Cần "đất" tốt cho "hạt giống" khởi nghiệp "nảy mầm"

Cần "đất" tốt cho "hạt giống" khởi nghiệp "nảy mầm"
SVVN - Những con số cho thấy, sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam ngày càng sôi động cả về chất lẫn về lượng. Nhưng để những “hạt giống” đó có thể “nảy mầm” và “đơm hoa kết trái”, việc tạo ra những “mảnh đất” tốt và màu mỡ chính là chìa khóa.

Đầu tư cho “startup” tăng vọt

Sức hút của khởi nghiệp tạo ra ngày càng lớn với giới trẻ Việt Nam. Theo thống kê của Ban điều hành đề án 844 (Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia) công bố, sau 3 năm triển khai, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã thay đổi rõ rệt. Trong cả năm 2018, lượng vốn đầu tư đổ vào các doanh nghệp khởi nghiệp lên đến 890 triệu đôla, cao gấp 3 lần so với năm 2017, 70% dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam có yếu tố nước ngoài. Cả nước có gần 40 quỹ đầu tư hoạt động và khoảng 70 khu “co-working” (tăng 50% so với năm 2016), tập trung chủ yếu tại TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Còn theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 75 % người trưởng thành ở Việt Nam có ước mơ trở thành doanh nghiệp. Tỷ lệ thanh niên tham gia khởi nghiệp rất cao, cứ 3 thanh niên trong tuổi 18 - 35 ở Việt Nam thì có một nhà khởi nghiệp. Việt Nam luôn nằm trong “top” 20 nền kinh tế dẫn đầu về tinh thần khởi nghiệp. Năm 2018 cũng chứng kiến những “thương vụ bom tấn”, ghi nhận những cuộc gọi vốn thành công ấn tượng: Foody gọi vốn thành công 64 triệu đôla; Tiki.vn nhận được khoản đầu tư 44 triệu đôla từ quỹ đầu tư của Hàn Quốc, Trung Quốc; Sendo.vn gọi vốn thành công 51 triệu đôla từ các nhà đầu tư châu Á. Việt Nam kỳ vọng, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1 triệu “startup”, trong đó có có 5.000 “startup” sáng tạo.

Theo SIHUB, số lượng “startup” trong lĩnh vực nông nghiệp trong vài năm gần đây tăng vọt nhưng lĩnh vực công nghệ cao vẫn thu hút nhiều nhà khởi nghiệp nhất. Theo Topica Founder Institute (TFI), những ngành thu hút vốn nhiều nhất là Fintech (công nghệ tài chính), E-commerce (thương mại điện tử), TravelTech (công nghệ du lịch), Logistics và Edtech (công nghệ giáo dục). Fintech là lĩnh vực dẫn đầu trong những ngành khởi nghiệp hút vốn đầu tư năm 2018, với 117 triệu đôla. Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng cho sự phát triển của Fintech. Nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance cho thấy, thị trường Fintech Việt Nam dự kiến tăng lên 7,8 tỷ đôla vào năm 2020.

Cần đất tốt cho hạt giống khởi nghiệp nảy mầm

Khách tham quan các gian hàng triển lãm tại Chợ phiên khởi nghiệp 2019 tại Saigon Innovation Hub.

Theo đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, với 53% dân số sử dụng Internet, gần 50 triệu thuê bao dùng “smartphone”, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán nhiều tiềm năng bùng nổ những năm tới. Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam đạt 35%, cao gấp 2,5 lần Nhật Bản. Số liệu của Statista cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 tăng 29,4%, so với 2017, đưa Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 thị trường lớn nhất Đông Nam Á. Những hứa hẹn về thị trường này bắt nguồn từ sự bùng nổ thương mại điện tử, lượng khách mua hàng trên các trang thương mại điện tử tăng đến 2,6%, đạt 49,8 triệu người, Nielsen Việt Nam cũng dự báo, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ đôla vào cuối năm 2020.

Theo Đề án Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019 – 2022 được T.Ư Đoàn ban hành, mục tiêu tới 2022 sẽ hỗ trợ ít nhất 1.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên. Trong đó, có 5 triệu đoàn viên được trang bị kiến thức khởi nghiệp, 90% cán bộ Đoàn - Hội chuyên trách công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được nâng cao nhận thức và phương pháp hỗ trợ thanh niên, mỗi tỉnh, thành Đoàn thành lập được bộ phận chuyên trách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn.

Mục đích của Đề án nhằm kiến tạo môi trường, cũng như tạo động lực cho khởi nghiệp sáng tạo, qua đó, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp mà Chính phủ đã đặt mục tiêu đến 2020 phải có 500.000 doanh nghiệp. Đề án tập trung hỗ trợ 3 nhóm đối tượng: Sinh viên (hỗ trợ các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp); thanh niên nông thôn (các dự án, đề án đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp) và doanh nhân trẻ là thanh niên chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (hỗ trợ về quản trị doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo, hội nhập).

