Trong những ngày qua, Đà Nẵng đã trở thành điểm nóng của tình yêu thương và sự chia sẻ của hơn 90 triệu dân. Cả nước chung tay với Đà Nẵng, với miền trung giúp khống chế đại dịch Covid 19, giảm bớt các ảnh hưởng của đại dịch tới các hoạt động và đời sống nhân dân.
Theo Thông báo số 4987/UBND-VHXH ngày 29/7/2020 về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 thì dừng việc kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát kể cả bán hàng qua mạng, bán hàng mang về. Đà Nẵng hiện nay đang có hàng ngàn sinh viên đang ở ký túc xá và ở trọ bên ngoài, chưa kịp về lại quê nhà khi dịch COVID-19 bùng phát. Đây thực sự là thời điểm hết sức khó khăn cho mọi người, đặc biệt là với các sinh viên đang cư trú tại các kí túc xá của trường đại học, cao đẳng… và cư trú bên ngoài kí túc xá.
Toàn bộ hệ thống và xã hội đã vào cuộc để giúp các bạn sinh viên như hỗ trợ lương thực, nhu cầu yếu phẩm như khẩu trang y tế, nước sát khuẩn… Các thầy cô, các cán bộ công nhân viên, người dân, và các doanh nghiệp đã cùng nhau quyên góp kinh phí hay tập trung nhân lực nhận tài trơ và phân chia các nguồn lực để hỗ trợ cho các sinh viên.
TS Nguyễn Quang Như Quỳnh
Tuy nhiên, qua đây tôi cũng muốn chia sẻ thêm một số quan điểm từ góc nhìn cá nhân.
Trong đại dịch tất cả các thành phần xã hội đều bị ảnh hưởng tuy nhiên mức độ khó khăn là khác nhau. Bên cạnh đó nguồn lực xã hội là giới hạn và cần phải được quản lý và chia sẻ tới những cộng đồng khó khăn và yếm thế nhất trong xã hội. Rõ ràng các bạn sinh viên khó khăn nhưng các bạn có nhiều nguồn lực có thể vượt qua như sức khỏe, sự chịu đựng so với các tầng lớp dân nghèo và người già yếu.
Những công việc hỗ trợ sinh viên rất đáng quý và thiết thực. Và chúng ta, những người làm công tác giáo dục nên nhìn lại và suy ngẫm các vấn đề, đó là tâm thế và hành động của đa số các bạn sinh viên đối với khủng hoảng như thế nào? Trong tương lai, thế giới với các biến cố bất định có thể sẽ xảy ra nhiều hơn, khắc nghiệt hơn lần đại dịch Covid này. Việc hỗ trợ sinh viên trong bối cảnh tương lai cần phải có kế hoạch dài hạn để họ có năng lực tối thiểu để tồn tại, vượt qua khó khăn trước hết là dựa vào nguồn lực của chính bản thân họ. Nói nôm na là chúng ta hỗ trợ sinh viên bằng cách cho họ con cá thì sẽ không có tác dụng lâu dài. Thay vào đó, để việc hỗ trợ có giá trị bền vững thì chúng ta cần phải giải cứu họ bằng cần câu, đó chính là dạy cho sinh viên có được năng lực lãnh đạo bản thân như tâm thế, kỹ năng sống, kỹ năng quản trị tài chính và tử tế nhất là ý thức giúp đỡ cộng đồng.
Câu nói của Khổng Tử "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" có thể hiểu là một trong những lời răn dạy chúng ta muốn làm việc gì tốt thì cũng xuất phát tốt từ bản thân chúng ta trước tiên. Mỗi một cá nhân phải có năng lực lãnh đạo bản thân, vượt qua hoàn cảnh khó khăn, thậm chí trong những trường hợp khủng hoảng có thể dẫn đến tuyệt vọng hay dấn thân vào những thách thức trước những biến cố bên ngoài. Năng lực lãnh đạo bản thân cần được hình thành ngay từ sớm, phát triển dần với quá trình tích lũy kiến thức chuyên môn ở nhà trường, và cần được trải nghiệm dưới dạng các hoạt động ngoại khóa như trò chơi, dự án, sinh hoạt trong các câu lạc bộ kỹ năng…
Khi mà các cửa hàng ăn uống, giải khát kể cả bán hàng qua mạng, bán hàng mang về không được hoạt động, thì việc ăn uống hằng ngày của sinh viên bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đối với các sinh viên vốn lâu nay không tự nấu ăn, thậm chí không biết nấu ăn, chỉ ăn ở hàng quán bên ngoài. Qua đại dịch lần này, có thể nói là có thể bạn nấu không ngon nhưng nhất định bạn phải biết nấu ăn để giúp bạn vượt qua khoảng thời gian ít nhất là 14 ngày như lần này đang xảy ra tại Đà Nẵng, đó là một trong những kỹ năng sống cơ bản.
Tôi luôn nói với sinh viên tôi dạy rằng, khi môn học có yêu cầu sinh viên làm khảo sát về nhu cầu khách hàng, thì các em nên xét đến hai mức độ là nhu cầu đó là cần thiết hay cấp bách. Và liên quan đến việc cho đi của các tổ chức thiện nguyện và việc nhận hỗ trợ của các sinh viên, tất cả chúng ta đều nên dựa vào mức độ cần thiết và cấp bách để cho đi hoặc nhận đúng mức, đúng thời điểm, thể hiện tinh thần đoàn kết "Lá rách ít đùm lá rách nhiều" để phân bổ nguồn lực hợp lý.
Thế hệ thanh niên thế hệ Z trưởng thành cũng là nguồn lực quý báu giúp giải cứu xã hội như tiếp sức cho các bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện, và các cá nhân thuộc dạng cách ly… Tuy cuộc chiến chống dịch của nhân dân ta còn dài, và thời gian bao lâu thì chưa ai khẳng định được, và với nguồn lực ngày càng hạn chế, nhưng chúng ta vẫn một lòng tin sắt đá là sẽ dập được dịch bởi bắt đầu từ hôm nay, chúng ta đã suy nghĩ và hành động tốt, hiệu quả dần lên.