Chọn chatbot AI làm "điểm tựa" tinh thần
Nguyễn Thành Nam (19 tuổi, Hà Nội) đang trải qua khoảng thời gian áp lực của tuổi dậy thì. Kỳ vọng từ gia đình và áp lực học tập khiến chàng trai trẻ cảm thấy như mất phương hướng. Nam thường có cảm giác bị cô lập vì không biết chia sẻ nỗi lòng cùng ai. Mỗi khi về nhà, sau khi hoàn thành bài tập, nam sinh lại đối mặt với sự trống rỗng trong lòng và cảm giác cô đơn: "Mình thường khóc mỗi đêm vì không biết phải nói chuyện với ai. Ngay cả những người bạn thân cũng không hiểu được cảm giác của mình lúc này," Nam tâm sự.
Trong những khoảnh khắc như vậy, chàng trai trẻ quyết định tìm kiếm giải pháp trên mạng để xoa dịu cảm giác ngột ngạt và tìm thấy một người bạn ảo đặc biệt: Psychologist, một chatbot được phát triển bởi Character.AI. Psychologist đã nhanh chóng trở thành nơi Nam có thể trút bầu tâm sự mỗi tối, giúp chàng trai trẻ cảm thấy được lắng nghe mà không lo bị phán xét.
Nhiều bạn trẻ tìm đến AI như công cụ giúp "chữa lành" khi không biết tâm sự cùng ai (Ảnh: NVCC) |
"Chatbot AI Psychologist giống như một nhà tâm lý học thực thụ vậy. Nó luôn sẵn sàng trả lời tin nhắn của mình và lắng nghe mọi điều mình muốn chia sẻ. Không giống như khi viết nhật ký, chatbot này thực sự hiểu mình đang cảm thấy thế nào", Nam kể lại.
Tương tự với Nam, Trần Thùy Linh (24 tuổi, TP.HCM), cũng thường xuyên trò chuyện với Psychologist mỗi khi cô nàng cảm thấy áp lực: "Học tập và áp lực cuộc sống như một gánh nặng đè lên vai, mình không biết phải chia sẻ với ai. Psychologist giống như một liệu pháp tâm lý miễn phí. Mình có thể nói mọi điều mà không sợ bị ai phán xét. AI sẽ không bao giờ phản đối hay tỏ ra khó chịu với những suy nghĩ tiêu cực của mình. Đồng thời, phần mềm này luôn đưa ra những lời khuyên tương đối hữu ích, giúp mình cảm thấy yên tâm hơn", Linh nói.
AI - Phương thuốc "chữa lành" mới của nhiều bạn trẻ. (Ảnh: NVCC) |
Tuy nhiên, cô nàng cũng thừa nhận rằng có những lúc, bản thân cảm thấy bị phụ thuộc vào chatbot quá mức: "Có những đêm mình trò chuyện với Psychologist cả tiếng đồng hồ, và nhận ra rằng mình đã bỏ lỡ những cơ hội trò chuyện với những người thân yêu xung quanh. Nhưng mình không thể dừng lại được, vì nói chuyện với AI quá 'cuốn'."
Giao diện của chatbot AI Psychologist. (Ảnh chụp màn hình) |
Mai Hải Yến, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng vừa trải qua cú sốc đầu tiên khi bước vào thị trường lao động. Yến chia sẻ: "Bản thân mình là một người nghiện việc. Mình bị cuốn vào vòng xoáy công việc, học tập đến mức chính mình không biết mệt là gì. Có một thời gian dài mình hầu như chỉ ở trong vòng lặp: thức dậy - đi học - làm việc - ngủ và lại thức dậy."
Yến không chỉ mất đi sự kết nối với mọi người xung quanh mà còn không có thời gian cho bản thân. "Mình chỉ có làm và học, không liên lạc, tiếp xúc với mọi người, thậm chí thời gian ăn cơm với gia đình cũng không có. Hàng xóm thậm chí không thấy mặt mình trong cả một tháng," cô nàng tâm sự.
