Sống giữa thiên nhiên
Được đạo diễn bởi Matt Ross, nổi danh với loạt truyền hình ăn khách Silicon Valley (Thung lũng Silicon, 2014), Captain Fantastic kể về một gia đình kỳ quặc. Từ thời còn trẻ, Ben Cash (Viggo Mortensen) và vợ đã đưa năm đứa con của mình sống trong vùng rừng rậm hoang dã ở Washington. Cả gia đình phải săn bắn để có thức ăn, luyện tập kỹ năng sinh tồn. Vào mỗi đêm, thay vì nghe chuyện cổ tích, những đứa trẻ được nghe về chính trị, tâm lý học và tự do tư duy. Ngày lễ duy nhất của chúng là “Ngày Noam Chomsky”, đặt theo tên nhà ngôn ngữ học lừng danh người Mỹ, thay vì Giáng sinh.
Trong những cảnh đầu tiên, ta thấy sự vắng bóng của người mẹ Leslie (Trin Miller). Cô đang ở bệnh viện, dưới sự chăm sóc của ông bà ngoại, bởi các hội chứng rối loạn lưỡng cực. Một ngày nọ, Ben nhận được tin Leslie đã qua đời. Thay vì hỏa thiêu như di chúc để lại, ông bà ngoại thông báo sẽ chôn cất Leslie theo cách truyền thống. Sau khoảng thời gian đau khổ, Ben và các con quyết định tìm đến tận tang lễ để thực hiện ý nguyện của Leslie.
Ý tưởng của Captain Fanstatic được Matt Ross nghĩ ra vào lúc ông đón nhận tin sắp trở thành cha. Ông chia sẻ: “Tôi tự hỏi, sẽ thế nào khi bố mẹ hiện diện mọi lúc trong cuộc đời con cái. Bởi vì, xã hội hiện đại đang khiến điều này ngày càng khó khăn hơn”. Cốt truyện của phim cũng khiến nhiều người liên tưởng đến một thực trạng ở vùng nông thôn nước Mỹ. Một số cộng đồng cùng chung mục đích xã hội hoặc tôn giáo đã lựa chọn lối sống tách biệt, tự cung tự cấp, tránh xa các hệ thống kinh tế cũng như dịch vụ xã hội.
Hành trình vui nhộn
Captain Fantastic sẽ gợi ta nhớ đến rất nhiều bộ phim, thường là theo hướng “anti social” (phản kháng với xã hội hiện đại). Gần gũi về tinh thần nhất có lẽ là Dreams (Những giấc mơ, 1990) của đạo diễn huyền thoại Nhật Bản Akira Kurosawa. Đây là một tập hợp nhiều phim ngắn, thể hiện những ý tưởng hoang đường nhất trong sự nghiệp Kurosawa. Trong đó, tập Village of the Watermills (Ngôi làng bên cối xay nước) kể về một cộng đồng lạ lùng, nơi người dân sống hòa hợp với thiên nhiên, tránh xa công nghệ hiện đại, bình thản đón nhận sự sống và cái chết.
Nếu như Kurosawa chỉ dừng lại ở cuộc viếng thăm thì Matt Ross phát triển thêm ý tưởng này bằng các xây dựng các xung đột. Chuyến xe của Ben Cash và năm đứa trẻ không đưa họ vào xã hội văn minh, mà tông thẳng vào nó. Họ lần lượt gặp gỡ những con người “bình thường”, từ ông bà ngoại, vợ chồng em gái Cash, những người lạ trên phố... Từ những cuộc gặp đó, các khác biệt lần lượt lộ rõ. Những đứa con của Cash tỏ ra mạnh mẽ, thông minh và sâu sắc hơn đám nhóc tối ngày ngồi trước Xbox. Tuy nhiên, chúng lại thiếu hụt kỹ năng giao tiếp xã hội và quan trọng nhất, chúng thiếu các niềm vui giản dị chỉ có trong đời sống cộng đồng, chẳng hạn như “bị lừa dối” bởi một ông già cưỡi tuần lộc.
