Di sản của người hùng

Di sản của người hùng
SVVN - Stan Lee, cha đẻ của các siêu anh hùng Marvel nổi tiếng như Spider-Man, Captain America, Hulk... không phải người tạo ra ngành truyện tranh Mỹ (comic) nhưng là người đã thay đổi nó mãi mãi.

Bước ngoặt cuộc đời

Ngày 12/11 vừa qua, cha đẻ của các siêu anh hùng Marvel nổi tiếng như Spider-Man, Captain America, Hulk... đã qua đời tại bệnh viện. Ở tuổi 95, Stan Lee đã có một sự nghiệp lẫy lừng, ở cả công nghiệp truyện tranh lẫn làng giải trí. Ngoài công việc họa sĩ và biên kịch, khán giả đại chúng biết đến Stan qua các vai “cameo” (khách mời) trong các “bom tấn” siêu anh hùng. Những cảnh phim ngắn đã trở thành “đặc sản” được người xem chờ đợi mỗi khi ra rạp.

Di sản của người hùng

Sinh năm 1922 ở thành phố New York, Stan Lee xuất thân trong một gia đình Do Thái nhập cư. Ngày bé, Stan mê mẩn những bộ phim có nam diễn viên Errol Flynn vào vai người hùng. Yêu văn chương, cậu bé mơ tưởng một ngày sẽ trở thành văn hào Mỹ. Tuy vậy, cuộc sống khốn khó sau thời Đại khủng hoảng đã đẩy Stan vào các công việc tay chân, như: Đi giao bánh, công nhân nhà máy, hướng dẫn chỗ ngồi trong rạp hát... Trong thời gian đó, cậu rèn luyện ngòi bút bằng các bài báo địa phương.

Bước ngoặt cuộc đời Stan Lee đến vào năm 1939. Với sự giúp đỡ của ông chú, Stan làm chân chạy vặt tại tạp chí truyện tranh Timely Comics – tiền thân của Marvel Comics. Công việc chính của cậu là... châm đầy mực trong các bình đựng. Đó là thời điểm mà công nghiệp “comic” đã thành hình, với các nhân vật được yêu mến như Superman và Batman của DC.  Dù vậy, người ta vẫn xem “comic” là dành cho trẻ con và khá coi thường những họa sĩ “comic”. Stan Lee nhớ lại: “Những người lớn làm công việc ngớ ngẩn. Họ gọi chúng tôi như thế!”.

Chính vì thế, khi bắt đầu được giao viết kịch bản cho các tập “comic” đầu tiên vào năm 1941, Stan Lee dùng một tên giả. Anh không muốn mọi người nhận ra mình đang làm “trò trẻ con”, tránh bất lợi về sau khi viết tiểu thuyết. Stan chưa bao giờ xem công việc viết truyện tranh là sự nghiệp đời mình. Sau này, Stan thừa nhận, việc đổi bút danh là một trong những điều hối tiếc nhất trong đời.

Khoảng tối của người hùng

Di sản của người hùng

20 năm tiếp theo là khoảng thời gian Stan Lee rèn luyện kỹ năng trong thể loại siêu anh hùng. Đầu thập kỷ 1960, Timely Comics xảy ra hai sự kiện lớn. Đầu tiên là tạp chí quyết định đổi tên thành Marvel Comics – cái tên sẽ ghi đậm dấu ấn với thế giới nhiều năm sau. Thứ hai là Stan Lee, nay đã là họa sĩ chủ chốt, bắt đầu hợp tác với họa sĩ tài năng Jack Kirby. Một mối quan hệ đã giúp Marvel Comics bay cao nhưng cũng để lại nhiều kiện tụng, đổ vỡ và thâm thù cho đến tận cuối đời của cả hai.

Trong những năm tháng hoàng kim, Stan Lee và Jack Kirby đã tiến hành một cuộc cách mạng trong thế giới “comic”. Trong các tác phẩm đứng chung tên, thường thì Stan lên ý tưởng và nội dung, còn Kirby minh họa. Năm 1961, họ cho ra đời bộ tứ Fantastic Four, kể về những con người phải chịu đựng gánh nặng của siêu năng lực. “Lần đầu tiên, tôi muốn tạo ra những nhân vật mà mình sẽ thích đọc. Những người hoàn toàn là máu và thịt, mắc phải những lỗi lầm”. Stan kể lại.

Stan Lee vô cùng hứng khởi với hướng đi mới mẻ này. Năm 1962, ông tạo ra nhân vật vĩ đại nhất của mình: Spider-Man. Ý tưởng lập tức bị nhiều người chê bai. Ngoài việc đa số mọi người đều ghét nhện, cốt truyện về anh chàng Peter Parker luôn gặp thất bại trong cuộc sống bị cho là “vớ vẩn”. Một chủ biên còn nói với Lee rằng, “ông chẳng biết gì về siêu anh hùng cả”. Với sự ương bướng thừa hưởng từ mẹ, như Lee từng nhận, ông quyết chí cho Spider-Man thành hình. Spider-Man được đón nhận nồng nhiệt, cả trẻ con lẫn người lớn. Stan Lee hiểu mình đã đi đúng hướng.

