Định vị bản thân ở giảng đường
Từ năm đầu tiên, Lộc đã biết cách cân bằng giữa việc chơi và học bằng quá trình tham gia CLB IEM Art. Bằng hành trình học hỏi và không ngần ngại cống hiến, anh luôn đứng sau để giúp đồng đội tỏa sáng. Lộc đã cùng đồng đội tạo nên những sản phẩm âm nhạc với hàng nghìn lượt xem, những chương trình ca nhạc náo nhiệt với khán giả ngồi kín hội trường. Thời gian ý nghĩa này không chỉ giúp Lộc mở rộng mối quan hệ, hoàn thiện phong cách lãnh đạo và làm việc nhóm mà còn giúp Lộc được kết nối với những người bạn, người mentor (người hướng dẫn) có chung chí hướng khởi nghiệp.
Trong 4 năm ở giảng đường đại học, với lợi thế là một cựu học sinh chuyên Tin của trường THPT Chuyên Bến Tre, Lộc “như cá gặp nước” khi được học các môn lập trình. Thường đi ngược với số đông, Lộc rất thích các môn nặng về tính toán như Cơ khí và Động lực học, hoặc các môn giúp phát triển tư duy hệ thống tinh gọn như Kỹ thuật hệ thống và Sản xuất tinh gọn.
Trong hành trình 4 năm ở trường ĐH Quốc tế, Lộc ấn tượng với nhiều giảng viên của khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp, trong đó TS Đào Vũ Trường Sơn - giảng viên hướng dẫn của Lộc đã cho anh nhiều bài học trân quý, không chỉ là về kiến thức mà còn là tư duy, thái độ. Dưới sự hướng dẫn của thầy, những môn học thiên về làm dự án và khóa luận đại học không còn là những gánh nặng tâm lý đối với Lộc khi so sánh với các bạn đồng trang lứa. Cộng với nỗ lực của bản thân, bài khóa luận tốt nghiệp của Lộc được xuất bản trên tạp chí quốc tế Q2.
Chân dung chàng trai Gen Z Huỳnh Quang Lộc. |
Ngoài kiến thức chuyên môn, TS Đào Vũ Trường Sơn còn cho Lộc những quan điểm đúng đắn, trở thành kim chỉ nam. “Càng đơn giản, càng hiểu bản chất vấn đề” - lời dạy của thầy đã được Lộc áp dụng nhuần nhuyễn trong các dự án lập trình của mình, cũng như khi giúp đỡ các em khóa sau với vai trò là trợ giảng. Với sự nhiệt tình của mình, Lộc là một trong những trợ giảng được yêu thích tại bộ môn và cũng là một trong những người truyền cảm hứng tại CLB lập trình Google Developer Student Clubs. Lộc cũng chính là một trong những nhân tố xây dựng nền móng để thành lập câu lạc bộ tại trường, khi được người anh mentor thân thiết rủ “cùng tham gia”.
“Làm thuê không chuyên nghiệp, không bằng tự làm chủ, nhưng làm chủ sẽ không bằng làm thuê chuyên nghiệp” - câu nói này của thầy Sơn đã góp phần định hướng nghề nghiệp cho Lộc khi chàng trai 22 tuổi hoang mang tìm chỗ thực tập giữa lúc dịch COVID-19 đang hoành hành tại Việt Nam. Quá trình tìm việc khi ấy cũng không dễ dàng. Sau đó, Lộc được mời đến làm việc tại một trong TOP 20 doanh nghiệp đứng đầu về dịch vụ logistics tích hợp trong nước, tuy nhiên, Lộc đã lựa chọn vừa khởi nghiệp vừa làm freelancer (nghề tự do) về thiết kế, lập trình web và phát triển phần mềm.
Sản phẩm đầu tay ấn tượng
Là một Gen Z điển hình, Lộc mong muốn được làm việc trong một môi trường năng động, hiểu và đề cao các dự án đổi mới sáng tạo. Với những kiến thức chuyên môn về VRP (bài toán tối ưu hóa đường đi), với sự đam mê và kỹ năng lập trình tốt, tháng 1/2023, Lộc cùng các cộng sự đầu tư sức lực vào 'Xe dù' (https://www.xedu.com.vn/), xây dựng từ cốt lõi như quy trình kinh doanh, lập trình thuật toán tối ưu hóa đường đi và tự động hóa việc cập nhật dòng tiền… Vừa làm vừa học, đội ngũ founder trẻ mất hơn 5 tháng để xây và đưa vào sử dụng một trang web cho admin, một ứng dụng (app) cho tài xế, một trang web và một ứng dụng (app) cho khách hàng.
