Một hành trình, hai mục đích
Alexander Payner là một trong những đạo diễn được kính trọng nhất ở Mỹ. Phim ông thường tập trung vào những mảnh đời giản dị, các sinh hoạt thường ngày nhưng qua đó, đào sâu tâm hồn con người một cách tinh tế. Các tác phẩm của ông đều là những hành trình nhưng không phải vào thế giới bao la, mà vào nội tâm nhân vật. Giống như rượu vang, khán giả “nếm” phim của Payner bằng vị đắng chát của đời thật, để rồi từ từ cảm nhận hương ngọt ngào của sự cảm thông, tình yêu và hy vọng.
Sideways là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách ấy. Tình huống của phim đơn giản, co lại đúng bằng kích cỡ thực tế: Hai gã trung niên du hành về miền quê Santa Barbara, California, trước khi một trong hai làm đám cưới. Nhân vật chính là kẻ còn tự do, thầy giáo u sầu Miles (Paul Giamatti) đã ly dị vợ, mê rượu bao nhiêu thì chán đời bấy nhiêu. Trái ngược là diễn viên nghiệp dư Jack (Thomas Haden Church) sắp cưới vợ, tích cực, có vẻ háo hức của một đứa trẻ trước mọi thứ. Miles nhỏ thó, đầu hói còn Jack đô con, lực lưỡng. Cặp đôi điển hình này trèo lên xe hơi mà không cần biết dẫn về đâu.
Miles hình dung chuyến đi này là một con đường rượu vang. Gã muốn nếm thử các loại rượu và chìm vào hơi men cho đến lúc về. Jack ngược lại, muốn làm đúng điều mọi chú rể sẽ làm vào tuần trước khi cưới, là chơi bời gái gú. Dường như cả hai chẳng có điểm nào chung nhưng cuối cùng, đều đạt được mục đích. Miles lang thang ở các quán rượu, tình cờ gặp gỡ cô hầu bàn Maya (Virginia Madsen) cùng chung sở thích. Jack cưa cẩm được cô gái bán rượu Stephanie (Sandra Oh), lao vào chinh chiến trên giường. Tất nhiên, chuyện không dừng lại ở đó.
Vui buồn lẫn lộn
Sức mạnh trong phim của Payner nằm ở chỗ, người xem sẽ nhanh chóng đứng về nhân vật, dù nhiều khi chẳng có điểm gì chung. Chuyện phim trôi đi, cả Miles và Jack càng lúc càng đáng quan tâm và phần nào... đáng yêu. Đó là điều xảy ra khi kịch bản chăm chút cho nhân vật hơn bất kỳ gì khác. Miles và Jack sống động và chi tiết, như một bức tranh đầy điểm thú vị để khám phá. Sự tương phản của hai người là điểm gây hài chính, cũng là chất keo gắn bó giữa họ với nhau, giữa họ với khán giả.
Chất hài trong phim Payner dễ liên tưởng đến anh em nhà Coens, một tổng hòa giữa lời thoại bụi bặm, phóng khoáng, tình huống oái ăm và nhân vật quái đản. Càng về sau, bộ phim càng vui nhộn hơn, với một màn vụng trộm vùng quê, một cuộc truy đuổi, màn lừa dối bị lật tẩy. Chúng ta không cảm thấy tính công thức nào ở đây, đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sự trần trụi đời sống được Payner đưa vào phim khéo léo, gây cười mà không hề dung tục.
Nhưng đồng thời, Sideways cũng trở nên buồn hơn, chua chát hơn, xoay quanh nỗi lạc lõng tuổi trung niên. Không ngạc nhiên khi quyển sách tương lai của Miles, luôn ở trong tình trạng biên tập vô thời hạn, có tiêu đề The Day After Yesterday (Ngày sau ngày hôm qua). Gã chẳng bao giờ sống trong ngày hôm nay, tình trạng chung của những người nghiện rượu. Hôm nay là ảo ảnh của sự trống vắng, khi đến một thời điểm, Miles nhận ra, gã chẳng có gì. Ngược với vẻ ngoài giàu năng lượng, Jack lại mang trong mình nỗi tự ti của một diễn viên bất tài. Nam tính của gã giống như tấm khiên phòng vệ cho cậu bé yếu đuối bên trong.
