Niềm vui của các sĩ tử sau môn Tiếng Anh. |
Sẽ không có "mưa" điểm 10
Đó là nhận xét của cô Hoàng Xuân - Thạc sĩ Lý luận Giảng dạy Tiếng Anh trường Southern New Hamsphere (Mỹ) đồng thời là Giáo viên Tiếng Anh tại hệ thống Tuyensinh247.
Cụ thể, cô Hoàng Xuân đánh giá: "Đề thi chính thức môn Tiếng Anh THPT năm 2024 vẫn giữ sự ổn định về cấu trúc, "format" so với các năm trước, bám sát với đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và không có yếu tố bất ngờ. Tuy nhiên, đề thi chính thức có độ phân hóa tốt hơn nhiều so với đề thi tham khảo. Đề thi có khoảng 70 - 75% số câu hỏi thuộc mức độ Nhận biết và Thông hiểu, khoảng 25 - 30% số câu hỏi thuộc mức độ Vận dụng và Vận dụng cao. Các câu hỏi Vận dụng cao rơi vào dạng câu hỏi từ vựng (câu thành ngữ và câu về sự lựa chọn từ trong dạng bài hoàn thành câu, câu hỏi từ cùng trường nghĩa trong dạng bài đọc điền từ, câu hỏi từ dễ gây nhầm lẫn trong dạng bài tìm lỗi sai) và một vài câu hỏi đọc hiểu (câu hỏi về ý chính, câu hỏi suy luận, dạng câu hỏi NOT TRUE)".
Cô Hoàng Xuân nhận định môn Tiếng Anh sẽ không có "mưa" điểm 10 trong kỳ thi năm nay. |
Dự báo phổ điểm, cô Xuân chia sẻ: "Với đề thi này, phổ điểm chủ yếu sẽ là tầm 6 điểm, tương đương và có thể thấp hơn so với năm 2023. Nếu học sinh lựa chọn khối thi có Tiếng Anh (Ví dụ, khối A1, khối D1) và chịu khó ôn tập, ôn bám sát đề thi tham khảo, thì có thể đạt 8 trở lên một cách dễ dàng. Điểm 9 trở lên thực sự dành cho các học sinh giỏi, có vốn từ tốt và khả năng đọc hiểu tốt. Học sinh trung bình, nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt mức 6 - 7 điểm. Học sinh khá có thể đạt được khoảng 7 - 8 điểm. Học sinh khá giỏi có thể được 8 trở lên đến cận 9. Học sinh khó có thể lấy điểm từ 9.4 trở lên, và sẽ không có "cơn mưa" điểm 10."
Bàn về độ khó của đề Tiếng Anh năm 2024, cô Nguyễn Lê Kim Ngân - giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Yên Hoà, Hà Nội - nhận xét: “Đề năm nay có phần “dễ thở” hơn so với đề các năm trước bởi vì cấu trúc đề và dạng câu hỏi đều bám sát đề minh hoạ của Bộ. Đa số các câu về từ vựng và ngữ pháp đều ở mức nhận biết và thông hiểu. Nếu các bạn thí sinh đã ôn luyện chăm chỉ theo ma trận đề minh hoạ thì các bạn sẽ không gặp khó khăn trong quá trình làm bài.”
Cô Nguyễn Lê Kim Ngân chia sẻ: "Mặc dù đề thi khá quen thuộc với các bạn thí sinh nhưng một số câu hỏi vẫn xuất hiện trường hợp “bẫy” khiến thí sinh nhầm lẫn giữa các đáp án. Ví dụ như câu "inference" hoặc "not true" trong bài đọc hiểu và câu "Collocation" (Câu 25) sẽ làm cho sĩ tử có chút hoang mang trong quá trình lựa chọn đáp án chính xác nhất. Thí sinh dễ dàng đạt mức 8.6 trở lên hoặc thậm chí 9+, tuy nhiên điểm 10 tuyệt đối chắc chắn không nhiều.” |
Lời khuyên cho các sĩ tử sinh năm 2007
Cô Hoàng Xuân đưa lời khuyên cho các thí sinh năm 2007: "Đề thi không những có thể kiểm tra, đánh giá được thực lực của đại trà học sinh với chương trình phổ thông, mà vẫn có thể được dùng cho mục tiêu xét tuyển vào các trường đại học. Trên cơ sở đó, cô đưa ra một số gợi ý để các bạn sinh năm 2007 ôn thi tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới như sau:
1. Về từ vựng: Đầu tiên cần phải ôn tập tập thật kỹ từ vựng trong chương trình sách giáo khoa, đặc biệt là từ vựng trong sách giáo khoa chương trình lớp 11 và 12 để có nền tảng từ vựng tốt. Trong quá trình ôn tập, cần chú ý đến các từ vựng thuộc các chủ điểm cụm động từ, sự kết hợp từ, từ đồng nghĩa, sự lựa chọn từ, từ cùng trường nghĩa. Sau khi đã ôn kỹ các từ vựng trong sách giáo khoa rồi thì có thể ôn thêm các từ vựng nâng cao nằm ngoài chương trình sách giáo khoa.
2. Về ngữ pháp: Ôn tập các chủ điểm ngữ pháp được học trong chương trình phổ thông, từ lớp 10 đến lớp 12 như thì của động từ, mạo từ, câu hỏi đuôi, liên từ…
3. Về ngữ âm: Ôn tập nguyên tắc phát âm nguyên âm và phụ âm Tiếng Anh và tập đọc các từ trong sách giáo khoa cũng như làm thật nhiều dạng bài tập liên quan đến phần này để củng cố kiến thức.
4. Về trọng âm: Ôn tập kỹ nguyên tắc về trọng âm của danh từ, tính từ, động từ có 2 âm tiết và 3 âm tiết, và nguyên tắc nhấn trọng âm của một số đuôi phổ biến như đuôi -tion, đuôi -ic,...
5. Về đọc hiểu: Cần ôn kỹ các từ vựng theo các chủ đề trong sách giáo khoa. Sau đó làm thật nhiều bài đọc hiểu xoay quanh các chủ đề đó. Cần luyện tập thành thạo các kỹ năng đọc hiểu như scanning (tìm ý chi tiết) và skimming (đọc tìm ý chính). Trong quá trình luyện đọc hiểu, cần nắm rõ được xem mình hay mắc các lỗi sai nào và cố gắng khắc phục không mắc đi mắc lại lỗi sai đó nữa. Riêng dạng câu hỏi từ vựng trong bài đọc hiểu thì cố gắng luyện kỹ năng đoán nghĩa của từ dựa vào ngữ cảnh.
6. Kỹ năng làm bài: Thử sức với đề thi thật, đề thi thử của các trường THPT trên toàn quốc để nâng cao kỹ năng làm bài dưới áp lực thời gian. Bên cạnh đó, hãy luyện tập đa dạng các dạng bài tập từ trắc nghiệm tới tự luận để hiểu được bản chất câu hỏi và cách xử lý các dạng bài. Đối với bài đọc hiểu, hãy đọc thật kỹ câu hỏi và xác định trọng tâm vấn đề trong câu hỏi để tìm đúng thông tin tham chiếu trong bài."
Ảnh: NVCC