Để phát triển hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp

Trong Đề án Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019 - 2022, để thực hiện được những mục tiêu này, trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn sẽ tập trung nâng cao nhận thức của cán bộ Đoàn các cấp và thanh niên về khởi nghiệp; tăng cường tư vấn, đào tạo, hỗ trợ thông tin, kiến thức về khởi nghiệp cho thanh niên và cán bộ Đoàn chuyên trách công tác khởi nghiệp; tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thành niên vào thực tiễn, hình thành cơ sở dữ liệu và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Việc xây dựng chương trình hỗ trợ vốn, kênh tiêu thụ sản phẩm cho thanh niên khởi nghiệp sẽ được chú trọng. T.Ư Đoàn sẽ xây dựng Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thành đầu mối kết nối, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Thúc đẩy khởi nghiệp gắn liền với tạo ra một hệ sinh thái ổn định và mạnh. Một trong những nhóm nhiệm vụ mà Đề án 844 tập trung là đào tạo, nâng cao năng lực cho khởi nghiệp. Dự kiến, năm 2020, sẽ đẩy mạnh trong nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ để hình thành các dự án khởi nghiệp có hàm lượng công nghệ cao. Đề án 844 cũng thúc đẩy hỗ trợ hoạt động của các tổ chức ươm tạo, cung cấp thiết bị dùng chung, trong đó mở ra cơ hội cho các hoạt động hỗ trợ theo các lĩnh vực như Medtech (Y tế), Fintech (Tài chính), Proptech (Bất động sản)...

Báo cáo của Văn phòng Đề án 844 về Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam cho rằng, tại đa số các vườn ươm hoặc trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đa phần chỉ là các doanh nghiệp siêu nhỏ đưa ra sản phẩm/dịch vụ trên nền tảng số, chứ chưa phải là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đúng nghĩa. Trong khi đó, sự hỗ trợ đối với những nhà khoa học trẻ đoạt giải trong các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, các dự án, doanh nghiệp đoạt giải Nhất trong các cuộc thi về khởi nghiệp tại địa phương thì lại chưa sát sao

Theo ông Huỳnh Kim Tước (SIHUB), dự đoán hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam sẽ có sự bứt phá mạnh. Năm 2018, nhiều tập đoàn lớn tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Cụ thể, Tập đoàn Vinacapital đã thành lập Quỹ Đầu tư Vinacapital Ventures (100 triệu đôla); Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu đôla để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC... Theo xu hướng này, số lượng các dịch vụ và hoạt động của hệ sinh thái, các sự kiện khởi nghiệp, các vườn ươm doanh nghiệp... sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, góp phần vào sự tăng trưởng chung của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia theo dõi về khởi nghiệp, hệ sinh thái của Việt Nam còn ở quy mô nhỏ và ở giai đoạn đầu, nếu so sánh với các thị trường tại Đông Nam Á như Singapore hay Thái Lan. Các “startup” hiện nay chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực cổng thanh toán trực tuyến, ví điện tử và cho vay ngang hàng. Thị trường còn thiếu một số mảng như Insurtech (công nghệ bảo hiểm), Credit scoring (đánh giá điểm tín dụng), Equity crowdfunding (đầu tư cộng đồng) và Crowdfunding (gọi vốn cộng đồng)... Sự non trẻ và thiếu kết nối chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam chưa tạo được lòng tin với các nhà đầu tư lớn. Có thể thấy, vai trò của các nhà đâu tư lớn vô cùng quan trọng và cần được đề cao. Doang nghiệp lớn có vai trò hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các “startup”, là đối tác hoặc trở thành khách hàng của các “startup” chứ không phải là người cạnh tranh.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tình yêu môi trường xóa tan những nỗi sợ, thúc đẩy bạn trở thành ‘chiến binh’

Tình yêu môi trường xóa tan những nỗi sợ, thúc đẩy bạn trở thành ‘chiến binh’

SVVN - Phạm Khắc Tùng hiện đang theo học hệ đào tạo từ xa ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bằng ước mong cống hiến cho môi trường, Khắc Tùng đã tham gia Hà Nội Xanh, nhóm tình nguyện độc lập được thành lập vào tháng 12 năm 2022, bởi anh Nguyễn Tiến Huy cùng các bạn trẻ khác với mục tiêu bảo vệ môi trường tại Hà Nội. Sau thời gian hoạt động và cống hiến với tất cả trách nhiệm và cái tâm chân thành, hiện tại, anh là Trưởng Ban Sự kiện tại Hà Nội Xanh.