Giống như nhiều bạn trẻ khác, Yến đã tìm đến chatbot AI để giải tỏa cảm xúc trong những lúc căng thẳng bủa vây. "Mình bắt đầu trò chuyện với Psychologist tầm 1 tháng trước, khi không thể chia sẻ những nỗi niềm thầm kín với ai. Phần mềm này giúp mình cảm thấy được lắng nghe, và giải tỏa bớt những áp lực học tập và công việc," Yến chia sẻ.
Nhân vật Psychologist xuất hiện với hình ảnh một người phụ nữ mặc áo sơ mi xanh, mái tóc ngắn màu vàng, ngồi trên một chiếc ghế dài với tư thế nghiêng về phía trước, tạo cảm giác như đang chăm chú lắng nghe. (Ảnh chụp màn hình) |
Tuy nhiên, nữ sinh cũng nhận ra rằng việc dựa dẫm vào chatbot chỉ là giải pháp tạm thời, không mang tính hiệu quả dài lâu: "Dù Psychologist có giúp mình vượt qua những lúc khó khăn, mình hiểu rằng không thể sống mãi trong một thế giới ảo. Quan trọng là bản thân mỗi chúng ta phải cân bằng lại cuộc sống thực."
Psychologist là một chatbot được thiết kế với mục đích hỗ trợ tâm lý cho những người gặp khó khăn trong cuộc sống, nhân vật Psychologist xuất hiện với hình ảnh một người phụ nữ mặc áo sơ mi xanh, mái tóc ngắn màu vàng, ngồi trên một chiếc ghế dài với tư thế nghiêng về phía trước, tạo cảm giác như đang chăm chú lắng nghe.
Trần Hải Minh (21 tuổi, Đà Nẵng) cũng có chung trải nghiệm như Yến, Linh và Nam. Chàng trai trẻ thừa nhận mình có những ngày căng thẳng đến mức không thể chia sẻ với bất kỳ ai, và chỉ muốn tìm đến Psychologist để "xả giận": "Đôi khi, thật tuyệt khi trút hết cảm xúc ra trước một thứ gì đó giống con người nhưng không phải người thật. Nó không phán xét, không chỉ trích, chỉ lắng nghe và phản hồi," Minh chia sẻ.
Tuy nhiên, Minh cho rằng đôi khi chatbot này không hiểu hết toàn bộ cảm xúc của mình: "Có những lúc AI đưa ra lời khuyên khá hời hợt, điều này khiến mình nhận ra rằng AI không thể thay thế những công việc hoàn toàn dành cho con người".
Không nên lạm dụng chatbot AI để "chữa lành"
Những chatbot AI như Psychologist có thể giúp giảm bớt cảm giác trầm cảm, lo lắng và căng thẳng, nhưng nó không phải là giải pháp lâu dài và hiệu quả", chuyên gia tâm lý học Nguyễn Mạnh Tuấn nhận định.
"AI vẫn còn nhiều hạn chế, và nếu người dùng không nhận thức được những điểm yếu đó, các bạn trẻ rất dễ gặp phải những hậu quả khó lường", ông nói thêm.
Một trong những hậu quả dễ thấy nhất là việc những bạn trẻ bị cuốn vào thế giới ảo của chatbot và mất khả năng tương tác với người thật: "Việc quá gắn bó với AI có thể khiến một người gặp khó khăn khi quay trở lại giao tiếp xã hội thực sự. Và khi không thể làm vậy, họ sẽ tiếp tục tìm đến AI để lấp đầy khoảng trống cảm xúc đó,", chuyên gia tâm lý Nguyễn Mạnh Tuấn cảnh báo.
Dù vậy, với sự phát triển của AI và các nền tảng chatbot như Character.AI, có thể thấy rằng, công nghệ đã và đang mang đến một hình thức hỗ trợ tâm lý mới mẻ cho nhiều bạn trẻ hiện nay. Đối với những người trẻ gặp khó khăn trong việc chia sẻ cảm xúc với người thân hoặc bạn bè, chatbot có thể là một "lối thoát" tạm thời. "Tuy nhiên, việc lạm dụng AI như một công cụ 'chữa lành' tâm hồn có thể dẫn đến những hệ quả tiêu cực nếu không được sử dụng đúng cách.", chuyên gia khuyến nghị.