiện tượng kinh doanh "bùa yêu" tràn lan trên mạng xã hội những ngày gần đây, luật sư Đường Nam Khánh, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho biết:
"Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể nào giải thích hay định nghĩa rõ ràng về ‘bùa yêu’. Đây là một yếu tố gắn liền với văn hóa và tín ngưỡng của một số dân tộc thiểu số, mang tính chất tâm linh và cầu nguyện, nhưng chưa có bất kỳ nghiên cứu hay chứng minh khoa học nào xác định ‘bùa yêu’ thực chất là gì. Vì vậy, việc cấm ‘bùa yêu’ dưới góc độ tín ngưỡng hay tâm linh không được quy định trong pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động mua bán ‘bùa yêu’ lại thuộc phạm vi điều chỉnh và có thể bị xử lý."
Luật sư Đường Nam Khánh. |
Luật sư cho biết thêm: "Theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi mua bán ‘bùa yêu’ có thể bị xử phạt hành chính, với mức phạt tối thiểu 15 triệu đồng, kèm theo yêu cầu nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, nếu hành vi mua bán gây ảnh hưởng lớn hoặc trục lợi giá trị lớn, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt hình sự có thể bao gồm: Cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với các hành vi vi phạm nhẹ, phạt tiền lên đến 100 triệu đồng. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, như gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội, làm chết người, hoặc thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên, mức phạt có thể tăng từ 3 đến 10 năm tù."
"Để ngăn chặn tình trạng này, người dân cần nâng cao nhận thức về các hành vi mê tín dị đoan và tác hại của chúng. Thay vì tin vào những điều huyễn hoặc, hãy tìm đến sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc các chuyên gia tâm lý để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Đồng thời, việc tăng cường tuyên truyền và xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo là cần thiết để loại bỏ hiện tượng này", ông cho biết thêm.