Đào tạo để góp phần khẳng định vị trí người thầy

0:00 / 0:00
0:00
Đào tạo để góp phần khẳng định vị trí người thầy
SVVN - Người trẻ ngày nay cần phải được học cách tiếp nhận, chọn lọc, đánh giá và sử dụng thông tin một cách thông minh và khôn ngoan, nhờ đó có thể sống một cuộc đời thực sự trong một thế giới đang bị ảo hoá ngày càng nhiều. Người trẻ ngày nay cần những người thầy thế hệ mới.

Trong kỳ họp Quốc hội gần đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu nhận xét: “Chúng ta luôn nói giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng kết quả của ngành giáo dục lại là điểm kém sáng nhất trong bức tranh của nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021”.

Tiếp đó, ngày 14/4/2021, GS Trần Đức Viên chia sẻ: “Tôi cũng đồng ý, nhà giáo phải có ý thức tự tôn. Chẳng ở đâu người thầy đáng thương như ở ta, gặp học trò cũ giờ thành quan to thì thầy khúm na khúm núm. Đã đành xã hội mình có thế nào thì mới “đẻ ra” những người thầy đó, nhưng các thầy cũng cần phải tự trang bị cho mình bản lĩnh, văn hóa để có thể ngẩng cao đầu”.

Còn nhớ, trong vụ án nâng điểm thi tốt nghiệp THPT năm học 2020 - 2021, cựu trưởng Phòng Khảo thí, Sở GD - ĐT tỉnh Hòa Bình, phát biểu: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. Vị thế người thầy thật sự bị lung lay. Làm nhà giáo đích thực ngày càng khó.

Sự phát triển của công nghệ thông tin làm nhà giáo mất thế “độc tôn” trong việc cung cấp tri thức. Nhiều học trò thậm chí giỏi hơn thầy về những nội dung thuộc môn thầy đang dạy. Không chỉ việc nêu ra và giải thích tri thức, ngay cả việc hướng dẫn kỹ năng, ứng dụng tri thức cũng được cung cấp đầy đủ và đa dạng trên Internet. Sự tiến bộ mạnh mẽ của ngành trí tuệ nhân tạo (AI) khiến nhiều ngành nghề truyền thống biến mất và con người đang lo lắng cho số phận của chính mình.

Đào tạo để góp phần khẳng định vị trí người thầy ảnh 1
TS. Đỗ Mạnh Cường, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

Sự thay đổi thang giá trị sống của người trẻ cũng là một vấn đề. Hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội tác động rất lớn đến học sinh, sinh viên. Nhiều bạn trẻ coi giá trị bản thân phụ thuộc vào số lượng like, view trong thế giới ảo. Chạy đua theo “trend” tạo ra bởi “thần tượng” với các giá trị bề ngoài (quần áo, điện thoại, kiểu tóc…) là một xu hướng phổ biến rất đáng lo ngại.

Với mạng xã hội, do không bị kiểm duyệt thích đáng, lại được khuyến khích bởi số đông vô danh, không phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình, nên người trẻ không học được cách kiểm soát cảm xúc và hành động của bản thân. Khi gặp phản ứng từ những người xung quanh, nhiều bạn trẻ không biết học cách giải quyết mâu thuẫn hay sự khác biệt, thay vào đó lại trốn tránh và bộc lộ thái độ tiêu cực ở các chat-room.

Bị ngộp trong thế giới thông tin với đủ khuynh hướng lôi kéo, tốt cũng như xấu; Chịu tác động của rất nhiều đối tượng tuy giống người nhưng không thực sự là người, khiến cho người trẻ ngày nay tưởng như nhiều bạn bè nhưng lại rất dễ rơi vào cô đơn, khủng hoảng, mất phương hướng và cuối cùng có thể mất chính cuộc đời.

Người trẻ ngày nay cần phải được học cách tiếp nhận, chọn lọc, đánh giá và sử dụng thông tin một cách thông minh và khôn ngoan, nhờ đó có thể sống một cuộc đời thực sự trong một thế giới đang bị ảo hoá ngày càng nhiều. Người trẻ ngày nay cần những người Thầy thế hệ mới.

Trong thời đại công nghệ thông tin, bức tường ngăn cách giữa nhà trường với xã hội chỉ mang tính ước lệ. Hoạt động xã hội can thiệp từng ngày từng giờ vào hoạt động trong nhà trường, ngay khi bài học đang diễn ra. Đang khi giảng bài, một thầy giáo vẫn có thể bị những gì đang xảy ra ngoài xã hội lấy mất quyền kiểm soát đối với nhiều học sinh trong lớp. Câu nói nổi tiếng của John Dewey “Giáo là cuộc sống chứ không phải chuẩn bị (cho) cuộc sống” nhắc chúng ta rằng, nhà trường bây giờ chính là và phải là nơi cuộc sống đang diễn ra.

Tạo ra người thầy thế hệ mới là nhiệm vụ của cả xã hội, nhưng trước nhất và trực tiếp nhất là các trường sư phạm. Không thể nào tạo ra những người thầy chỉ trong không gian lớp học ở trường đại học. Những người thầy thế hệ mới cần và phải được đào tạo ngay trong thực tiễn của các trường mầm non hay phổ thông, tức là môi trường sống và làm việc của họ sau này.

Các sinh viên sư phạm phải trở thành những nhà giáo dục thực thụ ngay từ những ngày đầu tiên bước chân vào đại học và hoàn thiện phẩm chất người thầy trong suốt tiến trình học. Đây là điều gần như chưa có trong các trường đại học sư phạm ở Việt Nam. Thực tiễn này là động lực thúc đẩy Viện Khoa học Giáo dục và Đào tạo giáo viên của trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng xây dựng và phát triển mô hình “Trưởng thành toàn diện” để góp phần tạo nên những người thầy thế hệ mới cho giáo dục Việt Nam.

*Tác giả là Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự Lễ khai giảng năm học mới

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự Lễ khai giảng năm học mới

SVVN - Sáng ngày 5/9, thầy và trò trên cả nước háo hức dự Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025, toàn ngành giáo dục gửi gắm nhiều kỳ vọng cho năm học bản lề này. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đến dự và đánh trống tại Lễ khai giảng năm học mới tại trường THCS Giảng Võ (Q. Ba Đình, TP. Hà Nội).
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương viết thư gửi sinh viên trước lễ trao bằng tốt nghiệp nhận về 'bão like'

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương viết thư gửi sinh viên trước lễ trao bằng tốt nghiệp nhận về 'bão like'

SVVN - Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong xin giới thiệu thư gửi các tân cử nhân K59 của PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương trước ngày trao bằng tốt nghiệp. Chỉ sau khoảng 3 giờ được đăng tải trên trang cá nhân, bài viết đã nhận được hàng nghìn lượt yêu thích và hàng trăm lượt chia sẻ.
Giáo sư Võ Tòng Xuân qua đời

Giáo sư Võ Tòng Xuân qua đời

SVVN - Giáo sư Võ Tòng Xuân mất vào sáng ngày 19/8 tại một bệnh viện ở TPHCM. Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân là Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ.