Bùi Thị Minh Như (sinh năm 2003), sinh viên năm thứ ba, theo học song ngành Tài chính và Phân tích Kinh doanh tại ĐH Texas Christian (Texas Christian University, Mỹ) chia sẻ: "Những ngày đầu sang Mỹ du học, tuy có chút buồn vì xa gia đình nhưng thích nghi môi trường mới, bạn bè mới giúp mình luôn cảm thấy cuộc sống thú vị".
“Thế nhưng, khoảng thời gian này, nhiệt độ ở bạng Texas dao động tầm 7 - 15 độ C. Giữa tiết trời se se lạnh, có lúc, mình đi học về phòng và nhìn thấy hình ảnh người nhà ở Việt Nam tất bật chuẩn bị đón Tết thì cũng thấy cô đơn, nhớ nhà”, Như bộc bạch.
Minh Như đang theo học song ngành Tài chính và Phân tích Kinh doanh tại ĐH Texas Christian (Texas Christian University, Mỹ) |
Ở nước ngoài, không đón Tết Âm lịch, mọi hoạt động học tập của học sinh, sinh viên vẫn diễn ra bình thường. Những lúc như vậy, Minh Như và nhóm du học sinh Việt chuẩn bị mọi thứ để đón Tết cùng nhau, cũng vui, nhưng không khí không thể được như ở Việt Nam.
Minh Như (bên phải) mặc áo dài truyền thống Việt Nam. |
“Những ngày cận Tết Nguyên đán, tụi mình sẽ đi chợ Việt Nam ở Mỹ để mua một số thực phẩm, bánh trái, đồ trang trí để tự tạo không khí Tết giống như khi còn ở quê nhà. Mình và các bạn sẽ tụ họp ăn tối cùng nhau, tiếp đến sẽ dành thời gian đi chùa cầu mong những điều tốt đẹp và bình an trong năm mới 2024. Năm mới, Như cầu chúc cho mọi người có thật nhiều sức khoẻ, bình an và nhiều thành công”, Như nói.
Trần Nguyên Hà đã tranh thủ sắm Tết, chụp ảnh kỷ niệm không khí Tết ở chợ Việt. |
Sang Mỹ du học từ năm 17 tuổi, Trần Nguyên Hà (sinh năm 2001, trường ĐH Johns Hopkins, Mỹ) có những trải nghiệm sâu sắc sau 6 năm sinh sống và cũng đang đón Tết xa quê nhà Việt Nam. Với Hà, những ngày đầu du học, cảm xúc như một người đi lạc, khi lần đầu tiên khi đặt chân đến Mỹ. Tiếng Anh là điều kiện cần để Hà kết nối với cuộc sống và môi trường học tập mới. Vì vậy, anh bắt đầu đọc sách nhiều hơn để trau dồi ngôn ngữ. Bên cạnh đó, Hà năng nổ tham gia trải nghiệm các hoạt động ngoại khóa cùng bạn bè để trở nên tự tin hơn. Sau vài tháng, Hà dần bắt nhịp và tìm kiếm cho mình cơ hội tham gia các cuộc thi học thuật.
Nguyên Hà (hàng đầu, thứ hai, từ trái sang) cùng các bạn du học sinh đón Tết truyền thống nơi đất khách. |
Năm nay, những ngày cận Tết, Hà vẫn đang bận rộn với những buổi học trên giảng đường, những kỳ kiểm tra giữa kỳ. Tuy nhiên, anh vẫn thường xuyên theo dõi các kênh truyền thông ở Việt Nam để cảm nhận không khí Tết. Nguyên Hà chia sẻ: “Như mọi năm, Hội Sinh viên Việt Nam tại trường ĐH Johns Hopkins sẽ tổ chức những buổi chụp hình áo dài Tết, cùng nhau đi chợ, nấu các món ăn truyền thống. Bọn mình sẽ cùng hát karaoke, tham gia các trò chơi giải trí, vui vẻ tán gẫu…”.
Khi được hỏi, bên cạnh việc gọi điện thăm hỏi bố mẹ ở Việt Nam thì người thầy mà Hà mong muốn tri ân trong dịp Tết là ai, chàng trai 2K1 tâm sự: “Mình sẽ gửi lời chúc tốt đẹp đến cô giáo dạy Ngữ văn những năm THCS. Đó là cô Hạnh Thu. Một trong những điều tuyệt vời là cô luôn động viên và tin tưởng lựa chọn học tập của mình. Sự công nhận từ cô giúp mình có thêm động lực để cố gắng hiện thực hóa ước mơ du học. Hiện tại, việc học của mình cũng khá thuận lợi. Mùa Đông vừa rồi, mình cùng 20 bạn sinh viên khác có cơ hội đến tham quan, học hỏi ở các công ty công nghệ hàng đầu như Google, Meta, hay gặp gỡ những cựu học sinh đang khởi nghiệp dự án triệu đô. Với mình, những ngày Tết, gia đình là điểm tựa vô cùng quan trọng và tròn vẹn. Những lúc nhớ nhà, mình sẽ nhấc máy ngay “Alo, ba mẹ ơi, con Hà đây!” và rôm rả những câu chuyện kể với gia đình!”.
