“Mọi người thường mặc định con trai không chọn ngành Văn, hoặc nhận xét không hay khi nhìn thấy các bạn nam học ngành Văn. Nhưng theo quan sát của mình, các cựu giáo chức, các thầy, các anh cũng như các bạn nam cùng lớp, ai cũng giỏi giang, có trình độ chuyên môn rất tốt và là những hình mẫu mà mình luôn muốn noi gương” - Trần Mạnh Cường, 22 tuổi, bắt đầu cuộc trò chuyện với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, bằng một lời khẳng định.
Mạnh Cường, thủ khoa kép ngành Văn học khoá 2020-2024 của VNU-USSH. |
Cường và người thân chụp ảnh kỷ niệm khi nhận giấy khen Thủ khoa tốt nghiệp cùng PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương (bìa phải) - Phó hiệu trưởng VNU-USSH, hồi tháng 7/2024. |
Từ một học sinh chuyên Địa lý của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, Cường đỗ thủ khoa đầu vào ngành Văn học năm 2020. Suốt bốn năm học, cậu đạt được nhiều khen thưởng, học bổng các loại và từng nhận giải thưởng GS.NGND Lê Đình Kỵ dành riêng cho các sinh viên xuất sắc của bộ môn Lý luận văn học.
Cường (chính giữa hàng trên) cùng các thầy, cô, bạn học tại bộ môn Lý luận văn học, khoa Văn học (VNU-USSH) tại lễ trao giải thưởng. |
Do chương trình đào tạo, một trong những nhiệm vụ mà sinh viên ngành Văn học như Cường phải hoàn thành là đọc sách, thậm chí là rất nhiều sách, để tiếp cận trực tiếp văn bản. Vốn thích sách vở từ bé, cậu không nghĩ đây là một nhiệm vụ mà là một hình thức giải trí, là cách để mở rộng vốn đọc của mình.
Các bạn cùng lứa với Cường ở khoa Văn hay bảo, “Đi đâu cũng thấy Cường mang sách đi cùng”, bởi với cậu, không điều gì đem lại cảm giác yên tâm bằng một (hoặc nhiều) cuốn sách mang theo bên mình. Cậu cũng thích được mọi người gọi là “mọt sách” với hàm ý yêu thương, tích cực. Môi trường của khoa Văn khiến cậu thêm tự tin, vui vẻ khi được gặp gỡ nhiều “’mọt sách” giống mình.
Ngoài đọc sách, Cường còn mê âm nhạc và đặc biệt yêu thích Taylor Swift. Mỗi lúc mệt mỏi, thất bại hay gặp chuyện không may trong cuộc sống, cậu lại nhớ đến câu hát: “Everything you lose is a step you take (Mỗi thứ bạn mất đi là một bước tiến bạn nhận được)”, trích từ bài hát You’re On Your Own, Kid của nữ ca sĩ người Mỹ.
Cường không có phương pháp học nào cụ thể, đôi khi khá tuỳ hứng và “nước đến chân mới nhảy”. Với cậu, không chỉ trong học tập, mà ở bất kỳ khía cạnh nào trong cuộc sống, việc tìm thấy niềm vui trong công việc mà mình thực hiện là nhân tố quyết định tới kết quả cuối cùng.
Đối với cậu, việc được học tập, được mở mang thế giới quan luôn là một đặc quyền, là một điều để bản thân cảm thấy biết ơn, để từ đó thêm trân trọng mọi lựa chọn và cơ hội đến với mình. Suốt quá trình học tập và nghiên cứu, Cường luôn tự nhủ, theo đuổi ngành Văn học là quyết định được đưa ra dựa trên thế mạnh và sở thích của mình, nên cần nỗ lực để hoàn thành thật xuất sắc.
“Mình cũng cố gắng ‘lãng mạn hóa’ việc học bằng cách linh hoạt thời gian và không gian. Mình thường gặp gỡ bạn bè để ôn bài ở những địa điểm mới mẻ như các tiệm cà phê xinh xinh trong thành phố”, cậu nhớ lại.
Những quán cà phê có thiết kế đẹp là địa điểm học lý tưởng của Cường. |
Suốt thời sinh viên, Cường yêu thích nhất môn “Tác phẩm và loại thể loại văn học” do PGS. TS. Nguyễn Thị Như Trang giảng dạy và một số môn học liên quan tới lý luận, phê bình nghệ thuật do TS. Nguyễn Thị Bích đứng lớp. Đây là hai giảng viên có cách giảng dạy tuyệt vời, lôi cuốn khiến cậu không nỡ “bùng” một buổi học nào.
Đến năm thứ tư, Cường chọn chuyên ngành Lý luận Văn học – Nghệ thuật, bởi phạm vi kiến thức của chuyên ngành này tương đối rộng, có thể cung cấp cho người học nền tảng lý thuyết vững chắc để ứng dụng vào nhiều lĩnh vực nghiên cứu.
PGS. TS. Nguyễn Thị Như Trang hiện là Trưởng Bộ môn Lý luận văn học. Cô Như Trang là hình mẫu của một nhà giáo mà cậu luôn ngưỡng mộ, một người thầy đã truyền thụ cho cậu nhiều kiến thức quý báu và cả niềm say mê lý thuyết.
Đề tài khóa luận của Cường là “Căn tính người da đen trong tiểu thuyết Nửa kia biệt tích của Brit Bennett”. Khóa luận sử dụng lý thuyết chủng tộc, căn tính của Hobbs, Bhabha và Morrison để khám phá sự giao thoa, giải mã mối quan hệ phức tạp giữa các vấn đề chủng tộc, giới tính và giai tầng trong bối cảnh lịch sử, chính trị, xã hội Hoa Kỳ. Từ đó cho thấy chủng tộc, giới đều là những cấu trúc xã hội và do đó hoàn toàn có thể giải bỏ.
Cường (chính giữa hàng trên) tại buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp tại bộ môn Lý luận văn học. |
Sau tốt nghiệp, Cường dự định đăng ký học cao học tại bộ môn Lý luận văn học, khoa Văn học và theo đuổi định hướng nghiên cứu về chủng tộc và giới. “Mình vẫn muốn tiếp tục được lĩnh hội kiến thức, muốn được theo đuổi con đường nghiên cứu, học thuật để thực hiện ước mơ từ bé là trở thành một giảng viên đại học”, Cường giải thích.
Chàng trai “mọt sách” chia sẻ, gần đây cậu vừa đọc xong cuốn Everything I know About Love của Dolly Alderton. Đây là một tập tạp văn, bán hồi ký ghi lại những trải nghiệm rất đỗi chân thật và xúc động của Dolly Alderton, một nhà báo người Anh, về mọi sự kiện lớn nhỏ mà cô từng trải qua từ thời niên thiếu tới khi cô đã là một người phụ nữ trưởng thành.
“Ở đó, Alderton viết về nỗi lo sợ trước viễn cảnh bị bỏ lại phía sau, nỗi hoài nghi về hệ giá trị của bản thân, nỗi mất mát khi phải đối diện với sự rời đi của những người mà mình yêu thương. Trên cả, Alderton còn ngợi ca tình cảm gia đình và đặc biệt là những khía cạnh lành mạnh của tình bạn giữa những người bạn gái (female-friendship).
Mình nghĩ rằng đây là một cuốn sách mà bất cứ người trẻ nào, nhất là đang ở độ hai mươi chông chênh cũng nên đọc một lần. Các bạn độc giả của Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam hãy thử tìm đọc cuốn sách thú vị này nhé”, Cường nhắn nhủ.
Ảnh: NVCC