Tôi nhớ hồi bé, khi đang chơi đùa cùng lũ trẻ hàng xóm, tôi đã bị ngã và khóc oà lên trước sự chứng kiến của bố. Nhưng thay vì xuýt xoa, vội vã nâng con dậy như bao ông bố, bà mẹ khác thì bố tôi chỉ đứng đó và nhẹ nhàng động viên: “Đứng lên đi, bố tin con làm được”. Vậy là trong những năm tháng đầu đời, tôi đã đứng dậy sau vấp ngã bằng chính sức mình, và điều đó tiếp tục được tôi lặp lại trong những tháng ngày khó khăn nhất của cuộc sống sau này.
Có một câu nói mà tôi vô cùng yêu thích, đó chính là: “May mắn chỉ đến với những người thực sự nỗ lực”. Thế nên ngay từ nhỏ, tôi đã cố gắng hết mình để học tập và tham gia các hoạt động xã hội. Tôi mải mê theo đuổi những điều mới mẻ, khám phá năng lực ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi cho rằng chỉ khi mình biết điểm mạnh, điểm yếu của bản thân ở đâu thì mới có thể phát huy tối đa khả năng của mình trong một môi trường phù hợp nhất.
Bốn năm học dưới mái trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội là bốn năm thanh xuân rực rỡ tuyệt vời. Tôi không chỉ có cơ hội “thực chiến” với các kỹ năng mềm như đàm phán, thuyết trình, giao tiếp, làm việc nhóm… mà còn mở rộng mối quan hệ với những người bạn, người anh chị em cực kỳ thân thiết và trở thành phiên bản “Lê Thu Khánh Huyền” tốt hơn mỗi ngày.
Tôi thừa nhận tôi may mắn trong học tập lẫn công việc, khi mà bố mẹ, thầy cô, bạn bè… luôn ủng hộ những gì tôi theo đuổi. Tôi cũng liên tiếp đạt được nhiều giải thưởng về học tập, ví dụ như giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch Sử và Tiếng Anh. Lên đại học, tôi vẫn giữ vững được thành tích học tập tốt, nhận được nhiều lời khen ngợi từ các thầy cô giáo. Ai nhìn vào cũng nghĩ cuộc sống của tôi tràn đầy màu hồng, thế nhưng thực tế thì tôi vẫn gặp nhiều khó khăn trên hành trình chinh phục ước mơ.
Đối với tôi, vấp ngã là một phần của tuổi trẻ. Thay vì coi chúng là một điều xúi quẩy, tôi coi đó là thử thách để tôi vững vàng hơn trước những bão giông của cuộc sống. Càng tôi luyện ý chí, tôi càng cảm thấy mình tích cực trong lối sống và suy nghĩ. Đó là lý do tôi được mọi người ưu ái đặt cho cái tên “Cô gái lạc quan”.
Thật vậy, tôi lạc quan ngay từ trong cái tên của mình – Lê Thu Khánh Huyền. “Lê” tức cây lê, mà trong Truyện Kiều có câu: “Cỏ non xanh rợn chân trời. Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. “Thu” là mùa thu, mùa tôi thích nhất, với bầu trời xanh biếc và những chiếc lá vàng rơi, là mùa đẹp nhất trong năm với tôi. “Khánh” thể hiện cho niềm vui, nụ cười và sự cảm mến; còn “Huyền” được hiểu như dây đàn, dây cung, là hình ảnh hoán dụ của tiếng đàn trầm bổng ấm áp. Thể theo ý nghĩa đó, tôi đã đem tất cả những gì tích cực nhất dành cho mọi người xung quanh, đặc biệt là những người tôi thương yêu.
