Tạm hoãn vì dịch bệnh
Cũng như bao sinh viên khác, Lê Thị Cẩm Nhung (năm thứ tư, khoa Văn hóa học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) dự định sẽ đi thực tập vào học kì này. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng đến kế hoạch thực tập của cô bạn. Cẩm Nhung cho biết: “Việc bị dời thời gian thực tập đã ảnh hưởng nhiều đến dự định tốt nghiệp đúng hạn của mình. Mình nghĩ việc thực tập sẽ được dời đến khi nào hết dịch, có thể là vào học kỳ tới”.
Vì phải chuẩn bị cho việc đi thực tập và các kế hoạch cá nhân nên Cẩm Nhung đã bị mắc kẹt lại TP. HCM. Cẩm Nhung chia sẻ: “Mình quyết định không về quê vì mình có vài công việc liên quan đến ghi hình và phải dành thời gian tập luyện trước khi lên sóng. Mình cũng sợ bản thân có thể mắc bệnh và lây cho gia đình”.
Cẩm Nhung hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua đi để cô bạn tiếp tục những kế hoạch còn dang dở. |
Thời gian này, Cẩm Nhung luôn giữ cho mình một tinh thần lạc quan nhất. Cô bạn nghĩ rằng đây cũng là cơ hội để cô có thể chuẩn bị tốt nhất những kỹ năng cần thiết cho việc thực tập sắp tới. Nhung cho biết trường và khoa luôn tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp xúc với các môi trường theo hai chuyên ngành trong lĩnh vực văn hoá là du lịch và truyền thông. Sinh viên sẽ có thể tự do lựa chọn thực tập tại các doanh nghiệp về du lịch và văn hóa.
Nhung đang là một dancer tự do, vì thế cô rất yêu thích những công việc về sân khấu. Cô bạn luôn ước muốn được làm công việc liên quan đến niềm đam mê của mình để có thể thoải mái sáng tạo. Nhung hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua đi để cô bạn tiếp tục những kế hoạch còn dang dở của mình.
Chủ động trước thay đổi
Cũng là một trường hợp tương tự, với Nguyễn Phạm Xuân Tú (năm thứ ba khoa Công nghệ Kỹ thuật Ô tô, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM), đại dịch đã làm hoãn lại các môn thực hành của Tú và đồng thời cũng cản trở đến kỳ thực tập cuối năm ba này. Tú cho biết: “Các môn thực hành này cực kì quan trọng đối với các ngành Kỹ thuật như bọn mình. Học kĩ thuật mà không được sửa chữa chẩn đoán thực tế thì các kiến thức hàn lâm cũng trở nên mù mờ. Dịch bệnh còn làm cho các doanh nghiệp không nhận sinh viên thực tập. Đối với ngành ô tô bọn mình thì khoảng hè năm ba đã đi thực tập doanh nghiệp và đây cũng là điều kiện tiên quyết để có thể tốt nghiệp ra trường”.
Xuân Tú (bên phải) cũng đã tận dụng triệt để khoảng thời gian này để nâng cao ngoại ngữ. |
Tuy nhiên, Tú cũng đã tận dụng triệt để khoảng thời gian khó khăn này để nâng cao ngoại ngữ của mình và tìm tòi về các phần mềm có liên quan đến ngành học. Anh chàng cũng cho biết sau khi hết dịch sẽ cố gắng hoàn thành hết những gì còn dang dở và đặc biệt là hoàn tất các tín chỉ thực tập.
Khác với các bạn, Nguyễn Tiến Nghĩa (sinh viên năm thứ tư khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) sẽ bắt đầu thực tập vào khoảng cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Vì thế, việc thực tập của cậu bạn không bị ảnh hưởng nhiều, Nghĩa đã lên kế hoạch riêng cho bản thân trong thời gian này. Là một sinh viên chuyên ngành Biên kịch điện ảnh nên Nghĩa đã dành nhiều thời gian để nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Bên cạnh đó, Nghĩa còn có những đam mê khác và cậu đang cố gắng trau dồi nó để tìm kiếm thêm nhiều cơ hội cho bản thân.
Dịch ổn, Tiến Nghĩa dự định sẽ đi dạy thêm để có thêm kinh nghiệm và tham gia nhiều chương trình truyền hình để tìm kiếm cơ hội cho bản thân. |
Nghĩa cho biết khoa của cậu bạn sẽ thực tập ở những cơ quan truyền hình của thành phố ở các mảng sản xuất truyền hình, chương trình gameshow. Khoa đã đề xuất nới lỏng thời gian thực tập nếu như tình hình dịch bệnh kéo dài. Tương lai, Nghĩa định hướng cho bản thân mình có thể ở hướng biên kịch, truyền hình hoặc có thể theo hướng sư phạm ngữ văn.