Tại Hội nghị thường niên ĐHQG TP. HCM mới đây, vấn đề hoạt động tự chủ của các trường ĐH được tham luận và thu hút nhiều ý kiến đóng góp.
Năm 2020, ĐHQG TP. HCM bắt đầu thiết lập các nền tảng để thực hiện tự chủ, trường ĐH Bách khoa là một trong các trường thực hiện tự chủ đầu tiên trong hệ thống. Trường đã chủ động xây dựng và triển khai các giải pháp gia tăng nguồn thu, tự cân đối tài chính đảm bảo ổn định thu nhập của công chức, viên chức
Tự chủ tài chính đã phần nào tạo điều kiện đảm bảo nguồn quỹ học bổng ổn định cho các sinh viên giỏi, tài năng, sinh viên thuộc diện chính sách… Trường cũng xây dựng các chính sách tuyển dụng và đãi ngộ mới đối với giảng viên, viên chức.
Tương tự, trường ĐH An Giang kể từ khi trở thành thành viên ĐHQG TP. HCM năm 2018, cũng bắt đầu tự chủ về chuyên môn, học thuật, tuyển sinh và đào tạo, quản lý và cấp văn bằng… Trường xây dựng định mức khối lượng kiến thức theo tín chỉ: Tối thiểu của chương trình cử nhân là 120 tín chỉ, Thạc sĩ là 60 tín chỉ.
Hỗ trợ thí sinh hoàn tất thủ tục nhập học tại trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM). |
Năm 2021, ĐHQG TP. HCM thông qua đề án tự chủ cho trường ĐH KHXH&NV và trường ĐH KHTN. Theo đánh giá của các trường, tự chủ tạo ra sức bật mới về nhiều mặt. Tuy nhiên, tự chủ vẫn còn mặt hạn chế trong quá trình đa dạng hóa nguồn thu. Nguồn thu sự nghiệp của các trường chủ yếu vẫn từ học phí. Các nguồn thu khác từ dịch vụ tư vấn và chuyển giao khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn giáo dục đào tạo theo hợp đồng cho các tổ chức và cá nhân trong nước... còn hạn chế.
Theo trường ĐH Bách khoa, việc tự chủ nếu chỉ dựa vào nguồn học phí, sẽ sớm tiệm cận giới hạn trong khi các nguồn thu tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả, nhất là nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Do vậy, Nhà nước nên đầu tư có chiều sâu vào phát triển khoa học và công nghệ theo năng lực và thế mạnh các đơn vị để phát huy hết tiềm năng sẵn có nhằm nâng tầm khoa học công nghệ của cơ sở giáo dục nói riêng và của quốc gia nói chung theo xu hướng mới là khoa học công nghệ kết hợp với đổi mới sáng tạo. Cung cấp những dịch vụ đa dạng cho ngành công nghiệp và doanh nghiệp: Các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; đào tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp và hợp tác quốc tế.
Nghị định 81/2021/NĐ-CP cũng đã phần nào khắc phục hạn chế về mức học phí không phù hợp với mặt bằng giá cả. Tuy nhiên, mức trần học phí áp dụng trong Nghị định này chưa phù hợp, các trường đại học công lập nói chung buộc phải mở rộng quy mô đào tạo trong điều kiện nguồn tài chính không đủ để tái đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo một cách tương ứng với nhu cầu đào tạo.
Để có nguồn bổ sung thu nhập, trường phải khai thác từ các hoạt động đào tạo không chính quy, do vậy thời gian đứng lớp của giảng viên phần lớn bị quá tải, tồn tại tình trạng các giảng viên đều vượt định mức giờ giảng theo quy định. Điều này dẫn đến việc giảng viên không có thời gian để nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ nghiệp vụ, đổi mới nội dung bài giảng, phương pháp sư phạm, cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Về các chương trình đào tạo, tự chủ đại học đã tạo điều kiện cho nhà trường hoàn toàn chủ động trong việc xây dựng và triển khai các chương trình, các hoạt động đào tạo. Tuy nhiên, việc nâng cấp hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành sau thời gian dài xuống cấp do khó khăn về kinh phí, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo là một nhiệm vụ cấp thiết.
Theo PGS. TS Phạm Đức Chính (trường ĐH Kinh tế - Luật) và PGS. TS Vũ Đức Lung (trường ĐH CNTT), trong tài chính ĐH có một chỉ số cơ bản là “chi phí đơn vị”, tức chi phí bình quân cho một sinh viên trong một năm. Con số này trong giáo dục ĐH là quá thấp so với mức trung bình của thế giới, kể cả so với các nước gần là Indonesia và Thái Lan.
Ở các nước phát triển, chi phí đơn vị thường là vào khoảng 50% - 100% GDP/đầu người nhưng với những nước đang phát triển như Việt Nam, chi phí đơn vị tương đối hợp lý phải là khoảng 120 - 150% GDP/đầu người. Ngay cả ở mức thấp của thế giới là 50%, nghĩa là nếu GDP đầu người khoảng gần 3.000 USD, chi phí đơn vị phải vào khoảng 1.500 USD/sinh viên/năm.
Theo các chuyên gia này, các cải cách tài chính đề xuất cho các trường ĐH thực hiện tốt tự chủ là nhà nước nên cấp đất xây dựng trường miễn phí và miễn thuế học phí, bất kể trường ĐH đó của khu vực nào, loại hình nào. Nền giáo dục chuyển từ tinh hoa sang đại trà, đảm bảo cơ hội cho mọi người dân được học ĐH thì chương trình tài trợ nên hướng đến các chính sách vay vốn khác nhau để mọi người dân đều có cơ hội như nhau.
Nghiên cứu, hợp tác, chuyển giao khoa học công nghệ của các trường ĐH là hướng đi hiệu quả. |
Bên cạnh đó, những trường ĐH nghiên cứu theo hướng tinh hoa thì đầu tư của Chính phủ phải chiếm phần lớn, những sinh viên ưu tú được tuyển chọn theo học phải được miễn học phí, thậm chí có cả học bổng có thể đủ trang trải cuộc sống hàng ngày mà không cần sự hỗ trợ từ phụ huynh.
Ngoài ra, cần thành lập những “Quỹ học bổng khích lệ” của Chính phủ hoặc cộng đồng nhằm tài trợ cho các chương trình tinh hoa, nghiên cứu để thu hút nhân tài làm mũi nhọn cho hệ thống giáo dục ĐH. Phương thức tài trợ trực tiếp cho cơ sở đào tạo phải có điều kiện, gắn với những nhiệm vụ bắt buộc của trường ĐH là: Kết quả đào tạo được kiểm định chất lượng và thành tựu nghiên cứu khoa học.