Cô sinh viên Báo chí lần đầu làm diễn viên phim văn hoá về áo dài

0:00 / 0:00
0:00
Cô sinh viên Báo chí lần đầu làm diễn viên phim văn hoá về áo dài
SVVN - Không chỉ gây ấn tượng với vẻ ngoài xinh đẹp và học lực tốt, Võ Lê Khánh Linh (khoa Báo chí & Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) còn “lấn sân” sang lĩnh vực phim ảnh với vai diễn đầu tiên trong phim tài liệu ngắn “Xứ Huế và áo dài”. Đây là tác phẩm tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, tổ chức tại Huế.  

Những trải nghiệm diễn viên đầu tiên

Cô bạn ngành Báo chí cho hay, cơ duyên được biết và tham gia ghi hình cho phim tài liệu này đến rất bất ngờ: “Thật ra, mình được mời đóng phim này. Trước đó có buổi casting công khai, bạn mình đậu và nhắn tin rủ mình. Khi biết được chủ đề phim là về áo dài, bản thân lại rất yêu thích cổ phục nên sau một hồi tìm hiểu thì mình đã nhận lời tham gia”.

Linh tâm sự, cô chưa từng làm diễn viên cho bất kỳ phim nào trước đây. Đối với Linh, đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức: “Mình rất lo lắng bởi vì trước đó mình chưa từng tham gia quay phim, mình e bản thân sẽ làm không tốt. Vì vậy, mình có lên mạng để xem trước và tìm hiểu những thước phim về áo dài ở Huế”.

Khánh Linh cho biết, cô đã dậy sớm để đi với đoàn quay phim từ 4h30 sáng. Kết thúc buổi vào lúc 5h chiều. Trước khi diễn, Linh được trang điểm và chuẩn bị trang phục, sau đó cùng đoàn di chuyển đến điểm quay. “Đó là một gia trang của người quen trong đoàn làm phim. Bà là người Sài Gòn nhưng bà rất thích Huế nên đã xây một ngôi nhà cổ ở Huế”, Khánh Linh nói.

Cô sinh viên Báo chí lần đầu làm diễn viên phim văn hoá về áo dài ảnh 1

Khánh Linh duyên dáng trong tà áo dài. (Ảnh: Khánh Nikon)

Sau đó, nhóm bắt đầu quay những cảnh đời thường sinh hoạt như cảnh đi chợ, nấu cơm và làm bánh, têm trầu, dâng hương lễ Phật... Set quay buổi sáng kéo dài đến 12h trưa. Khoảng chiều, nhóm phải dặm lại phấn và thay đổi phục trang. Nơi quay là Lăng Đồng Khánh, đoàn bắt đầu quay từ ngoài lăng, trong lăng và các phủ vua chúa.

Có vất vả nhưng rất đáng

Tuy chỉ vẻn vẹn làm việc một ngày, từ sáng đến chiều, nhưng Linh chia sẻ rằng đó là những kỷ niệm rất thú vị và đáng nhớ với cô. “Mình thấy buổi quay phim này rất vui. Không đơn giản là mình chỉ mặc áo dài, quay cảnh mặc áo dài mà còn là những cảnh sinh hoạt đời thường ngày xưa của những cô gái Huế. Mình nhớ nhất là cảnh mà mình được tự tay làm và gói bánh đúc. Mình còn học được cách têm trầu cánh phượng, pha trà và lọc trà”, Linh kể.

Cô sinh viên Báo chí lần đầu làm diễn viên phim văn hoá về áo dài ảnh 2

Khánh Linh và bạn diễn trong quá trình ghi hình (Ảnh: Thạnh LyLy).

