Từ giao lưu quốc tế đến tình yêu Bắc Đại
Chương trình mà Hải Đăng đang tham dự là học bổng Yenching Global Symposium. Đây là chương trình trọng điểm hàng đầu của Học viện Yên Kinh, ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), quy tụ các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu, lãnh đạo trẻ dưới 30 tuổi trên toàn cầu về tham dự.
Chia sẻ về lý do lựa chọn ĐH Bắc Kinh để tiếp tục con đường học vấn của mình, Hải Đăng tâm sự: “Mình yêu thích Trung Quốc từ rất lâu rồi, điều này càng được nhân lên nhiều lần sau khi mình có cơ hội được trực tiếp giao lưu, làm việc với các học giả ở Bắc Đại qua những hội nghị quốc tế và được truyền cảm hứng bởi họ. Chính vì thế, niềm khao khát được đặt chân tới ngôi trường này càng trở nên mạnh mẽ trong mình”.
Nữ sinh cũng bộc bạch thêm rằng, việc có cơ hội tham dự chương trình ngắn hạn tại ĐH Bắc Kinh lần này chính là một tiền đề quan trọng trước khi quyết định theo đuổi cấp học dài hạn tại Trung Quốc nói chung và Bắc Đại nói riêng trong tương lai.
Trịnh Hải Đăng (ngành Xã hội học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) vừa đậu học bổng toàn phần ngắn hạn tại ĐH Bắc Kinh. (Ảnh: NVCC) |
Trong hành trình đến với học bổng toàn phần ngắn hạn tại ĐH Bắc Kinh, Hải Đăng đã phải cạnh tranh với rất nhiều thí sinh, khi năm nay, chương trình này thu hút gần 11.000 đơn ứng tuyển trên toàn cầu và chỉ chọn ra 100 đại biểu chính thức. Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, Hải Đăng chia sẻ rằng không hề biết tỉ lệ cạnh tranh cao như thế, vậy nên cô vô cùng hạnh phúc khi trúng tuyển.
Quá trình làm bài luận vừa thể hiện được phần kiến thức, vừa thể hiện được phần kỹ năng con người của mình trong một dung lượng khá giới hạn cũng là một thử thách với Hải Đăng. Nữ sinh Gen Z cho biết, không chỉ riêng chương trình này mà đây còn là khó khăn chung của các chương trình trao đổi quốc tế khác.
'Quả ngọt' sau những lần ‘dám thử’
Nữ sinh tài năng cũng chia sẻ, cô bắt đầu con đường giao lưu quốc tế là vào 3 năm trước. Việc bền bỉ ứng tuyển và tham gia các chương trình trước đây là tiền đề quan trọng cho cơ duyên tới trường ĐH Bắc Kinh lần này.
Trong hồ sơ có 5 câu hỏi, mỗi câu phải viết thành một bài luận ngắn. Chính vì vậy, lượng kiến thức cần thể hiện phải đa dạng và phủ rộng được nhiều lĩnh vực. Bài luận phải thể hiện được sự quan tâm của mình về Trung Quốc, hiểu biết và kiến thức của mình về chủ đề của chương trình và khả năng lãnh đạo của mình. Hải Đăng bộc bạch: “Nếu đổi lại thời điểm 1 đến 2 năm trước mình ứng tuyển thì mình nghĩ, bản thân chưa đủ sức. Thật may là hiện tại, mình đã "cứng cáp" hơn một chút về cả kiến thức và kỹ năng để có thể cạnh tranh với một tỷ lệ cao như thế”.
Bí quyết viết bài luận lần này của cô là trả lời rõ ràng, đúng trọng tâm câu hỏi, khắc họa rõ nét chân dung con người mình. Tâm sự về việc 'Tại sao bạn là một ứng viên phù hợp?', Hải Đăng cho biết, cô đã mạnh dạn trình bày ba khía cạnh: Nêu rõ niềm đam mê với Trung Quốc và sự hiểu biết về chủ đề chương trình; những đóng góp cụ thể cho chương trình; và cuối cùng là kế hoạch để đóng góp lại cho cộng đồng sau khi trở về nước.
Trịnh Hải Đăng quyết tâm theo đuổi đam mê. (Ảnh: NVCC) |
“Khi ứng tuyển học bổng nói chung, mình thấy chúng ta dễ bị đóng vai một ứng viên hoàn hảo. Tuy nhiên, khi được là chính bản thân mình thì chương trình phù hợp sẽ tự đến, mình không nên chạy theo chương trình mà quên đi bản sắc riêng vốn có”, Hải Đăng nói. Về "mẹo" viết CV, Hải Đăng chia sẻ, cô đã áp dụng dạng CV ATS (Applicant Tracking System) cho học bổng lần này, cũng như các lần trước đó.
Chia sẻ về dự định trong tương lai gần, Hải Đăng vẫn mong muốn tiếp tục nhân rộng dự án Không gian chia sẻ "Just Talk" - một dự án dành cho học sinh, sinh viên mà cô đã thực hiện trong năm vừa rồi ở TP. HCM và Hà Nội, với tinh thần đồng hành, giúp đỡ các bạn đang mông lung với hành trình khai phá bản thân, giống như chính cô ngày trước.
“Hãy dám nghĩ dám làm, đừng sợ, bởi vì thời gian có hạn. Nếu như cứ chần chừ thì cơ hội sẽ nhanh chóng vuột qua. Tụi mình sẽ không biết được khi nào sẽ là khoảnh khắc thay đổi bản thân, nếu tụi mình không hành động ngay từ bây giờ”, Hải Đăng nhắn nhủ.