Có nhiều cạm bẫy đưa bạn trẻ vào con đường bế tắc, dẫn đến các hành vi tiêu cực
Bạo lực mạng là tệ nạn vô cùng nhức nhối trong xã hội hiện đại, đặc biệt là trong bối cảnh Internet và mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ. Có rất nhiều vụ bạo lực học đường, học sinh gây gổ đánh nhau, nói xấu hay bị lợi dụng… đa số đều xuất phát từ những mâu thuẫn trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, nền tảng mạng xã hội ngày càng có nhiều tin tức độc hại, tin tức sai lệch sự thật gây ra hoang mang dư luận hoặc nghiêm trọng hơn là gây lệch lạc trong suy nghĩ của giới trẻ. Vấn đề đặt ra là: làm sao để sử dụng mạng xã hội hiệu quả?
Trước vấn đề đó, ngày 25/3, báo Tiền Phong đã tổ chức chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - đưa chuyên gia đến với trường học", với chủ đề “Ứng xử thông minh trên mạng xã hội” nhằm giúp các học sinh có thêm kiến thức, kĩ năng để xử lý các thông tin xấu, tin giả độc hại gây ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức của mình. Từ đó, nâng cao văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, giúp các em học sinh có tinh thần vững vàng để hạn chế các hành vi bạo lực trong học đường.
Chia sẻ tại chương trình, ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung Tâm Quản trị và an ninh mạng Athena cho biết: “Theo thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông và các cơ quan chức năng, hiện nay, số tài khoản sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là hơn 100 triệu, trong đó một người có thể nhiều tài khoản. Tốc độ tăng trưởng khoảng 10 - 15% mỗi năm, tức vào năm 2025, theo dự đoán là gần 120 triệu tài khoản. Trước đây, có rất ít người sử dụng mạng xã hội, nhưng bây giờ ngày càng nhiều, đặc biệt là học sinh từ lớp 6 trở lên”.
Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung Tâm Quản trị và an ninh mạng Athena chia sẻ tại chương trình. (Ảnh: Ngô Tùng) |
Theo ông Thắng, mạng xã hội không chỉ là công cụ liên lạc với nhau mà còn có nhiều thông tin tích cực, nhưng bên cạnh đó nó còn có rất nhiều cạm bẫy đưa bạn vào con đường bế tắc dẫn đến các hành vi tiêu cực. Không chỉ thế, trên không gian mạng hiện nay, còn có những nhóm "giang hồ mạng" từ 15 - 25 tuổi, những thành viên đó đa số là học sinh cấp THCS, THPT tham gia. Khi tham gia những nhóm "giang hồ mạng" thì các bạn sẽ sa lầy, dẫn đến nhiều hành vi không thể kiểm soát.
Một bạn học sinh chia sẻ tại chương trình. (Ảnh: Ngô Tùng) |
Chuyên gia này cũng cho biết, từ những năm 2020, bộ phận an ninh mạng còn chưa có nhiều hoạt động giám sát nhưng từ những năm 2020 trở lại đây thì các nhóm giang hồ mạng đã bị kiểm tra rất nhiều. Đối với các bạn trên 18 tuổi, sẽ bị phạt hành chính theo Luật An ninh mạng, nhưng những lần tiếp theo sẽ chuyển từ phạt hành chính sang hình sự.
“Vậy thực sự mạng xã hội có tiêu cực như vậy không?”
ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM đã đưa ra một câu hỏi đối với các em học sinh trường THCS - THPT Hai Bà Trưng.
Câu hỏi đã thu hút được sự tò mò của các em học sinh, trong đó một em học sinh đã không ngần ngại chia sẻ ý kiến cá nhân của mình: “Con cũng đã sử dụng mạng xã hội và con thấy sẽ có hai góc nhìn, một là tích cực, hai là tiêu cực thì đa số là tiêu cực nhiều hơn tích cực”.
ThS tâm lý Trần Thị Thanh Trà - Giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM chia sẻ tại chương trình. (Ảnh: Ngô Tùng) |
“Cô và các con đơn thuần lên mạng xã hội để share một câu chuyện của các con, các con muốn khoe một khoảnh khắc nào đó, nhưng các con “show off” bản thân mình quá. Mình đơn thuần mình nghĩ vậy thôi nhưng những cái mình đưa lên đó người ta nắm hết rồi và các nhóm đối tượng tiêu cực là họ sẽ sử dụng tất cả nguồn thông tin của chúng ta”, ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà chia sẻ.
Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực thì trên mạng xã hội vẫn luôn mang đến cho chúng ta những điều tích cực trong cuộc sống. Chúng ta có thể sử dụng ưu thế của mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội để học thêm nhiều thông tin, tri thức mới. Hiện nay, mạng xã hội là kho tàng vô cùng lớn về nền tảng thông tin và nếu tận dụng được nguồn thông tin đó thì sẽ biến thông tin đó thành nguồn tri thức của mình.
ThS tâm lý Trần Thị Thanh Trà trò chuyện cùng các em học sinh. (Ảnh: Ngô Tùng) |
Ths Tâm lý Trần Thị Thanh Trà chia sẻ: “Tháng 6/2023, Google thống kê được gần 80% dân số Việt Nam đều sử dụng mạng xã hội, thời lượng sử dụng mạng xã hội trung bình người Việt Nam là 3 giờ đồng hồ/ngày”.
Chuyên gia cũng nhắn nhủ tới các bạn học sinh: “Chúng ta nếu muốn sử dụng mạng xã hội một cách an toàn thì nên: Giảm thời lượng sử dụng mạng xã hội xuống tối đa chỉ 30 phút/ngày, nếu sử dụng nhiều quá, hệ thần kinh chúng ta sẽ bị ảnh hưởng, tăng lượng tương tác trực tiếp với bạn bè, tham gia hoạt động cộng đồng, để tránh trường hợp những xung đột trên mạng xã hội, nên học cách tôn trọng người khác, nên tập thói quen nghiêm khắc với thời gian của mình, trước khi làm gì nên biết hậu quả, mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng”.
Ông Huỳnh Minh Triết - Phó Giám đốc Quan hệ Đối ngoại khu vực miền Trung & miền Nam, Bộ phận Marketing, AIA Việt Nam chia sẻ về dự án "Trường học Lành mạnh nhất AIA" mà AIA Việt Nam đang thực hiện từ tháng 8/2022. Dự án nhằm hướng đến những thói quen sống khỏe bằng việc khuyến khích chế độ ăn uống lành mạnh, xây dựng lối sống năng động và tạo dựng sự bền vững trong môi trường học đường. (Ảnh: Ngô Tùng) |
Ban Tổ chức trao hoa cảm ơn tới các diễn giả tham dự chương trình. (Ảnh: Ngô Tùng) |
ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà cũng hy vọng, sau buổi chia sẻ này, các bạn học sinh sẽ hiểu rõ hơn về lợi ích cũng như tác hại của mạng xã hội, từ đó đưa ra những phương pháp cho bản thân để làm sao sử dụng mạng xã hội một cách thông minh.
Chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học” do báo Tiền Phong phối hợp cùng AIA Việt Nam, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trường ĐH Mở TP. HCM, Nam Á Bank phối hợp tổ chức. Trong năm học 2023 - 2024, chương trình sẽ đưa các chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp tuyển sinh đến các trường THPT trên địa bàn TP. HCM để chia sẻ, giao lưu, lắng nghe tiếng nói của học sinh trong mọi vấn đề như ứng xử văn minh trên mạng xã hội, cảnh báo, ngăn chặn nạn bạo lực học đường, giảm stress trong học tập, chọn ngành, chọn nghề…