Nhóm ba sinh viên Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT, (trong hình từ trái sang) gồm Lạc Tú Châu, Lê Khắc Yến Nhi và Hà Tuấn Nghiệp đã sáng lập một cổng điện tử đưa nông sản Việt đến gần với người mua trong nước và quốc tế hơn. |
Ba sinh viên Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT tại Việt Nam, gồm Lạc Tú Châu, Hà Tuấn Nghiệp và Lê Khắc Yến Nhi đã khởi nghiệp một năm trước với mong muốn hỗ trợ ngành nông nghiệp nước nhà ghi dấu trên thị trường quốc tế qua việc chuyển đổi và tái cấu trúc thị trường trong nước.
Hiểu rất rõ nỗi khó khăn mà người mua lẫn nhà cung cấp phải đối mặt trong quá trình tìm kiếm nông sản đáp ứng các quy chuẩn trong nước và quốc tế, người sáng lập AgriBiz và sinh viên ngành Kinh doanh (Quản lý chuỗi cung ứng và logistics) Lạc Tú Châu quyết tâm xây dựng một cơ sở dữ liệu cho những nông sản mũi nhọn Việt Nam.
“Qua cổng điện tử của chúng tôi, người mua có thể truy cập dễ dàng và kiểm tra dữ liệu canh tác của sản phẩm – những thông tin cơ bản cho giai đoạn mua nguyên liệu thô trước khi họ tiến hành giao dịch”, Châu giải thích về cách thức của cổng điện tử.
“Cổng điện tử của chúng tôi mang lại lợi ích kinh tế cho cả doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế, những đơn vị đang tìm kiếm nguyên liệu thô, vì sẽ giúp họ giảm giá thành tìm kiếm nhà cung cấp mới”.
Châu tin rằng AgriBiz còn đem đến lợi ích cho nông dân Việt vì họ có thể tiếp cận với nhiều khách hàng trên phạm vi toàn cầu hơn.
“Để đạt được điều này, nông dân cần tuân thủ hướng dẫn canh tác nghiêm ngặt để đáp ứng yêu cầu của các thị trường tiềm năng, chẳng hạn như Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GAP đối với thị trường nước ngoài và VietGAP với thị trường trong nước”, Châu nói. “Điều này dần dà sẽ giúp thay đổi mặt bằng tiêu chuẩn tổng thể của nông sản Việt”.
“Tôi mơ đến ngày gạo không còn là nông sản xuất khẩu nhiều nhất của đất nước, mà còn các loại trái cây khác nữa”.
Hiện tại, AgriBiz tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về xoài từ miền Tây Nam Bộ vì “sản phẩm này đã đạt chuẩn GAP toàn cầu và có cơ sở nhập liệu”.
Châu hy vọng sẽ mở rộng dòng sản phẩm và trong tương lai sẽ đưa blockchain vào để tăng thêm sức mạnh cho cổng điện tử.
“Chúng tôi đi vào hoạt động trước để thăm dò phản ứng người dùng trước khi gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng, những người có chung chí hướng với chúng tôi”.
AgriBiz là một trong năm đội đạt kết quả gọi vốn cao nhất cuộc thi NINJA Accelerator gần đây tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là dự án hỗ trợ khởi nghiệp theo chương trình tài trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA.
Chương trình tăng tốc khởi nghiệp nhằm tạo tác động xã hội ở Việt Nam bằng cách tập trung vào các Mục tiêu phát triển bền vững Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ kéo dài 11 tuần sau đó đã biến thành gần một năm nỗ lực và đem đến cơ hội tốt nhất để phát triển bản thân cho từng thành viên trong nhóm.
Đồng sáng lập AgriBiz và sinh viên ngành Kinh doanh (Kinh doanh quốc tế) Lê Khắc Yến Nhi chia sẻ rằng “dẫu hành trình đầy trắc trở nhưng thật sự rất xứng đáng vì chúng tôi học hỏi được những bài học giá trị từ chính chặng đường mà chúng tôi đã đủ dũng cảm để dấn thân vào”.
“Bên cạnh kiến thức chuyên môn và kiến thức sát với thực tế tích luỹ được từ chương trình tập huấn, tôi còn có được những kỹ năng quý giá như quản lý thời gian, làm việc dưới áp lực, hay cách truyền thông hiệu quả và thuyết phục khi thuyết trình trước nhà đầu tư”, Nhi cho hay.
Là sinh viên ngành Kinh doanh (Quản lý chuỗi cung ứng và logistics) có kỹ năng nghiên cứu vững vàng, Nghiệp thích thử thách bản thân và nhận thấy việc tham gia AgriBiz là một cơ hội tuyệt vời “để học hỏi các xây dựng mô hình kinh doanh, cách nói chuyện với nhà đầu tư, cách đặt câu hỏi với họ và làm thế nào để gọi vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp”.
Hiện cả nhóm dự kiến sẽ tiếp cận với các hợp tác xã để thu thập dự liệu hằng ngày từ các hoạt động canh tác để làm giàu thêm cho bộ dữ liệu, đồng thời dần dần mở rộng danh mục sản phẩm.