Gắn bó với công việc đầu bếp tại TP. Hồ Chí Minh, Phạm Hoàng hiểu rõ sự tinh tế, cách bày trí cầu kỳ trên đĩa thức ăn rất quan trọng. Anh dành thời gian học hỏi kinh nghiệm từ những người thầy trong nghề và tự tìm hiểu thêm về kỹ thuật cắt tỉa trang củ quả… Anh chàng luôn tự hỏi: "Làm sao để biến hóa rau củ quả thô sơ thành những tác phẩm nghệ thuật, đẹp mắt, sống động?”.
Từ củ cà rốt, trái bí hồ lô, của cải trắng, đu đủ xanh… anh thử nghiệm, chạm tỉa thành những linh vật sống động: chú dê, chim công, đại bàng, gà trống… “Thời gian đầu, tôi tạo hình những con vật đơn giản: Tôm, cá, chim… nhưng chưa đẹp mắt lắm. Để có một sản phẩm cắt tỉa có hồn, ngoài sự khéo kéo, tôi phải nắm vững các kỹ thuật cắt tỉa cơ bản và am hiểu về mỹ thuật để có ý tưởng thể hiện tác phẩm theo ý muốn. Sau đó, tùy theo mục đích trang trí sẽ cắt tỉa, chạm trổ những con vật phù hợp lên món ăn, bữa tiệc. Tác phẩm càng nhỏ càng khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chỉ cần lệch vài chi tiết thì sản phẩm sáng tạo sẽ không có hồn”, Hoàng chia sẻ.
Chim Công được cắt tỉa công phu từ các loại rau củ
Với một sản phẩm, đầu tiên, người đầu bếp phải lên ý tưởng cắt tỉa, hình dáng con vật mong muốn thể hiện. Tiếp theo là lựa chọn các loại rau, củ quả phù hợp, đảm bảo độ tươi ngon. Sau đó, người sáng tạo vận dụng các kỹ năng để điêu khắc tác phẩm nghệ thuật của mình. Tùy vào từng nguyên liệu mà đầu bếp sử dụng những loại dao tỉa khác nhau. Bước cuối cùng, Phạm Hoàng sẽ dùng tăm tre (hoặc đũa ăn) để gắn kết những loại rau củ quả đã được cắt tỉa, từ những chi tiết rời tạc thành khối sản phẩm cầu kỳ, đẹp mắt. Điều này đòi hỏi ở người thợ tính thẩm mỹ và tay nghề cao.
Với đôi bàn tay khéo léo, Phạm Hoàng đã sáng tạo ra nhiều mẫu vật: Rồng phượng, chim muông, cá chép… “Mỗi linh vật có ý nghĩa và mục đích trang trí riêng. Tôi thường nhận các đơn hàng 12 con giáp vào những dịp sinh nhật, mừng tuổi… Chủ nhân bữa tiệc sẽ yêu cầu cắt tỉa linh vật tương ứng với năm tuổi. Hay những buổi lễ khai trương, tôi sẽ điêu khắc các tác phẩm: Mã đáo thành công, thần tài cầu may mắn… Với tôi, quan trọng nhất của nghề này là luôn luôn tìm hiểu và sáng tạo để tạo ra các sản phẩm bắt mắt, ấn tượng nhằm nhận được cái gật đầu của khách hàng…”, Phạm Hoàng cho biết.
Năm 2015, Phạm Hoàng đoạt “Huy chương vàng đồng đội” và “Huy chương đồng cá nhân” tại cuộc thi “Cắt tỉa rau củ quả quốc tế” diễn ra tại Thái Lan với sự tham gia của nhiều nghệ nhân các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... Cũng năm này, Hoàng đoạt giải Nhất về cắt tỉa rau củ quả tại Liên hoan ẩm thực Đồng Nai.
Từ chỗ thành thạo, nhuần nhuyễn với kỹ thuật cắt tỉa, anh đem kỹ thuật đó để giảng dạy. Học viên đa phần là những người làm trong ngành bếp, chủ doanh nghiệp phụ trách trang trí bữa tiệc… Việc chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật mới là niềm vui của chàng trai này. Anh tâm sự: “Có người theo học tôi mới có cơ hội chia sẻ lại kỹ thuật. Tôi cảm thấy vui vì có như vậy nghĩa là sẽ có nhiều người biết làm hơn, chẳng sợ trò hơn thua với thầy gì cả. Hơn thế, tôi mong muốn các học viên sẽ nắm vững kỹ thuật cơ bản để làm mới những bông hoa, các con thú… thêm phần khác biệt và hoàn mỹ hơn. Mỗi học viên thành danh với nghề là động lực để tôi sáng tạo, nghiên cứu nhiều hơn nữa để luôn tạo nên tác phẩm đẹp, chia sẻ với mọi người. Với tôi, nghệ thuật cắt tỉa rau củ quả góp phần làm nổi bật món ăn, trang trí không gian bữa tiệc thêm phần ấm áp, hấp dẫn…”.
Sắp tới, Phạm Hoàng sẽ dành thời gian học hỏi, nghiên cứu thêm kỹ thuật mới. Và tập trung làm nhiều tác phẩm độc đáo để in sách về điêu khắc rau củ quả để giới thiệu đến mọi người yêu ẩm thực.