Ước mơ về nền kinh tế xanh
Ngày nhỏ, khi chứng kiến cánh rừng sau nhà bị tàn phá để trồng keo lá tràm, nguồn nước bị ô nhiễm nặng vì thuốc diệt cỏ, Thái đã luôn ước mơ về một nền "kinh tế xanh" thay thế cho nền "kinh tế nâu". Chính vì thế, anh đã quyết tâm xây dựng mô hình kinh tế sinh thái vườn rừng để chứng minh rằng người nông dân có thể sống đủ đầy, sống khỏe mạnh cùng tự nhiên.
Năm 2017, sau khi nhận được sự đồng ý từ chính quyền địa phương, Thái đã thuyết phục người dân cùng mình thực hiện dự án vườn rừng. Để hỗ trợ cây giống cho người dân, Thái đã phải xoay sở nguồn vốn từ các công việc khác và tự ươm cây giống để giảm chi phí đầu tư. Khu vực triển khai dự án thuộc vùng sâu, vùng xa, lại nhiều sỏi đá nên việc cải tạo tự nhiên mất rất nhiều thời gian.
Quang Thái khẳng định tiềm năng của mô hình vườn rừng chính là tương lai của canh tác nông nghiệp bền vững và du lịch trải nghiệm. |
Thái cho biết, mô hình vườn rừng bắt chước hệ sinh thái tự nhiên đa tầng tán, càng bảo tồn thì càng mang lại giá trị kinh tế. Bên cạnh việc hướng dẫn người dân trồng xen canh nhóm cây cộng sinh có lợi cho cây cà phê như cây sâm đất và cây thảo dược, Thái còn khuyến khích họ trồng các loại cây rừng lấy hạt mang giá trị kinh tế cao thay vì chặt phá chúng để trồng khoai, sắn như trước.
Thái khẳng định, vườn rừng hướng đến sự phát triển bền vững của con người với tự nhiên. Điểm khác biệt là không sử dụng phân bón hoá học, thuốc diệt cỏ mà cây trồng vẫn phát triển tốt. Do đó, sản phẩm của mô hình này là “sản phẩm sạch”, có giá trị cao, góp phần nâng tầm đặc sản bản địa. Khi người dân “sống khỏe” với tự nhiên, ý thức bảo vệ thiên nhiên của họ cũng sâu sắc hơn, góp phần chống biến đổi khí hậu và cân bằng hệ sinh thái.
Vốn có hệ sinh thái rừng nhiệt đới đa tầng tán nên việc áp dụng mô hình này vào thực tế tại Đắk Lắk khá thuận lợi. |
Sau một thời gian áp dụng, mô hình này đã đem đến thu nhập cao gấp nhiều lần so với canh tác truyền thống. Các sản phẩm đều được Công ty TNHH Rồng xanh Tây Nguyên của Thái thu mua với giá cao gấp đôi giá thị trường và chế biến thành sản phẩm chất lượng cao.
Ngoài Đắk Lắk, Thái còn nhân rộng mô hình này tại các tỉnh Tây Nguyên như Đăk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum và các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Trị. Thái chia sẻ: “Mình cảm thấy hạnh phúc vì niềm tin đã trở thành hiện thực. Nhưng đây chỉ là bắt đầu, còn cả chặng đường dài để chuyển hoá nhiều vùng sản xuất hơn và đưa vườn rừng Việt Nam trở thành mô hình mà nhiều nước cần học hỏi và nhân rộng”.
Thái vẫn nỗ lực với đam mê của mình. |
Phủ xanh rừng bằng “bom hạt giống”
Là một người trẻ yêu thiên nhiên, Thái thường xuyên quan tâm đến các mô hình xanh và luôn tìm cách để áp dụng chúng tại quê hương mình. Nhận thấy ý tưởng phủ xanh đất trống bằng “bom hạt giống” của người Ấn Độ mang tính ứng dụng cao, Thái đã thành lập nhóm làm “bom hạt giống” và nhận được sự hưởng ứng của mọi người. Hiện tại, nhóm có hơn 100 thành viên, đa số sống tại các tỉnh Tây Nguyên, đều yêu thiên nhiên và mong muốn nhanh chóng “hồi sinh” những cánh rừng.
“Bom hạt giống” bao gồm năm loại hạt tương ứng với năm tầng tán cây. Sau khi được thả vào rừng, hạt giống sẽ “ngủ” tạm thời và nảy mầm khi gặp trời mưa, sinh trưởng tốt mà không cần chăm sóc. Đến nay, nhóm đã hoàn thành và rải hơn 50.000 quả “bom hạt giống” tại Đắk Lắk, Đà Lạt và Kon Tum.
Các thành viên của nhóm làm "bom hạt giống" đều mong muốn nhanh chóng hồi sinh những cánh rừng. |
Mô hình này rất dễ nhân rộng và ứng dụng trong nhiều hoạt động, đặc biệt là du lịch trải nghiệm. Khách du lịch có thể mang theo “bom hạt giống” và được hướng dẫn khu vực ném “bom” phù hợp. Sắp tới, Thái sẽ thành lập “Ngân hàng hạt giống” để kết nối với các trường học. Do đó, “bom hạt giống” không chỉ tái sinh rừng mà góp phần giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ.
Cách tạo bom hạt giống rất đơn giản, chỉ cần vo viên hạt cây vào trong hỗn hợp đất sét, phân và nước. |
Thời gian này, Thái đã nghiên cứu thêm các dự án xanh và tạo ra một số sản phẩm chất lượng cao thu hoạch được từ vườn rừng. Mặc dù đại dịch ảnh hưởng khá nhiều đến công việc kinh doanh nhưng Thái cho biết, đa phần người làm vườn rừng vẫn bình yên và hạnh phúc.
Sau khi thiên nhiên phục hồi được vẻ đẹp vốn có, Thái sẽ nâng cấp vườn rừng thành tiểu khu du lịch trải nghiệm khép kín để phát triển du lịch xanh và văn hoá xanh tại quê hương mình. Đồng thời, phát triển các dự án du lịch sinh thái để bảo tồn các loài thú nhỏ và động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao.