Chia sẻ tại chương trình, ThS Tâm lý Phan Thị Mai Quyên cho biết, dấu hiệu đầu tiên của hội chứng Over thinking (tạm dịch: Suy nghĩ quá nhiều) là suy nghĩ nhiều, lo lắng quá nhiều. Bên cạnh đó, ThS Phan Thị Mai Quyên chỉ ra thêm một trong các dấu hiệu có thể nhìn thấy rõ nhất là thần sắc trên gương mặt và và đặc biệt là biểu hiện của ánh mắt. “Một người gặp hội chứng Over thinking sẽ có thần sắc gương mặt nhợt nhạt như mới ốm dậy, ánh mắt lờ đờ. Những người mắc hội chứng này sẽ bị rối loạn về nhịp ăn và nhịp ngủ. Thường những tình trạng này sẽ kéo dài từ một tháng trở lên. Do đó các bạn trẻ nên để ý các dấu hiệu lâm sàng về tất cả vấn đề sức khỏe để có những những điều chỉnh và can thiệp kịp thời”, ThS Tâm lý Phan Thị Mai Quyên nói.
Tại chương trình, ThS Tâm lý Phan Thị Mai Quyên đã cho các em học sinh chơi một trò chơi nhỏ để các em hiểu hơn về áp lực, ngay cả khi tham gia trò chơi: Áp lực thời gian, áp lực đám đông... Để làm rõ vấn đề áp lực trước đám đông, ThS Phan Thị Mai Quyên cho biết: “Việc chúng ta nói về góc nhìn, cảm xúc của mình trước một ai đó đã là việc chúng ta phải lựa chọn. Do đó, những trải nghiệm bất lợi, những cảm xúc không được tích cực đó,các bạn đã lựa chọn nói trước thầy cô, người khác có nghĩa là các bạn giải quyết câu hỏi là người ta có hiểu, có đồng hành với trải nghiệm của mình hay không?…”.
ThS Tâm lý Phan Thị Mai Quyên – giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM chia sẻ với các em học sinh tại chương trình. (Ảnh: Vương Tín) |
“Kết quả một số kỳ thi của em không được tốt nên hay bị gia đình đánh giá và mang ra so sánh với các anh chị em họ làm em cũng rất áp lực”. Đây là trải lòng của một bạn học sinh tại chương trình.
Một bạn học sinh chia sẻ về câu chuyện áp lực trong học tập của mình. (Ảnh: Vương Tín) |
Các bạn học sinh của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Q. 5, TP. HCM) tham dự chương trình. (Ảnh: Vương Tín) |
Về vấn đề này ThS Tâm lý Phan Thị Mai Quyên bày tỏ sự đồng cảm với các bạn học sinh. Theo cô, việc so sánh giữa hai cá nhân khác nhau trên cùng một vấn đề, là điều không nên diễn ra, cả trong gia đình lẫn trường học. “Chúng ta không nên so sánh mình với người khác mà mình chỉ nên so sánh mình của giai đoạn hiện tại với mình của giai đoạn trước đây có thay đổi gì hay không. Để khắc phục tình trạng này, mỗi bạn trẻ cũng nên chia sẻ nhiều hơn với những người thân trong gia đình. Khi chúng ta chọn cách nói ra những trạng thái tâm lý của chúng ta với cha mẹ, thầy cô, đúng với vị thế, thì ít nhiều các bạn trẻ cũng được lắng nghe và khó có thể nào đẩy cao sự công kích của người khác dành cho mình”, ThS Phan Thị Mai Quyên chia sẻ.
ThS Lý Quốc Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho rằng, việc chọn ngành, chọn trường phù hợp với bản thân chưa bao giờ là một điều dễ dàng với bạn trẻ. Theo ThS Lý Quốc Huy, ngoài việc học đại học, các bạn trẻ có rất nhiều sự lựa chọn như học nghề, học cao đẳng hay đi xuất khẩu lao động... “Việc học như thế nào không ảnh hưởng tới việc bạn có đi làm được hay không, mà nó sẽ ảnh hưởng tới việc bạn sẽ làm gì và vị trí của bạn như thế nào trong công việc? Ai cũng có những khó khăn riêng của bản thân, quan trọng là bạn có vượt qua những rào cản đó hay không”, ThS Lý Quốc Huy nêu vấn đề.
ThS Lý Quốc Huy - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng chia sẻ về việc chọn ngành, chọn nghề với các em học sinh. (Ảnh: Vương Tín) |
ThS Lý Quốc Huy cũng nhìn nhận, học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An lợi thế hơn với những trường khác, bởi khi ra trường, các bạn có cùng lúc hai bằng là bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp nghề. “Nếu đi làm ngay, các bạn sẽ có thu nhập nhưng nếu các bạn tiếp tục học tiếp bậc cao hơn thì cũng rất thuận tiện, bởi các bạn có thể trực tiếp học đại học hoặc liên học thông đại học”, ThS Lý Quốc Huy nói.
Ban Tổ chức tặng hoa cảm ơn các chuyên gia, diễn giả tham gia chương trình (Ảnh: Vương Tín) |
Tuy nhiên, ThS Lý Quốc Huy khuyên, với những học sinh nếu có ý định học đại học, không nên quá lo lắng về học phí, bởi hiện nay các trường đều có chính sách học bổng hoặc vay vốn rất ưu đãi.
Chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học” do báo Tiền Phong phối hợp cùng AIA Việt Nam, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trường ĐH Mở TP. HCM, Nam Á Bank phối hợp tổ chức. Trong năm học 2023 - 2024, chương trình đưa các chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp, tuyển sinh đến các trường THPT trên địa bàn TP. HCM để chia sẻ, giao lưu, lắng nghe tiếng nói của học sinh trong mọi vấn đề như: Ứng xử văn minh trên mạng xã hội; cảnh báo, ngăn chặn nạn bạo lực học đường; giảm stress trong học tập; chọn ngành, chọn nghề…