Trong một thời kỳ mà tất thảy các siêu anh hùng đều mạnh mẽ, tốt bụng, hoàn hảo, các nhân vật của Marvel Comics lại vô cùng bất toàn. Họ mang tính người nhiều hơn là siêu nhân, với đầy rẫy các khoảng tối. Các nhân vật tiếp theo của Stan Lee đều được thành hình từ những hình mẫu thật, bản thân hoặc người thân, đồng nghiệp. Lee cũng đưa vào các vấn đề cá nhân hoặc xã hội nhức nhối. Một Bruce Banner chán ghét gã khổng lồ Hulk trong cơ thể, ẩn dụ cho việc kiểm soát cơn nóng giận. Nhóm X-Men đại diện cho nỗi sợ hãi dậy thì và phân biệt chủng tộc. Iron Man là sự tự cao tự đại và chứng nghiện rượu... Tất cả chạm đến độc giả một cách mạnh mẽ.

Tiến lên phía trước

Di sản của người hùng

Có thể nói, nhờ Stan Lee, “comic” đã vượt khỏi ranh giới truyện tranh trẻ con, trở thành một hình thức giải trí trưởng thành và nghiêm túc hơn. Ông cũng là người tạo ra một “vũ trụ chung” đầy tự do, nơi các siêu anh hùng thoải mái gặp gỡ, va chạm với nhau. Các tập truyện “crossover” (giao thoa) giữa các nhân vật được độc giả đặc biệt yêu thích. Đó là khởi nguồn cho vũ trụ Marvel “tỷ đô” của Kevin Feige, hiện đang khiến hàng triệu người mê đắm.

Dù vậy, bản thân Stan Lee cũng có những khoảng tối. Khi ở đỉnh cao sự nghiệp, Stan thường xuyên lấn át các cộng sự. Đến thập kỷ 1970, Jack Kirby rời khỏi Marvel, đầu quân cho đối thủ DC, sau các mâu thuẫn về bản quyền. Nhiều họa sĩ khác cũng rời bỏ sau một thời gian làm “cái bóng” của Stan Lee. “Bố già” của Marvel cũng bị cho là mắc hội chứng ám ảnh với bản thân. Nhà nghiên cứu “comic” Mark Evanier, từng tiếp xúc cả Stan Lee lẫn Jack Kirby nhận xét: “Khi ông ấy cởi bỏ lớp áo Stan Lee ra, bạn sẽ thấy một người tốt nhưng vô cùng ám ảnh với chính mình. Ông ấy luôn cảm thấy không an toàn”.

Các chi tiết về cuộc đời Stan Lee có thể làm nên một phim tiểu sử hay. Nhưng hơn thế, những di sản lớn lao ông để lại mới là điều đáng nể trọng nhất. Ngày nay, các siêu anh hùng Stan tạo ra đã trở thành một phần quan trọng của văn hóa đại chúng. Với giới trẻ, Stan trở thành một biểu tượng, không chỉ ở mặt giải trí, mà còn ở lối sống: Stan Lee là một người làm việc chăm chỉ. Ở tuổi 95, Stan vẫn tham gia vào các bộ phim, đi thuyết giảng, ra DVD... Stan Lee trả lời trong một cuộc phỏng vấn.: “Người ta hỏi tôi vì sao không nghỉ hưu đi, để làm những gì tôi thích. Nhưng tôi vẫn luôn làm những gì mình thích”.

Những ngày này, hàng triệu người đang lan truyền thông điệp Excelsior, câu cửa miệng của Stan Lee. “Đó là một từ cổ, mang nghĩa “Luôn tiến lên phía trước”,” Stan Lee từng giải thích. Ông đã dùng từ này để kết thúc các tập truyện của mình. Đó cũng có thể là từ hay nhất để tạm biệt “bố già” của các siêu anh hùng. Ông không còn nữa nhưng các di sản của ông sẽ tiếp tục sống mãi.

 Avengers 4 ra mắt năm 2019 nhiều khả năng sẽ là lần cuối cùng khán giả được thấy Stan Lee trên màn ảnh rộng. Bắt đầu từ năm 2000, với X-Men, ông đã đóng vai khách mời trong 35 phim điện ảnh. Ngoài ra, trong thế giới “comic”, Stan Lee cũng 8 lần trở thành nhân vật truyện tranh.

Theo Báo Sinh Viên Việt Nam số 46
MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Á hậu Phương Anh: ‘Chỉ cần mình cố gắng thì cuộc đời sẽ trả lại cho mình kết quả bằng cách khác’

Á hậu Phương Anh: ‘Chỉ cần mình cố gắng thì cuộc đời sẽ trả lại cho mình kết quả bằng cách khác’

SVVN - Cùng có mặt tại trường ĐH Văn hóa TP. HCM tham dự chương trình tuyển sinh 'Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024', Lê Nguyễn Bảo Ngọc, Phạm Ngọc Phương Anh và người đẹp Nguyễn Vĩnh Hà Phương đã có cuộc trao đổi cùng các sinh viên trong talk show, với chủ đề 'Giữa dòng dư luận'.