Đạo diễn Alexander Payner bóc tách tâm lý nhân vật từ tốn nhưng đã chạm vào thì đến tận cùng và thấm thía. Như thường lệ, ông không bao giờ để chất kịch tích vượt quá ngưỡng cho phép. Lối kể của phim giản dị nhưng mạnh mẽ, đôi khi gợi đến phong cách truyền hình. Âm nhạc tiết chế, chỉ sử dụng để tạo nên không khí, như khi Miles và Maya chuyện trò trong phòng. Một phần không thể thiếu là các nhân vật phụ đáng nhớ, thường xuất hiện thình lình, đắp thêm lớp lang cho không gian miền quê Mỹ.
Chấp nhận bản thân
Với một kịch bản tập trung vào nhân vật, thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào diễn viên. Sideways có được sự tham gia của hai diễn viên gạo cội Paul Giamatti và Thomas Haden Church. Cả hai tạo nên một cặp “buddy” kinh điển không kém gì Jeff Bridges và John Goodman trong The Big Lebowski (Bá tước Lebowski, 1998). Họ tương tác với nhau tuyệt vời không kém khi có không gian riêng để phô diễn tài năng. Ngay cả cách mỗi người thể hiện cũng đối lập: Giamatti bằng một cảnh tĩnh, với nội lực trào ra từ bên trong, qua ánh mắt và biểu cảm gương mặt. Church lại là một cảnh động, với rất nhiều động tác khóc lóc, gào thét, đụng tay đụng chân. Người này là mảnh ghép hoàn hảo cho người kia.
Có những bộ phim, rất hiếm, mà phần hài hước là chiếc thang dẫn đến nỗi buồn. Sideways là bộ phim như thế. Tiếng cười vang lên từ những ngày đen tối, để lại dư vị mênh mang. Có những khoảnh khắc lãng mạn trong phim, tinh tế và đẹp đẽ hơn hầu hết các phim lãng mạn. Như khi Miles kể cho Maya nghe về loại nho cần điều kiện đặc biệt để sinh trưởng, mong manh và dễ lụi tàn, chính là đang nói về chính mình. Maya yêu anh từ giây phút ấy. Hay khi cả hai nằm ở thùng xe và nói về những kỷ niệm ấu thơ. Ai đó từng nói rằng “Chúa phù hộ phụ nữ, vì họ yêu đàn ông ngay cả khi anh ta không thể yêu chính mình”. Bạn sẽ hiểu điều đó trong phim.
Thể loại hành trình thường gắn với sự trưởng thành. Chuyến đi của Miles và Jack trong phim gắn nhiều hơn với sự chấp nhận. Con người thay đổi khi bước ra thế giới nhưng không phải vì thế giới khiến ta thay đổi. Thế giới giúp ta hiểu ra mình là ai, từ đó, những đổi thay sẽ đến. Sideways tiêu biểu cho phong cách của đạo diễn Alexander Payner, đứng về phía con người khi họ ở đáy, không phải đỉnh và khai thác vẻ đẹp của họ. Với Sideways, đó là vẻ đẹp của sự chân thật, một mảnh cuộc sống được phết lên thứ điện ảnh đỉnh cao, giàu trải nghiệm và cảm thông.
Sideways là phim đầu tiên trong lịch sử giành giải “Kịch bản hay nhất” ở cả 5 hiệp hội bình luận phim lớn nhất: National Board of Review, New York, Los Angeles, Broadcast Film Critics và National Society of Film Critics. George Clooney từng rất cố gắng để có vai Jack trong phim nhưng đạo diễn Alexader Payner nghĩ rằng, anh quá nổi tiếng cho vai diễn. Dù vậy, Clooney nhận được lời mời phim kết tiếp của Payner là Descendants (Tình thân, 2011). |