Các thủ đoạn lừa đảo tinh vi
Gia sư là công việc phổ biến mà nhiều sinh viên lựa chọn để làm thêm, bởi các bạn có thể chủ động về thời gian, mức thù lao ổn và có thể trau dồi thêm kiến thức cũng như một số kỹ năng đời sống.
Hiện nay, ngoài xin việc trực tiếp qua trung tâm, nhiều sinh viên còn nhận việc thông qua các hội, nhóm tìm gia sư trên Facebook và thông báo tuyển dụng trên Fanpage của các trung tâm gia sư. Với yêu cầu là trước khi nhận lớp, các bạn phải chuyển một khoản phí từ 15 - 30% tiền dạy mỗi tháng là phí giới thiệu, kết nối sinh viên với phụ huynh và học sinh.
Rất nhiều các thông báo tuyển dụng gia sư trên mạng xã hội. |
Lợi dụng việc chuyển phí giới thiệu trước và thị trường lao động cạnh tranh, không ít sinh viên đã bị lừa tiền bởi những thủ đoạn tinh vi khi tìm việc. Một số thủ đoạn mà các trung tâm gia sư “dỏm” nhắm đến sinh viên, có thể kể đến: Đưa địa chỉ giả và số điện thoại giả của phụ huynh; yêu cầu sinh viên đóng tiền đặt cọc, cung cấp CCCD để nhận lớp nhưng khi đến dạy mới thấy lớp không giống mô tả trước đó; lấy tiền "cọc", đến khi có sự cố thì trung tâm không trả tiền và cũng không sắp xếp lớp dạy khác; cam kết với sinh viên chỉ dạy một môn nhưng khi đến lớp, phụ huynh bắt dạy thêm môn khác…
Những kẻ lừa đảo tạo Fanpage giả danh những trung tâm gia sư nổi tiếng đăng thông báo tuyển dụng gia sư. Đăng các bài viết giáo dục, mua lượt like, lượt theo dõi làm phông nền để tạo dựng niềm tin, sau đó chiếm đoạt tiền của những sinh viên nhẹ dạ cả tin.
Hình ảnh ghi lại quá trình đối tượng lừa B. N. Thiên. (Ảnh: NVCC) |
Trường hợp của B. N. Thiên (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM), sau khi nhận ra mình bị lừa đảo, Thiên lập tức chia sẻ lên nhóm Gia sư dạy kèm TP. HCM để cảnh báo các bạn sinh viên khác. Sau khi chuyển khoản 440.000 đồng và gửi minh chứng giao dịch thì Thiên bị trung tâm chặn ngay lập tức.
Ngoài ra, những kẻ lừa đảo dùng tài khoản chính để đăng bài viết lên các hội, nhóm tuyển dụng gia sư trên Facebook có nội dung nhượng lại lớp đang dạy, vì nhiều lý do như: Không sắp xếp được thời gian, bận lịch học, bận thực tập, chuyển công tác...
N. L. Dạ Thảo (trường ĐH Sức khỏe, ĐHQG TP. HCM) đã bị lừa chuyển khoản 720.000 đồng. Thảo cho biết, khi nhắn tin trao đổi, kẻ lừa đảo cung cấp cho cô đầy đủ thông tin học sinh. Ngoài ra, còn có thông tin phụ huynh (cũng chung nhóm lừa đảo) cho Thảo liên hệ trao đổi. Để củng cố niềm tin, kẻ lừa đảo còn cung cấp CCCD của phụ huynh để Thảo yên tâm chuyển phí nhận lớp trước. Đến thời gian hẹn dạy học thì Thảo không liên hệ được cả người trung gian lẫn phụ huynh, vì đã bị chặn.
“Sau sự việc, mình đã đăng bài cảnh báo lên các hội, nhóm gia sư và cộng đồng sinh viên để mọi người cẩn thận khi thấy bài đăng của người này. Vì số tiền bị lừa đối với những sinh viên còn nhiều khoản phải trang trải và kinh tế eo hẹp như tụi mình là không nhỏ”, Thảo chia sẻ.
Kinh nghiệm và cách đăng ký làm gia sư, tránh bị lừa đảo
Để tránh tình trạng lừa đảo khi đăng ký dạy gia sư, sinh viên cần cẩn trọng và tìm hiểu kỹ càng trước khi nhận lớp hoặc chuyển khoản tiền "cọc".
Với kinh nghiệm của mình, cô Đỗ Minh Huệ (Q. Bình Tân) - một giáo viên tiểu học đã về hưu và đang nhận dạy các lớp gia sư chia sẻ: “Đầu tiên, các bạn sinh viên nên tìm kiếm thông tin trung tâm gia sư uy tín, một cách rõ ràng, bằng cách tới trực tiếp văn phòng của trung tâm và chú ý quan sát thái độ tư vấn của trung tâm. Trước khi nhận việc, hãy tìm hiểu kỹ các yêu cầu của trung tâm và trao đổi rõ ràng về mức thù lao thỏa thuận, địa điểm dạy và các điều kiện khác, để tránh rủi ro sau này. Và đọc kỹ hợp đồng trước khi ký, không hiểu điều khoản thì nên hỏi lại ngay”.
Sinh viên tại TP. HCM có nhu cầu làm thêm về công việc gia sư nên tìm đến Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP. HCM hoặc văn phòng Đoàn - Hội của các trường để được hỗ trợ, giới thiệu công việc uy tín. |
Cô Huệ chia sẻ thêm, khi tìm lớp online thì các bài đăng thông tin về lớp dạy phải có thời gian dạy cụ thể và đòi hỏi trình độ rõ ràng. Hoặc sinh viên có thể tìm kiếm nhiều thông tin về trung tâm trên mạng và xem những người đã từng đi trước nói gì về trung tâm.
Sinh viên có thể nhờ anh, chị hoặc bạn bè đã từng làm gia sư giới thiệu cho một trung tâm gia sư uy tín. Ngoài ra, nếu có người quen giới thiệu lớp, các bạn sinh viên cũng có thể nhận làm gia sư qua gợi ý của các anh, chị.
Đối với người giới thiệu, sinh viên nên hạn chế nhận những lớp chuyển tiền trước. Các bạn sinh viên nên ưu tiên cho những lớp đến dạy trước, gặp mặt phụ huynh và học sinh rồi mới chuyển khoản phí.
Võ Diễm Trinh (trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP. HCM), người đang làm gia sư dạy các môn tự nhiên, lưu ý các bạn sinh viên: “Bài học là các bạn sinh viên phải thật cẩn thận khi tìm việc gia sư trực tuyến và chuyển tiền để nhận lớp. Khi đã nắm đủ thông tin của trung tâm hoặc người trung gian, phụ huynh và học sinh là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Các bạn sinh viên nên đăng ký ở các trung tâm uy tín và kiểm tra lại thông tin tuyển dụng trên trang web của trung tâm thật kỹ”, Diễm Trinh nói.