Sáng ngày 6/9, Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội ký văn bản gửi Phòng GD - ĐT các Quận, Huyện, Thị xã, các trường học, yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát, sẵn sàng các kế hoạch triển khai phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" sao cho phù hợp với điều kiện nhà trường.
Văn bản yêu cầu Phòng GD - ĐT các Quận, Huyện, Thị xã, các trường học thường xuyên theo dõi chặt chẽ các tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động phòng, tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.
Sở cũng yêu cầu các trường học phải rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên nhà trường, đồng thời có phương án kịp thời di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế, hồ sơ, sách vở đến nơi an toàn, đảm bảo không hư hại, hỏng hóc, mất mát, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.
Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội nhấn mạnh, ngay sau mưa bão, các đơn vị sớm khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh trường lớp đảm bảo an toàn, sạch sẽ, phòng chống dịch bệnh để chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới.
Hướng di chuyển của bão số 3 Yagi. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia |
Cũng trong sáng ngày 6/9, nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố đã dừng mọi hoạt động và cho sinh viên nghỉ học trong các ngày mà cơn bão đổ bộ.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Gia Lâm, Hà Nội) thông báo, do ảnh hưởng của siêu bão số 3, Ban Giám đốc Học viện quyết định tất cả giảng viên, sinh viên nghỉ dạy và học trong hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật (7 - 8/9/2024). Thông báo này áp dụng cho tất cả giảng viên, sinh viên dạy và học tại các giảng đường/hội trường và giảng viên, tân sinh viên dạy và học Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên tại Hội trường Trung tâm.
Trường ĐH Mở Hà Nội có thông báo tới các đơn vị trực thuộc trường, đề nghị rà soát toàn bộ cơ sở vật chất bao gồm phòng học, cửa kính, mái che, hệ thống thoát nước, cây cảnh hành lang…
Lãnh đạo nhà trường yêu cầu chằng, chống các vị trí xung yếu có thể bị hư hỏng do mưa to, gió giật mạnh, sắp xếp các thiết bị máy móc, điện tử lên cao hoặc ra chỗ an toàn và tắt các thiết bị điện không cần thiết hoặc cầu giao tổng trước ngày nghỉ cuối tuần.
Trường ĐH Ngoại thương thông báo nghỉ buổi học sinh hoạt công dân sinh viên đầu khóa ngày thứ Bảy (7/9/2024) của sinh viên lớp 7, lớp 8 khóa 63. Lịch thi một số môn cũng được điều chỉnh để đảm bảo an toàn cho giảng viên, sinh viên.
Do tình hình bão Yagi, trường ĐH Kiến trúc Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hủy buổi nhập học ngày 7/9.
Thông báo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3. |
Hầu hết các sinh viên đồng tình với kế hoạch điều chỉnh lịch học của các trường trong thời gian bão số 3 đổ bộ. Nhiều sinh viên cũng bày tỏ lo lắng trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Vũ Trang Anh (năm thứ hai, trường ĐH Thủy lợi, sống tại phố Chùa Bộc, Hà Nội) cho biết, cô đã chủ động tích trữ thực phẩm, đề phòng những ngày mưa to, gió lớn trong và sau thời gian bão đi qua.
“Mình có kế hoạch về quê ở Thái Nguyên từ tối thứ Sáu (6/9) nhưng đành hoãn vì sợ mưa to, đi đường nguy hiểm. Mấy ngày này, mình chỉ ở yên trong phòng trọ, nghe theo hướng dẫn của chủ trọ và thông báo từ địa phương”, Trang Anh nói.
Hoàng Thu Hiền (năm thứ nhất, trường ĐH Ngoại thương) sốt ruột vì quê nhà Nam Định cũng nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng lớn của cơn bão. Từ tối ngày 5/9, khi theo dõi thông tin về cơn bão trên các kênh chính thống, bố mẹ Thu Hiền đã gọi điện nhắc nhở con gái ở lại phòng trọ, hạn chế di chuyển trong những ngày cuối tuần.
“Mình lo cho gia đình ở quê và cũng chủ động các biện pháp để bảo vệ bản thân. Mưa, gió giật sau bão có thể kéo dài nhiều ngày, việc học tập và sinh hoạt có thể bị ảnh hưởng nhưng an toàn, tính mạng con người là trên hết. Mình đã mua sẵn thực phẩm, nước uống, thuốc men, vật dụng cần thiết đủ dùng trong ít nhất 7 ngày. Những cuộc hẹn bạn bè trong dịp cuối tuần cũng đã hủy hết”, Thu Hiền kể.