Lưu Ngọc Yến, đang làm việc tại Đài Loan. Cô gửi mọi người ở Việt Nam lời chúc mừng Năm mới từ phương xa, chúc Năm mới vui vẻ, vạn sự như ý, an lành, hạnh phúc! |
Tết vẫn luôn là dịp gia đình quây quần, đoàn viên. Với du học sinh, dịp Tết còn khơi gợi nhiều hơn về nỗi nhớ quê hương, đất nước. Nếu khi còn ở Việt Nam, Tết là thời điểm được trông chờ nhất năm thì khi đi xa, họ càng cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của ngày lễ này hơn. Lưu Ngọc Yến (sinh năm 1995), tốt nghiệp Thạc sĩ trường ĐH Sư phạm Quốc gia Đài Loan (National Taiwan Normal University). Hiện tại, cô đang làm việc tại công ty quản lý nguồn nhân lực tại Đài Loan.
Tết Nguyên đán 2024, do bận lịch công tác nên Yến sẽ ở lại đón Tết ở xứ xa. Sau Tết, Yến mới có thể sắp xếp thời gian trở về Việt Nam sum họp với gia đình: “Mình vẫn buồn khi đón Tết không có ba mẹ, nhưng mình nghĩ, đón Tết ở xứ người sẽ có thêm những trải nghiệm mới. Mình sẽ cùng các bạn du học sinh Việt gói bánh chưng, cùng quây quần hưởng thức các món ăn truyền thống, thật hạnh phúc biết bao!".
Cũng theo Yến, Tết ngày nay khác Tết xưa khá nhiều. Cả nhà không còn cùng nhau gói bánh chưng bên bếp lửa, xem tivi đón Giao thừa nữa. Cuộc sống hiện đại, gia đình Yến sẽ dành khoảng thời gian Tết để đi du lịch. “Nhưng với mình, cho dù thay đổi thế nào thì ngày Tết, cả nhà vẫn sẽ quây quần bên nhau và đó là điều ấm áp nhất. Có đi xa mới thấy khát khao được trở về nhà lớn tới mức nào. Ngày trước, Tết cũng là một ngày lễ ý nghĩa với mình, nhưng phải đến khi đi du học, mình mới thật sự thấy nhớ”, Yến tâm sự.
Ân Nguyễn (sinh năm 1994), du học sinh Langara College (Canada) cũng đang trong tâm thế đón Tết xa nhà. Ân cho biết, Tết này đã là cái Tết thứ năm, anh xa nhà. Năm nay, vé máy bay đắt và ngày Tết, Ân vẫn phải đi học, đi làm thêm đều đặn nên quyết định không về. Thế nhưng trong lòng, Ân vẫn hướng về cái Tết Việt.
Ân Nguyễn (thứ hai, từ phải sang) đón Tết cùng những người bạn ở Canada. |
“Dù xa xứ nhưng không khí Tết vẫn rộn ràng trong lòng nhờ ngày nào bố mẹ mình cũng gọi điện, khoe đồ sắm Tết, khoe nhà dọn sạch. Tết đoàn viên cùng gia đình là niềm khao khát của những đứa con xa quê, của các bạn du học sinh ở Canada. Những ngày đầu Năm mới, mình sẽ đi chùa, cầu bình an cho gia đình và tự thưởng cho bản thân một chiếc bánh chưng xanh để cảm nhận hương vị Tết ở quê nhà”, Ân cho biết.
Tết Nguyên đán 2024, Nguyễn Thị Minh Ngọc đón cái Tết đầu tiên xa gia đình. |
Du học vẫn luôn là ước mơ của nhiều người. Ngoài môi trường giáo dục phát triển, việc học tập tại nước ngoài còn là cơ hội để trải nghiệm nền văn hoá mới lạ, hấp dẫn. Nguyễn Thị Minh Ngọc, chuyên ngành Marketing, trường ĐH Gachon (Hàn Quốc) đón cái Tết đầu tiên xa gia đình. Ngọc cho biết, cô muốn trải nghiệm không khí, văn hóa Tết của người dân bản địa.
“Tuy mình lựa chọn ở lại nước bạn nhưng những ngày cận Tết, mình cũng có chút hơi buồn vì nhớ bố mẹ, không khí nhộn nhịp những ngày Tết ở Việt Nam. Năm nay, mình sẽ cùng các bạn sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc quây quần tổ chức tiệc tất niên, bày biện và thưởng thức các món ăn truyền thống. Đêm Giao thừa, mình vẫn sẽ thức chờ xem chương trình Táo quân và gọi điện chúc mừng năm mới gia đình qua video call. Toàn những bạn xa quê sum họp cùng nhau nhưng ít nhiều vẫn cảm thấy ấm áp hương vị Tết", Ngọc chia sẻ.
Dù đón Tết xa xứ, mỗi bạn có những tâm sự riêng, thế nhưng, các bạn ít nhiều vẫn chuẩn bị thật chỉn chu, tươm tất giữ các tập tục truyền thống để đón Tết Việt. “Với mình, Tết vẫn là dịp đoàn viên bên gia đình, người thân. Tết đẹp là khi dù ở xa, vẫn kết nối với bố mẹ. Mỗi chặng đường nơi xứ người là một bài học quý báu cho người trẻ, trong đó có bài học về tình thân, gia đình. Có đi thật xa mới biết nhớ nhà, thêm trân trọng nơi trở về. Tết Giáp Thìn năm 2024, mình cầu chúc mọi người sẽ luôn khỏe mạnh, bình an và mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong Năm mới”, Ngọc bày tỏ.