“Đối tượng chính mà công ty hướng tới chính là những công ty, cá nhân bán hàng qua mạng nhưng không qua các sàn thương mại điện tử, ưu tiên yếu tố chi phí hơn yếu tố thời gian. Đó là vì để tối ưu hóa chi phí, thuật toán lấy hàng và giao hàng liên tục được cập nhật khi có đơn mới, giúp giảm chi phí vận chuyển”, Lộc chia sẻ.
Huỳnh Quang Lộc (ngoài cùng, bên trái, hàng đầu) cùng đội ngũ thành lập 'Xe dù'. |
Dự án 'Xe dù' hiện đang tạm dừng hoạt động do thiếu shipper, thiếu khách, thiếu đội ngũ quản lý và tiếp thị. Tuy nhiên, sản phẩm đã nhận được hơn 150 chủ shop đăng ký tài khoản và đón nhận, vận chuyển giá trị hàng hóa gần 1 tỷ đồng trong 9 tháng hoạt động. “Chưa thể gọi 'Xe dù' là thất bại, vì nền tảng phía sau của 'Xe dù' được phát triển dựa trên các nghiên cứu khoa học về vận chuyển và tối ưu hóa, có thể tự động hóa quy trình trả phí và phân tích dữ liệu. Công ty cũng có đội ngũ để tích hợp thông tin vận chuyển với hệ thống thông tin hiện có của khách hàng, nên giao diện và cách sử dụng đơn giản hơn cho tệp khách hàng công ty hướng đến. 'Xe dù' vẫn đang tiếp tục kêu gọi đầu tư và hoàn thiện bộ máy quản lý của mình để sẵn sàng đương đầu với các ông lớn”, Lộc chia sẻ.
Giao diện web cho admin, giao diện app tài xế và giao diện app người dùng của 'Xe dù', được Huỳnh Quang Lộc cùng các cộng sự xây từ số 0. |
Tiềm năng với dự án thứ hai
Sau 'Xe dù', Lộc được người quen trong giới rủ vào một dự án đầy tiềm năng khác. Choiee (https://choiee.com/en), với ý nghĩa là một lời rủ rê ‘Chơi ê’. Đây là một nền tảng kết nối những người chơi thể thao với nhau. Nhận thấy vấn đề giới trẻ hiện nay thường gặp phải là không tìm được người chơi cùng môn thể thao theo nhóm, hoặc không tìm được hội nhóm để tạo động lực chơi thể thao, Lộc đã tạo nền tảng để có thể kết nối những người cùng thích chung môn thể thao có chung vị trí địa lý và có cùng khung thời gian nhàn rỗi.
Sản phẩm đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng đã được nhiều nhà đầu tư công nghệ để mắt. Vừa qua, nhóm sáng lập đã có màn giới thiệu Choiee đến cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp công nghệ UpYouth.
Với vai trò là đồng sáng lập và quản lý công nghệ của team, Lộc chia sẻ trải nghiệm với Choiee đã giúp Lộc “được bơi ra biển lớn, được học thêm học rộng” về các kỹ năng mềm trong sáng tạo khởi nghiệp. Dù phải đánh đổi các cơ hội được học sâu về chuyên môn và mức lương thoải mái như khi làm ở doanh nghiệp, chàng trai trẻ vẫn rất phấn khích với hành trình mình đang đi vì được bước ra khỏi vùng an toàn mỗi ngày.
Huỳnh Quang Lộc (thứ ba, từ trái qua) và team sáng lập Choiee tại vườn ươm sáng tạo công nghệ UpYouth, ngày 7/9/2024. |
Team sáng lập Choiee đang giới thiệu sản phẩm tại vườn ươm sáng tạo công nghệ UpYouth, ngày 7/9/2024. |
Hiện tại, các nhóm của Lộc đã và đang tiếp nhận rất nhiều sinh viên ISE của khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp đến thực tập. “Nếu vào các công ty lớn, các bạn thường chỉ được quan sát quy trình đã được thiết lập sẵn, nhưng với những công ty nhỏ và đặc biệt là các startups, các bạn có thể được trải nghiệm rất nhiều nếu chịu khó. Mình dùng version control (quy trình kiểm soát những thay đổi bởi những người dùng khác nhau trong công tác lập trình nhóm) nên mình vẫn quản lý được hết”, Lộc nói.
Quang Lộc liên tục cập nhật những kiến thức lập trình mới và không ngại chia sẻ thông qua các nền tảng lập trình mở như GitHub. Tính riêng trong năm qua, Lộc đã có hơn 3.100 đóng góp cho cộng đồng lập trình (https://github.com/quanglochuynh).