Trưng bày “Ký ức Hà Nội - 70 năm” là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô do UBND quận Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức, có sự phối hợp của “Tạp chí Xưa&Nay” của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và “Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội” cùng với nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu sử học.
Không gian triển lãm “Ký ức Hà Nội - 70 năm. |
Phố cổ Hà Nội được phục dựng lại cùng mô hình các căn nhà, những chiến lũy trong niềm hân hoan của ngày giải phóng Thủ đô. Bối cảnh quay ngược về không gian Hà Nội xưa từ những ngày độc lập đầu tiên của Thủ đô và tiếp theo đó là 60 ngày đêm “Huyết lệ” của cuộc chiến đấu chống lại cuộc xâm lăng của thực dân Pháp, tiếp nối gần 8 năm kháng chiến trường kỳ để có “Ngày trở về”, “Ngày tiếp quản”, “Ngày giải phóng” mà năm nay cả nước long trọng kỷ niệm tròn 70 năm (10/10/1954 - 10/10/2024).
Một góc chiến lũy được phục dựng. |
Câu khẩu hiệu do chiến sĩ ta viết lên vách chiến lũy, vách tường, là biểu tượng cho tinh thần và sức mạnh của người Hà Nội trong 60 ngày đêm chiến đấu được tái hiện lại, thu hút nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh, check-in và sống lại những năm tháng hào hùng của thủ đô.
Khẩu hiệu “SỐNG CHẾT VỚI HÀ NỘI” được tái hiện lại qua mô hình những căn nhà cổ. |
Nhiều băng rôn, khẩu hiệu năm xưa cũng được phục dựng và treo trong triển lãm.
Băng rôn và ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo tại điểm ra vào. |
Băng rôn những khẩu hiệu lịch sử khi đoàn quân giải phóng tiến về Thủ đô năm xưa được tái hiện lại. |
Trong 60 ngày đêm khói lửa lịch sử, nhiều gia đình ở Hà Nội đã ủng hộ toàn bộ tiện nghi quý trong nhà như: Sập gụ, tủ chè, trường kỷ, thậm chí cả vật dụng, đồ thờ của gia đình, dòng họ để xây dựng chiến lũy, ngăn cản bước tiến quân thù.
Mô hình những trái bom ba càng. |
Ngoài ra, tại không gian buổi trưng bày, du khách cũng có cơ hội được tìm hiểu về một số ngành nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa Hà Nội. Nhiều người dân đã tập trung rất đông tại khu vực viết thư pháp.
Du khách thích thú với nghệ thuật viết thư pháp. |
Cửa hàng dép lốp cũng được tái hiện lại một cách sinh động. Đôi dép lốp đầu tiên ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi bộ đội ta cắt chiếc lốp xe quân sự đã hư hỏng làm thành những đôi dép bền bỉ, đi được trên mọi địa hình, mọi thời tiết. Đến nay, chiếc dép lốp đã trở thành một nét văn hóa, mang theo những câu chuyện lịch sử, trở thành món quà lưu niệm độc đáo phục vụ du khách.
Một góc của cửa hàng dép lốp tại triển lãm. |
Trong không khí hân hoan, rất nhiều người dân, trải dài trên mọi lứa tuổi đã đến và hát lên những khúc ca chiến thắng bất hủ, cùng chia sẻ những cảm xúc, những câu chuyện xưa kia về việc chào đón đoàn quân trở về tiếp quản ở Hà Nội.
Những giai điệu tái hiện lại ký ức về một Hà Nội xưa tại triển lãm. |
Dàn hòa ca của các du khách đến tham quan triển lãm. |
Dàn hòa ca của các du khách đến tham quan triển lãm. |
Triển lãm cũng quy tụ sự có mặt của nhiều bạn trẻ. Bạn Hân (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Hồi bé mình đã được nghe rất nhiều những câu chuyện do ông bà kể lại về ngày giải phóng thủ đô, về những bồi hồi, xúc động của cả gia đình khi đoàn quân tiến về Hà Nội. Đến hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 70 năm của sự kiện lịch sử này, mình thật sự rất bồi hồi và xúc động khi được trực tiếp hòa mình vào không gian của triển lãm”.
Nhiều bạn trẻ chọn triển lãm là nơi để check-in. |
Khoác lên mình tà áo dài vải nhung trang nhã, Hân cũng đề cập rằng đây là bộ áo đã được đặt may riêng, có giá lên đến 2,5 triệu đồng. Chị dự định sẽ đến tham dự toàn bộ những sự kiện trong chuỗi kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô với chiếc áo dài đã may. Chia sẻ về số tiền đã bỏ ra, chị Hân không thấy tiếc, bởi lẽ chị muốn ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất của bản thân trong những ngày đầu thu, dưới không khí hân hoan của dân và quân Thủ đô.
Triển lãm ảnh trong khuôn khổ sự kiện cũng thu hút rất nhiều bạn trẻ. |
Bạn Hoàng (18 tuổi) bồi hồi khi ngắm nhìn những bức ảnh tư liệu lịch sử quý giá trong triển lãm với chủ đề “Hoàn Kiếm - Những hình ảnh lịch sử”. Anh chàng chia sẻ rằng: “Là sinh viên năm nhất từ Thái Bình lên, đây là lần đầu tiên mình được hòa chung với không khi của ngày giải phóng Thủ đô. Những bức ảnh tư liệu lịch sử, những mô hình phục dựng sinh động của Phố cổ, tất cả đều khiến mình như được sống lại 60 ngày đêm khói lửa của Hà Nội năm xưa”.