Trong tổng số hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2021, có tới hơn 222.500 thí sinh dự thi với mục đích chỉ xét tốt nghiệp (chiếm 21,79%).
Đại học không còn là cánh cửa duy nhất
Lý giải cho việc gia tăng tỷ lệ thí sinh lựa chọn thi tốt nghiệp THPT chỉ với mục đích xét tốt nghiệp, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD - ĐT) - Trưởng ban hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: "Có rất nhiều lý do để dẫn tới hiện tượng này. Song, điều quan trọng nhất có lẽ đến từ phía học sinh. Nhiều em học sinh lớp 12 xác định được mục đích, năng lực thực sự của bản thân mình nên đã chọn hướng đi khác thay vì học đại học, cao đẳng".
Sinh viên học nghề sửa chữa oto tại trường ĐH Sao Đỏ Hải Dương. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU |
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Tùng Lâm khẳng định: "Tất nhiên chúng ta khuyến khích học lên, nhưng quá trình học lên đó có nhiều con đường chứ không phải cứ học xong trung học là vào đại học, cao đẳng".
Trực tiếp giảng dạy học sinh khối 12, cô Nguyễn Thị Hương Giang chia sẻ, những năm gần đây, không chỉ các em học sinh, mà tâm lý của nhiều phụ huynh cũng có sự chuyển biến tích cực. Nhận thấy xung quanh có nhiều cử nhân ra trường với tấm bằng khá, giỏi song vẫn không xin được công việc như ý, một số bậc phụ huynh đã định hướng cho con em của mình lối đi riêng như học nghề hay du học, thay vì "cố thủ" suy nghĩ: đại học là con đường duy nhất để dẫn tới thành công.
Học phí đại học tăng cao tác động nhiều đến thí sinh
Theo ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho biết: “Những em đã tốt nghiệp THPT thì nên xác định và nghĩ đến tương lai lâu dài của mình, rất cần học lấy một ngành nghề nào đó trong lĩnh vực giáo dục nghệ nghiệp, ít nhất là khóa đào tạo sơ cấp từ 6 tháng đến 1 năm để có được kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên nghiệp đồng thời có Chứng chỉ nghề nghiệp để được hưởng các chế độ trong hợp đồng lao động đầy đủ theo luật lao động; hoặc có thể học trình độ trung cấp từ 1 đến 2 năm, hoặc học Cao đẳng từ 2 đến 3 năm”, ông Đồng Văn Ngọc chia sẻ.
Khi các em học ở trình độ nghề nghiệp càng cao thì cơ hội việc làm và thu nhập cũng tăng theo, cơ hội phát triển bản thân, phát triển lên trình độ cao hơn luôn rộng mở. Hiện nay Việt Nam đang có rất nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao thuộc rất nhiều loại hình và mô hình doanh nghiệp, nhưng có thể thấy đối với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thì phần đa số là doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ, gia công, lắp ráp, doanh nghiệp FDI,... Doanh nghiệp trong nước cũng về cơ bản cũng là doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, với tính chất doanh nghiệp như vậy thì vị trí việc làm trong các doanh nghiệp thì phần lớn là phải sử dụng nhân lực có trình độ, năng lực làm việc trực tiếp, đó chính là người được đào tạo từ khối giáo dục nghề nghiệp từ trình độ cao đẳng chở xuống. Vì vậy thí sinh có thể đã xác định mục tiêu học tập của mình để sớm tham gia thị trường lao động. Hiệu trưởng trường CĐ Cơ điện Hà Nội nhấn mạnh.