Chị Dương Thị Nhật (thành viên mentor, cũng là người sáng lập dự án) chia sẻ: “Mình nảy ra ý tưởng hình thành dự án từ chính câu chuyện thực tế của bản thân lúc còn học THPT. Thời điểm đó, mình rất muốn được ứng tuyển vào học bổng của các trường đại học lớn nhưng vì còn rụt rè và chưa có kinh nghiệm trong việc ứng tuyển nên mình đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Sau khi ra trường, mình không muốn chứng kiến nhiều bạn trẻ bỏ lỡ cơ hội giống mình nữa nên mình đã quyết định thành lập dự án Lean In để đồng hành cùng những bạn trẻ cần sự hỗ trợ”.
Dự án được chị Nhật chính thức xây dựng từ tháng 2/2021 và được đặt tên giống với cuốn sách yêu thích là Lean In. Vì là dự án phi lợi nhuận nên việc thu hút thành viên là một trở ngại lớn. Ban đầu chỉ có một mình chị Nhật tự lên kế hoạch và triển khai các hoạt động cho dự án. Đến tháng 8/2021, dự án có thêm 2 bạn đồng hành, phụ trách mảng nhân sự và nội dung. Trong hai tháng hoạt động gần đây, nhận thấy các các mentee (người học) tham gia ngày một nhiều, chị Nhật quyết định tuyển thêm thành viên Ban Tổ chức nòng cốt để có thể đảm bảo đủ nhân lực hỗ trợ các mentee. Trừ chị Nhật ra thì đa phần các thành viên trong Ban Tổ chức đều là các bạn học sinh, sinh viên.
Founder của dự án 'Lean In' từng tốt nghiệp với thành tích thủ khoa đầu ra (chuyên ngành Quản trị Nguồn nhân lực, trường ĐH Thương mại). |
“Mình thích làm việc với các bạn trẻ vì các bạn ấy rất giàu năng lượng, đây đồng thời cũng sẽ là cơ hội để các bạn trẻ này có thể thử sức và tích lũy kinh nghiệm trong việc quản lý nhân sự, tổ chức các sự kiện, thậm chí nhiều bạn có chất giọng tốt còn được mình mời làm MC dẫn các buổi talkshow cùng với các diễn giả khách mời”, chị Nhật bộc bạch.
Thành viên Ban điều hành của 'Lean In'. |
Những hoạt động chính của 'Lean In' xoay quanh đến lĩnh vực giáo dục, cụ thể là tổ chức các chương trình ngoại khóa, hỗ trợ ứng tuyển học bổng và củng cố kỹ năng mềm. Các chương trình ngoại khóa sẽ giúp các mentee tích lũy được kinh nghiệm thực tế, cũng như giúp các bạn có thể cởi mở hơn với mọi người.
Đối với việc ứng tuyển học bổng, mỗi tháng các mentor của Lean In sẽ đồng hành cùng với 4 bạn phù hợp. Mỗi bạn sẽ có tối đa 8 buổi được hướng dẫn bởi các mentor, nhiệm vụ của các mentor là giúp các ứng viên hoàn thiện hồ sơ chỉn chu nhất để vượt qua vòng chọn lọc hồ sơ của các trường đại học. Nếu học bổng phải trải qua nhiều vòng thì các mentor sẽ tiếp tục hỗ trợ các ứng viên về cả kiến thức và kinh nghiệm thực tế để tạo lợi thế cao nhất cho ứng viên. Còn ở hoạt động củng cố kỹ năng mềm, mỗi tháng Ban Tổ chức của 'Lean In' sẽ khảo sát mong muốn, nhu cầu của các mentee, từ đó sẽ lên kế hoạch tổ chức các buổi talkshow và mời diễn giả phù hợp với mong muốn của các bạn trẻ.
Buổi talkshow "Tuổi trẻ và nghề nghiệp" do 'Lean In' tổ chức. |
Việc truyền thông cho các hoạt động của 'Lean In' thông qua 2 nền tảng là Facebook và Instagram, đây là môi trường giúp các bạn trẻ cần sự hỗ trợ có thể tiếp cận dễ dàng. Kênh Instagram của 'Lean In' chủ yếu cung cấp thông tin về các hoạt động ngoại khóa và các xu hướng mà các bạn học sinh, sinh viên quan tâm. Còn ở kênh Facebook, thông thường chị Nhật và Ban Tổ chức sẽ dùng để giới thiệu các mentee mới trong tháng và những cảm nhận của các mentee khóa trước. Ngoài ra, đây cũng là phương tiện để 'Lean In' chia sẻ với các bạn trẻ nhiều kiến thức hay trong sách, cũng như đúc kết thông qua những chia sẻ từ các diễn giả trong những buổi talkshow mà 'Lean In' tổ chức.
Buổi họp trực tuyến của thành viên Ban Tổ chức 'Lean In'. |
“Trong tương lai mình và Ban Tổ chức mong muốn sẽ phát triển 'Lean In' chuyên nghiệp và lớn mạnh hơn nữa để có thể đồng hành với ước mơ của nhiều bạn trẻ hơn, đồng thời cũng sẽ cung cấp đến các bạn nhiều kinh nghiệm thiết thực hơn nữa”, chị Nhật tâm sự.