Đồ án của Nam có tên “Mysterium Liber”, bắt nguồn từ một cụm từ Latin cổ có nghĩa là cuốn sách bí ẩn (Mysterious Book). Câu chuyện kể về hành trình giải cứu người em trai của anh chàng Logan Black. Ở đấy, không chỉ thế giới phù thủy đầy ma mị được thể hiện cuốn hút mà trên hết là thông điệp về tình cảm gia đình và lòng tốt được tác giả gửi gắm nhẹ nhàng qua từng trang truyện.
“Mình đam mê bộ truyện tranh Harry Potter từ khi mới ra đời và đọc không sót tập nào. Đó là thế giới huyền ảo, ma mị và đầy phép thuật luôn kích thích trí tưởng tượng của người đọc. Thế giới của những phù thủy đó cũng lồng ghép nhiều bài học nhân văn của con người trong đời sống thực. Mà mỗi người lại có sự tưởng tượng khác nhau. Đó là cảm hứng để mình mô tả một thế giới phép thuật khác trong vũ trụ của Harry Potter. Mình cũng thích bộ Fantastic Beasts and Where to Find Them và kết hợp thực hiện trong đồ án này”.
Nhưng không chỉ “ma mị” từ cái tên mà còn gây ấn tượng mạnh với các giảng viên khi ứng dụng công AR vào thực hiện đồ án. Nếu như công nghệ “thực tế ảo (Virtual Reality) cho phép người dùng được bước chân vào một thế giới khác cũng như trải nghiệm trong thế giới ấy một cách thật nhất thì Công nghệ AR (Augmented Reality), tức “thực tế ảo tăng cường” cho phép người dùng trải nghiệm những yếu tố ảo ngay trong môi trường thật, giữa không gian thật chỉ với một chiếc máy tính bảng hoặc smartphone.
Ý tưởng của Nam được đánh giá cao về tính sáng tạo nhưng để thực hiện thành công là một thử thách lớn. Bối cảnh của truyện là những thập niên của thế kỷ 18, Nam phải tìm hiểu và lưu trữ tư liệu về kiến trúc, họa tiết trang trí và lịch sử của thời kỳ này. Ấn tượng mạnh bởi các giá trị về gia đình của bộ truyện, từ khi lên ý tưởng, Nam đã chú trọng thể hiện yếu tố này vào đồ án. Thông điệp giáo dục và trân quý tình cảm gia đình, tình thương giữa các thành viên gia đình được thể hiện qua từng nét vẽ, chú thích và tình tiết truyện, tạo ra tính liên kết chặt chẽ cả về hình thức và nội dung của đồ án.
Ngoài sự tỉ mỉ và thẩm mỹ, thách thức không nhỏ với Nam là công nghệ. AR còn khá mới tại Việt Nam nói chung và trong nhóm ngành thiết kế nói riêng. Những năm gần đây đã có một vài sản phẩm ứng dụng công nghệ này trên thị trường, nhưng ở khâu thiết kế vẫn chưa có sản phẩm đa dạng. Nhận thấy được tiềm lực của AR, cũng như so sánh trên thị trường hầu như chỉ có những cuốn sách truyện tranh đơn thuần, Nam quyết định kết hợp hai thứ lại với nhau. Nam cũng phải nhờ đến sự trợ giúp, tư vấn từ nhiều nguồn để hoàn thành đồ án.
“Từ lúc bắt đầu làm đến khi hoàn thành khoảng hơn một tháng rưỡi. Điều mình hài lòng nhất là đồ án thể hiện được hết những ý tưởng mà mình muốn truyền tải”, Nam cho biết. Mysterium Liber được thực hiện trong vòng hai tháng rưỡi, với 41 trang sách minh hoạ và nghệ thuật diễn hoạt hình ảnh (animation) được đánh giá cao về ý tưởng. Ngoài hình thức sáng tạo ban đầu là truyện tranh, Nam cũng thực hiện một phiên bản game tương tác cho Mysterium Liber để tăng thêm tính hấp dẫn cho đồ án.
Nam cho biết, Mysterium Liber ứng dụng AR là một trong ba phần của dự án cá nhân và mất khoảng hơn 4 tháng để hoàn thành, nhưng đây là phần Nam thích nhất: “Với mình, đó không chỉ là một cuốn sách mà còn là nơi để trải nghiệm một thế giới khác, một thế giới phép thuật mà bất cứ ai cũng từng mơ ước khi còn nhỏ để làm những điều không ai nghĩ tới. Nhưng khi lớn lên, chúng ta dần quên những thứ khi còn là một đứa trẻ, cũng như quên đi thế giới ma thuật của mình”.
Nam cũng được giới thiết kế chú ý thực hiện dự án “Nam ca” chủ đề về nhạc cổ truyền Nam Bộ đang bị mai một. Dự án tạo ra một ứng dụng dành riêng cho những người yêu thích thể loại âm nhạc này có thể trải nghiệm sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa thiết kế và âm nhạc.