Theo PGS. TS Vũ Hải Quân, năm 2021, ĐHQG TP.HCM đổi mới và Thích ứng trong công tác đào tạo: linh hoạt chuyển đổi công tác giảng dạy, kiểm tra từ trực tiếp sang trực tuyến; bổ sung phương thức xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất từ các trường THPT; tuyển sinh kết hợp giữa năng lực học tập, bài luận và phỏng vấn cho thí sinh chuyển tiếp quốc tế. Đặc biệt, ĐHQG TP. HCM tiếp tục đứng top 801 - 1.000 (QS World 2022), tiếp tục là đại học duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong bảng xếp hạng về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới ở vị trí 301 - 500 (QS-GER 2022).
Thí sinh tham gia tư vấn tuyển sinh tại trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP. HCM). Ảnh: UEL |
Trong năm 2022 và đến giai đoạn 2025, ĐHQG TP. HCM thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng linh hoạt trước tình hình dịch bệnh. tăng tối thiểu 40% chỉ tiêu các phương thức xét tuyển ĐH trong kế hoạch năm 2022.
Cụ thể, ĐHQG TP. HCM tiếp tục mở rộng quy mô kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) và tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với phương thức này. Theo Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP. HCM, hiện nay có hơn 70 trường ĐH trong cả nước sử dụng điểm kỳ thi này để xây dựng phương án xét tuyển. Sự gia tăng số lượng trường và trên cơ sở tham khảo ý kiến từ các trường đã cho thấy cần có những thay đổi thích hợp để đáp ứng nhu cầu.
Từ năm 2022, kỳ thi ĐGNL sẽ được điều chỉnh một số nội dung. Theo đó, kỳ thi năm 2022 vẫn được tổ chức làm 2 đợt. Ngoài ra, ĐHQG TP. HCM cũng xem xét để có thể tổ chức kỳ thi ở nhiều địa phương hơn. ĐHQG TP. HCM và các trường xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện để tạo các nhóm tuyển sinh chung. Nhóm này sẽ sử dụng chung tài nguyên là hệ thốn đăng ký xét tuyển, xét tuyển, lọc ảo…
Kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP. HCM sẽ có những thay đổi theo hướng mở rộng quy mô và chỉ tiêu. |
Bên cạnh đó, ĐHQG TP. HCM sẽ tăng tối thiểu 2% số lượng sinh viên được xét tuyển bằng các chứng chỉ và bằng cấp quốc tế. Đồng thời thí điểm đổi mới tuyển sinh theo hướng kết hợp nhiều tiêu chí. Ví dụ, đề án tuyển sinh 2022 của trường ĐH CNTT xét tuyển cả thí sinh có thành tích cao trong thể thao, hay trường ĐH KHXH&NV năm 2022 xét tuyển thí sinh đạt thành tích cao trong hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao….
Trước đó, trường ĐH Bách khoa cũng xét tuyển thí sinh kèm tiêu chí phỏng vấn và bài tự luận. Theo ĐHQG TP. HCM, những tiêu chí kết hợp này sẽ mở rộng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh và góp phần tìm kiếm những sinh viên tài năng trên nhiều lĩnh vực, qua đó khuyến khích phát triển toàn diện cá nhân.
Một trong những chiến lược tuyển sinh của ĐHQG TP. HCM trong năm 2022 là mở rộng quy mô đào tạo theo hình thức song bằng, đào tạo tích hợp. Từ năm 2020, ĐHQG TP. HCM bắt đầu triển khai cho sinh viên học song ngành ở 2 trường khác nhau trong hệ thống. Theo quy chế này, đào tạo song ngành là phương thức tổ chức học cùng lúc hai chương trình, trong đó ngành thứ nhất là chương trình mà sinh viên trúng tuyển, nhập học. Ngành thứ hai sinh viên có nhu cầu, đảm bảo các điều kiện đăng ký và được cơ sở đào tạo xét tuyển theo quy định. Hiện tại, có 3 trường thành viên đang thí điểm hình thức đào tạo này là trường ĐH KHXH&NV, trường ĐH Kinh tế - Luật và trường ĐH Bách khoa.
Thực hiện tốt công tác đảm bảo chất lượng cũng như tổ chức các hoạt động chuẩn bị cho việc kiểm định chất lượng tại các trường ĐH thành viên theo các tiêu chuẩn quốc tế. Từ năm 2022, ĐHQG TP. HCM sẽ mở rộng quy mô hình thức đào tạo này nhằm tạo điều kiện cho sinh viên “thử sức” và phát huy hết khả năng.
Với bậc sau ĐH, ĐHQG TP. HCM sẽ xây dựng cấu trúc, bộ đề thi mẫu và thẩm định bộ đề thi mẫu đánh giá năng lực, đồng thời xây dựng quy định về đào tạo song bằng sau ĐH theo đề án đổi mới. Một điểm mới rất đáng quan tâm trong đào tạo của hệ thống ĐHQG TP. HCM là xây dựng quy định về đào tạo tích hợp từ trình độ Thạc sĩ lên Tiến sĩ.