Lễ khai mạc sự kiện có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Giáo dục, đại diện phụ trách Giáo dục của các nước thành viên trong ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam); đại diện Ban Thư ký ASEAN; Ban Thư ký Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) và Giám đốc Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN).
Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 thông qua tuyên bố chung với nhiều điểm quan trọng. |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN tập trung trao đổi về tình hình giáo dục và đào tạo của mỗi nước, chia sẻ các bài học thực tiễn, kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp hợp tác, hướng tới phát triển giáo dục bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19.
Hội nghị cũng cập nhật tình hình triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động giáo dục ASEAN giai đoạn 2021 - 2025 và thảo luận các vấn đề khác.
Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Việt Nam thể hiện vai trò dẫn dắt Giáo dục trong khối ASEAN
Phát biểu với vai trò Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Giáo dục luôn luôn đóng vai trò trung tâm trong hoạt động của mọi quốc gia.
Ở Việt Nam, giáo dục được xác định là quốc sách hàng đầu với mức 20% ngân sách chi hằng năm cho giáo dục. Phát triển giáo dục được xác định là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
Sau khi tiếp nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN từ Bộ Giáo dục Philippines, Bộ GD - ĐT Việt Nam đã phối hợp Ban Thư ký ASEAN, UNESCO và UNICEF xác định chủ đề chính của nhiệm kỳ 2022 - 2023: "Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới".
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh năm nội dung ưu tiên nhằm đảm bảo phù hợp với ưu tiên của hợp tác giáo dục ASEAN giai đoạn 2021 - 2025, cũng như bám sát những ưu tiên của ngành giáo dục Việt Nam trong giai đoạn tới: Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tinh thần của người học; Tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; Bảo đảm việc tiếp cận giáo dục công bằng và có chất lượng cho người học, đặc biệt là nhóm yếu thế; Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và đảm bảo an toàn không gian mạng cho người học; Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 được tổ chức tại Hà Nội. |
Đại diện các nước đánh giá cao việc Việt Nam đảm nhận hiệu quả vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022 - 2023, dẫn dắt ngành giáo dục ASEAN theo sự chỉ dẫn trong Kế hoạch Công tác ASEAN về Giáo dục giai đoạn 2021- 2025, cũng như đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 cùng các Hội nghị liên quan.
Các đại biểu đồng thời ghi nhận Không gian giáo dục đại học ASEAN thông qua công bố lộ trình thực hiện Không gian giáo dục đại học ASEAN 2025; ghi nhận vai trò của các đối tác SEAMEO, UNICEF và UNESCO; những tiến bộ thực chất trong việc thực hiện Kế hoạch công tác ASEAN giai đoạn 2021-2025.
Hội nghị thống nhất về sự cần thiết của việc mở cửa trường học trở lại an toàn và duy trì việc mở cửa các trường học; khắc phục tình trạng hao hụt kiến thức cũng như gia tăng khả năng thích ứng cho hệ thống giáo dục trong ASEAN cùng các quốc gia thành viên trước đại dịch, thảm họa, tình huống khẩn cấp trong tương lai.
Nhu cầu chuyển đổi số các hệ thống giáo dục trong ASEAN cùng sự cần thiết của việc đảm bảo sức khỏe tinh thần và phúc lợi cho các bên liên quan trong nền giáo dục toàn ASEAN cũng được nhấn mạnh tại Hội nghị.
Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 đã thông qua Tuyên bố chung với nhiều điểm quan trọng.