Vì là lần đầu đóng phim, Linh cũng gặp không ít khó khăn. Cô sinh viên tâm sự: “Thể trạng mình không được tốt nên việc quay liên tục từ sáng sớm đến chiều muộn làm mình khá mệt. Vì vậy, những set quay càng về cuối thì càng khó hơn vì đứng dưới nắng và diễn lại nhiều lần. Cả đoàn còn phải lên đồi để quay nhiều cảnh nên khá vất vả. Các anh chị đã chỉ mình cách diễn, bắt góc máy nên dần dần mình cũng dạn hơn và biết cách diễn hơn”.

Cô sinh viên Báo chí lần đầu làm diễn viên phim văn hoá về áo dài ảnh 3

Vườn Tịnh cư Cát Tường Quân - một trong những nơi ghi hình của đoàn phim.

(Ảnh: Thạnh LyLy)

Đối với Linh, bộ phim ngắn này mang lại giá trị văn hoá, tinh thần rất lớn. Bộ phim giúp tái hiện vẻ đẹp trong nếp sống ngày xưa và trong trang phục để tiếp cận với nhiều người hơn, nhất là áo dài truyền thống Việt Nam.

Linh càng vui hơn khi gần đây các bạn trẻ có xu hướng tìm hiểu cổ phục Việt và những câu chuyện đằng sau chúng. Tà áo dài cũng đã có những cách điệu, thay đổi phù hợp thời đại. Linh tâm sự: "Nói rộng ra, khi các bạn khoác lên người chiếc áo dài đã cho thấy sự yêu mến và trân trọng vẻ đẹp văn hoá nước nhà".

Cô sinh viên Báo chí lần đầu làm diễn viên phim văn hoá về áo dài ảnh 4
"Lần tham gia phim, mỗi diễn viên phải thay 4 - 5 bộ, bao gồm cả áo bên trong, áo dài ngoài, khăn đóng và phụ kiện, dây đeo", Linh cho biết.

Linh cho rằng, tà áo dài Việt chính là trang phục lý tưởng nhất tôn lên mọi nét đẹp của người phụ nữ. “Mình để ý rằng, mỗi người mặc áo dài đều phô ra những vẻ đẹp rất riêng. Có người mặc lên rất dịu dàng, đằm thắm nhưng có người mang lại sự hiện đại, tân thời”, Linh bày tỏ.

Hiện tại, Linh không có định hướng theo nghề diễn. Tuy nhiên, nếu nhận được lời mời và không vướng lịch học, Linh vẫn sẵn sàng tham gia. Là người con xứ Huế, Khánh Linh luôn mong muốn được quảng bá cho tà áo dài nhiều hơn. “Mình xem việc trân trọng áo dài như trân trọng vẻ đẹp Huế vậy. Mình cũng mong rằng bộ phim này sẽ góp phần bảo tồn và duy trì cả hai vẻ đẹp ấy”, Linh chia sẻ.

Phim tài liệu Xứ Huế và áo dài có dung lượng 60 phút. Đây là sản phẩm sẽ tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, tổ chức tại Huế (18 - 20/11/2021). Phim nằm trong nội dung quảng bá đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”. Hiện tại, bộ phim chỉ mới có trailer và sẽ sớm được công chiếu rộng rãi.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tình yêu môi trường xóa tan những nỗi sợ, thúc đẩy bạn trở thành ‘chiến binh’

Tình yêu môi trường xóa tan những nỗi sợ, thúc đẩy bạn trở thành ‘chiến binh’

SVVN - Phạm Khắc Tùng hiện đang theo học hệ đào tạo từ xa ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bằng ước mong cống hiến cho môi trường, Khắc Tùng đã tham gia Hà Nội Xanh, nhóm tình nguyện độc lập được thành lập vào tháng 12 năm 2022, bởi anh Nguyễn Tiến Huy cùng các bạn trẻ khác với mục tiêu bảo vệ môi trường tại Hà Nội. Sau thời gian hoạt động và cống hiến với tất cả trách nhiệm và cái tâm chân thành, hiện tại, anh là Trưởng Ban Sự kiện tại Hà Nội Xanh.