Có một câu chuyện ngày nhỏ tôi nhớ mãi. Đó là vào một buổi chiều thu, khi tôi đi ăn bánh ngọt với mẹ. Lúc ấy tôi thấy những đứa trẻ rất nhỏ ùa vào cửa hàng, em nào em nấy mặt mũi nhếch nhác, quần áo lấm lem. Có em cầm giỏ đồ đi “chào hàng”, có em kéo lê bộ dụng cụ đánh giầy, có em chìa cái mũ tai bèo đi quanh cửa hàng những mong xin một chút tiền cơm qua ngày… Một người phụ nữ bàn bên nói với con của bà ấy: “Con phải học giỏi để không phải ăn xin, bán hàng như thế này nhé!”. Còn mẹ của tôi thì nhẹ nhàng: “Con phải học giỏi để giúp đỡ những trẻ em như thế này nha!”.
Thế là từ ấy, tôi luôn nuôi trong mình một ước mơ có thể giúp cho trẻ em trên thế giới có được niềm hạnh phúc. Với tôi, hạnh phúc không phải là tiền bạc đầy ví, nó đơn giản chỉ là nụ cười của những người xung quanh. Đó là lý do vì sao tôi trở thành Trợ lý Quan hệ tài trợ của một tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động vì trẻ em.
Nhìn lại 5 năm trước khi tôi còn là cô bé sinh viên năm ba, một trong những điều tuyệt vời nhất tôi có được là cơ hội cộng tác với Báo Sinh Viên Việt Nam. Tôi được tham gia rất nhiều sự kiện dành cho sinh viên, được đóng góp một phần công sức và sự nhiệt huyết của mình cho cộng đồng. Trong số các chương trình ý nghĩa đó, tôi nhớ nhất là chuỗi sự kiện “Chung tay xóa bỏ định kiến giới”, “Ngày hội việc làm” và các chương trình giao lưu bóng đá vì sinh viên nghèo hiếu học. Tất cả những trải nghiệm thú vị tại “mái nhà chung” Sinh Viên Việt Nam đã làm hành trang cho tôi bước vào cuộc sống.
Khi ra trường, tôi may mắn được làm việc ở một trong những tổ chức lớn nhất hoạt động vì trẻ em trên thế giới. Nơi đây cho tôi cơ hội để đóng góp kinh nghiệm, chuyên môn và trình độ của mình cho sự thúc đẩy những đột phá trong việc quan tâm tới trẻ em ở Việt Nam, nhằm đạt được sự thay đổi nhanh chóng và lâu dài cho các em. Đây cũng là cách để tôi lan toả yêu thương tới cộng đồng, đóng góp một phần hạnh phúc của mình cho hạnh phúc của cả thế hệ tương lai.
Tôi yêu hoa hướng dương như yêu chính cái tên “Lê Thu Khánh Huyền” mà ông ngoại và bố mẹ ban tặng. Ý nghĩa của loài hoa này cũng chính là mục đích hàng đầu mà tôi hướng tới. Sự kiên định của chúng khi hướng về những tia nắng chói chang cũng giống như sự vững vàng của tôi khi đứng trước cơ hội và những thử thách mới mẻ. Màu vàng rực rỡ của loại hoa này cũng giống như lòng hướng thiện và tinh thần cầu tiến của tôi trước gian nan. Hương thơm ngào ngạt của hoa mặt trời cũng giống như tình yêu, lòng nhiệt thành và sự lạc quan của tôi dành cho cộng đồng, đặc biệt là trẻ em trên toàn thế giới. Với tất cả những gì tôi tích luỹ trong những năm tháng tuổi trẻ, tôi mong rằng có thể “sống như những đoá hoa”, lan toả sắc hương đẹp đẽ cho đời, cho người và cho chính bản thân tôi.
Tôi sẽ kiên định theo đuổi đến cùng những ước mơ vĩ đại, đó là đem tới nụ cười và niềm hạnh phúc cho xã hội. Tôi khao khát “đem lại cuộc sống hạnh phúc cho trẻ em” như lời mẹ căn dặn, và tôi sẽ vững vàng đứng dậy sau vấp ngã như cách bố tôi cổ vũ. Bởi vì giống như hoa hướng dương, tôi luôn hướng về phía Mặt Trời.