Chuyện nhà Tí là tác phẩm chuyển thể từ tản văn Tết trong quyển Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng, được Minh Dự xuất bản vào ngày 6/12. Bộ phim lấy bối cảnh ngày Tết với đầy đủ những “thủ tục” từ cúng bái, khấn Tổ tiên đến một thông lệ vô cùng quen thuộc - lì xì lấy hên. Song, đằng sau những phong tục đầu năm tưởng chừng quen thuộc và đầy ý nghĩa ấy, Chuyện nhà Tí mang đến một góc nhìn khác đậm hơi thở thời đại, có phần châm biếm nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và khiến người xem phải “chậm lại” để suy ngẫm.
Dưới góc nhìn của nhân vật Tí, “Tết” trong gia đình mình từ lâu đã “biến tướng”, không còn giữ nguyên vẹn “diện mạo” tốt đẹp với tình cảm gia đình sum vầy và ấm áp. Từ một thông tục quen thuộc mang ý nghĩa may mắn - “lì xì”, dần trở nên một cách thức “lấy oai”, thậm chí là để so đo kinh tế giữa những thành viên trong gia đình.
Mọi người không còn quan tâm đến tình cảm được “gói” trong những lời mừng tuổi, hay ý nghĩa của việc tặng nhau chút lộc may mắn đầu năm mà thay vào đó là mệnh giá bên trong phong bao đỏ tươi. Cũng vì lẽ đó mà Tâm - ba của Tí năm nào cũng về quê trễ, khi luôn mang trong người những mặc cảm giàu nghèo.
“Đây là những cảm xúc của Dự về ngày Tết, đặc biệt là Mùng 1. Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, Dự thấy Tết càng ngày càng ngắn. Nhiều người quan trọng giá trị đồng tiền trong bao lì xì hơn là câu chúc phúc đầu năm. Sự tranh thủ đi từ nhà này qua nhà khác để kiếm tiền lì xì khiến Tết trôi qua rất nhanh. Ông bà, cha mẹ cũng vì đó mà lạc lõng, cô đơn” - diễn viên Minh Dự, và cũng là tác giả của tác phẩm gốc chia sẻ về những cảm nhận cá nhân đã tạo nên nguồn cảm hứng cho câu chuyện.
Bên cạnh “trục” chính là câu chuyện trong nguyên tác, web-drama Chuyện nhà Tí cũng được “thêm thắt” những tình tiết mới đầy cảm động và vỡ oà. Như trong phân cảnh nhân vật Tí (Minh Dự) mãi mãi mất đi mẹ của mình vì dịch bệnh COVID-19, quãng thời gian cả nước “gồng mình” chống dịch với hàng nghìn mất mát và đau thương vừa qua lại một lần nữa được tái hiện khiến người xem không khỏi nghẹn ngào.
Hay trong phân đoạn anh Tư (Quang Tuấn) trở về nhà sau khi đã “cởi bỏ” hết những mặc cảm giàu nghèo, đôi tay run run của bà Ba (NSND Kim Xuân) lấy ra trong túi chiếc bao lì xì đỏ thắm, câu “Ờ, má…” chưa thể trọn lời đã chực trào nước mắt, chắc hẳn đã để lại trong lòng người xem nhiều cảm xúc khó quên.