Captain Fantastic, ngược với chủ đề có vẻ nặng nề, lại là một phim hành trình vui nhộn và dễ xem. Một chuỗi tình huống nối tiếp tình huống được Ross xử lý gọn gàng và cuốn hút. Các xung đột về lối sống, văn hóa giữa một gia đình “rừng rậm” và thế giới bên ngoài sẽ khiến khán giả bật cười, chẳng hạn như khi cả nhà ăn trộm đồ trong siêu thị, hay chọn chỗ “đi tè”... Và điều quan trọng nhất của một kịch bản hành trình, được Ross đảm bảo, là cho thấy chân dung từng nhân vật. Nhân vật Cash và những đứa con của anh càng lúc càng rõ ràng hơn. Khán giả sẽ hiểu và yêu quý chúng bởi sự ngây thơ chung và cá tính riêng. Người xem sẽ thưởng thức hành trình này với sự hào hứng không kém chuyến xe bất trắc của gia đình nhà Hoover trong Little Miss Sunshine (Hoa hậu nhỏ ánh dương, 2006).
Bài học lớn
Captain Fantastic ghi điểm bởi màn trình diễn tuyệt vời của nam chính Viggo Mortesen, sau đó, đã được tôn vinh bằng một đề cử Oscar. Nhiều người sẽ không đồng tình, thậm chí ghét bỏ lối nuôi dạy con của Cash nhưng không thể ghét anh. Chúng ta cảm nhận được tình yêu lớn lao của Cash dành cho vợ và con vào mọi lúc. Mortesen, với lối diễn cận cảnh thuyết phục, chinh phục người xem ở những cảnh cảm xúc nhất. Rất khó quên trường đoạn ở bờ biển, khi Cash thì thầm bên thi hài Leslie, hay khi anh chia tay cậu con trai cả trên sân bay.
Cần phải có lời khen cho dàn diễn viên phụ trong phim. Đáng giá nhất là bộ đôi gạo cội Frank Angella và Ann Dowd trong vai ông bà ngoại của đám trẻ. Họ là đối trọng cho các tư tưởng phản xã hội, mang đến niềm tin vào lòng tốt và sự nhân ái, dù sống giữa lòng xã hội hiện đại. Dàn diễn viên nhí, dẫn đầu là George MacKay, lần lượt tỏa sáng trong phim nhờ nét đáng yêu trẻ thơ. Những đứa trẻ không vẩn đục, ngoan ngoãn theo cách riêng. Giống như những đứa trẻ tuyệt vời nhất, chúng luôn mang đến hy vọng khi ngắm nhìn.
Captain Fantastic từng gây tranh cãi khi ra mắt, ở cả giới bình luận và khán giả. Rất dễ hiểu lý do: Các vần đề Matt Ross đề cập. Đó là phương pháp nuôi dạy trẻ, các hiện tượng tiêu cực của xã hội hiện đại, chủ nghĩa tiêu thụ... Nhưng đó chỉ là lớp vỏ ngoài. Còn bản chất của bộ phim chính là một cảm xúc chung, một nỗi sợ hãi mà bất kỳ bậc cha mẹ tương lai nào cũng gặp phải: Liệu xã hội hiện tại có đủ tốt đẹp cho những đứa trẻ? Nên hướng dẫn con theo cách ta cho là đúng, hay để chúng tự do? Và quan trọng nhất, liệu ta có đủ sức bảo vệ con cái mình?
Matt Ross đã cố gắng trả lời những câu hỏi đó, theo cách riêng. Hành trình của Ben Cash trong Captain Fantastic, về cốt lõi, là một hành trình trưởng thành. Không phải dành cho những đứa trẻ, mà là các bậc phụ huynh. Các bài học trong phim, như không áp đặt lên con cái, chấp nhận rằng đến một lúc chúng sẽ phải tổn thương, hay mọi lối giáo dục luôn có ưu và nhược điểm... đều dành cho cha mẹ. Và bài học lớn nhất, được thể hiện qua câu thoại giản dị của Cash: Con đường làm cha mẹ không bao giờ hoàn hảo, sẽ luôn có sai lầm, thậm chí đầy rẫy sai lầm. Nhưng tất cả đều là những “sai lầm đẹp đẽ”.
Cảnh sống trong rừng ở đầu phim được tái hiện theo ký ức của đạo diễn Matt Ross. Tuổi thơ của ông là những ngày theo cha náu lại nơi thiên nhiên hoang dã. Tất nhiên, sự thật không khắc nghiệt như trong phim. Captain Fantastic là lần thứ hai Viggo Mortensen nhận đề cử Oscar cho “Nam chính xuất sắc nhất”. Lần đầu là vai diễn trong phim Eastern Promises (Lời hứa phương Đông, 2007). |