Thảo Nhi là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Sinh viên TP. Đà Nẵng - Uỷ viên Ban Thư ký Hội Sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng). Cô gái 20 tuổi này là một trong gần 200 đại biểu cán bộ Hội Sinh viên Việt Nam, sinh viên ưu tú đến thăm quân, dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/2, diễn ra từ ngày 28/5 đến 3/6 vừa qua.
Nguyễn Trần Thảo Nhi (trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng). |
Chuyến đi đặc biệt kéo dài một tuần, được Thảo Nhi coi là niềm may mắn vô cùng to lớn. Ban đầu, nữ sinh Đà Nẵng chưa nhận ra sự may mắn đó khi tiếng còi tàu xuất phát vang lên. Bởi với Thảo Nhi, Trường Sa luôn thật gần trong trái tim. Để rồi, sau hai ngày dài lênh đênh trên con tàu KN-290, ở một nơi mà cứ mở mắt ra là chỉ thấy màu xanh: Xanh của trời, của biển, của tâm hồn những người trẻ đang hừng hực một tình yêu biển đảo, lòng Thảo Nhi mới rung lên những thanh âm lạ lẫm nhưng cũng thân thuộc diệu kỳ.
Nữ sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) theo đoàn đến đảo Song Tử Tây đầu tiên. Chẳng thể lên đảo vì sóng lớn, Thảo Nhi hụt hẫng bởi quá mong chờ thời khắc được đặt chân lên nền đất vững chãi giữa biển trời Tổ quốc. Quá xúc động, nữ sinh 20 tuổi cùng các bạn khóc nấc như những đứa trẻ, vừa hát vừa chào tạm biệt các chiến sĩ. “Gần ngay trước mắt thôi nhưng lại chẳng thể chạm đến. Chúng mình đã rời Song Tử Tây với biết bao tiếc nuối”, Thảo Nhi chia sẻ.
Một ngày sau, nhờ cố gắng, nỗ lực của thủy thủ đoàn cùng bao chờ mong của các đại biểu, đoàn “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc 2023” đến đảo Sinh Tồn trong thời tiết nắng đẹp. Thảo Nhi được gặp các chiến sĩ, các cô, chú, anh, chị và cả các em nhỏ đang sinh sống trên đảo. Mọi người cùng ca hát, nhảy múa bên nhau như những người bạn thân thiết từ lâu lắm rồi. Nhìn những nụ cười vui tươi trên gương mặt các anh lính đảo, cô nữ sinh lần đầu đến thăm Trường Sa khâm phục từ tận đáy lòng. “Con người ta phải mạnh mẽ và kiên cường biết bao khi vẫn có thể nở nụ cười trong một hoàn cảnh sống thiếu thốn và khắc nghiệt như vậy”, Thảo Nhi thầm nghĩ.
Những cảm xúc ấy vẫn nguyên vẹn, thậm chí còn trào dâng mạnh mẽ hơn khi Thảo Nhi đến đảo Đá Tây A và đảo Trường Sa lớn vào ngày hôm sau. Vẫn những bộ quân phục Hải quân ấy, vẫn những chiếc áo cờ đỏ sao vàng ấy, vẫn những nụ cười tươi hơn cả nắng đảo ấy, vẫn chỉ thế thôi, mà lòng cô cứ vấn vương mãi… Thảo Nhi nhận ra, nếu không tham gia chuyến hải trình lần này, chắc có lẽ cả một cuộc đời dài đằng đẵng, cô chẳng thể nào được trải qua những khoảnh khắc tuyệt vời đến thế!
Hành trình của Thảo Nhi tại huyện đảo Trường Sa. |
Trong một tuần ngắn ngủi ấy, nữ sinh 20 tuổi chẳng thể nhớ nổi cô đã khóc bao nhiêu lần, khi gặp gỡ, khi chia tay, khi nhung nhớ, và cả khi nghe được tiếng nói của đồng bào qua chiếc bộ đàm. Khi đến Nhà giàn DK1, dù không thể lên được, cũng chẳng thể nhìn rõ hình ảnh các chiến sĩ đang vẫy chào từ nhà giàn, Thảo Nhi vẫn nhìn rõ một điều duy nhất, đó là tình đồng bào, tình yêu quê hương đất nước.
Thảo Nhi cùng đồng đội lên thăm đảo Sinh Tồn. |
“Đây là khoảng thời gian mà mình được trải nghiệm nhiều lần "đầu tiên" đến thế, lần đầu tiên sinh hoạt trên tàu suốt một tuần, lần đầu tiên được đặt chân lên huyện đảo Trường Sa thân thương, lần đầu tiên nhìn thấy nhà giàn… Và mình sẽ không thể nào quên được những con người ấy, những con người đã cùng mình trải qua những bữa cơm, những buổi sinh hoạt trong trung đội, những buổi tập văn nghệ, và cả những lần chuyện trò thâu đêm”, Thảo Nhi tâm sự.