Dù tuổi đời còn khá trẻ, 9X Hồ Hữu Hải đã chịu khó bươn chải nhiều nghề khác nhau như giao hàng, bồi bàn, thợ cơ khí, nhân viên marketing… Với ý chí vươn lên làm giàu, anh không chịu dừng bước ở những công việc làm thuê mà quyết định khởi nghiệp với trang trại nuôi chim bồ câu tại quê nhà. Được hai người họ hàng chỉ dẫn, “rủ rê” mở trang trại vì thấy thị trường tiềm năng, anh Hải bắt tay vào thực hiện hóa mô hình chăn nuôi này.
Dẫu vậy, khởi đầu bao giờ cũng là giai đoạn khó khăn. Anh Hải chia sẻ: “Ban đầu, mình chưa có đủ kinh nghiệm, kĩ năng, vốn liếng dẫn đến thiệt hại về tiền bạc khá nhiều và thậm chí là không được gia đình ủng hộ. Đa phần mình đều phải tự lập trong mọi việc. Trước khi mở trang trại, mình đã tìm tòi trên mạng về các trang trại đang chăn nuôi bồ câu để học lấy kinh nghiệm".
Hồ Hữu Hải (phải) trong trang trại bồ câu của mình. |
Đợt chăn nuôi đầu tiên, anh “đánh cược” hết vào 500 cặp chim bồ câu siêu đẻ và Titan xám đá được nhập về từ Trung Quốc. Thế nhưng, kết quả lại không như ý muốn khi gần nửa số chim nhập về không may bị chết do không thích nghi nổi với khí hậu Việt Nam. Tiền vốn bỏ ra để mua thức ăn, thuốc... ngày một tăng, trong khi anh không thu về được bất cứ khoản tiền nào.
Thế nhưng, anh Hải nhất quyết không nản chí mà tiếp tục nghiên cứu, học hỏi thêm phương pháp mới để cải tạo giống. Sau này, anh Hải đã “đánh liều” cho lai hai giống chim bồ câu siêu đẻ và Titan xám đá với nhau và nhờ vậy, giống mới có chất lượng tốt hơn hẳn đã ra đời, khiến anh mở ra lối đi mới cho hành trình khởi nghiệp đầy sóng gió của mình.
Ngoài là tấm gương về thanh niên làm kinh tế giỏi tại địa phương, Hải còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. |
Ban đầu, việc thực hiện mô hình chăn nuôi – kinh doanh tại địa phương của anh Hải chỉ đơn thuần xuất phát từ mong muốn phụ giúp kinh tế gia đình. Sau 1 - 2 năm, quy mô trang trại gia đình phát triển lớn mạnh hơn nữa cũng là lúc anh Hải càng thêm khát khao đóng góp kinh nghiệm, kĩ thuật, nguồn giống và mô hình kinh tế nông nghiệp cho nền nông nghiệp quê hương nói riêng, nền nông nghiệp tại Bắc Giang nói chung. Bên cạnh những khó khăn, thách thức, anh Hải tự nhận thấy bản thân lĩnh hội được nhiều kiến thức, kinh nghiệm với ngành nghề mới. Trong quá trình khởi nghiệp với một nghề mạo hiểm, anh đã có dịp được thử thách bản thân.
Không chỉ dừng lại ở đó, việc trang trại Hải Âu của anh phát triển mạnh cũng tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương. Khi kinh tế ngày một ổn định, anh Hải cũng tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện tại quê nhà để giúp đỡ những mảnh đời còn khó khăn. Tất cả đều vì muốn quê hương mình thoát nghèo, phát triển hơn.
Anh Hải chia sẻ thêm: “Công việc trong ngành nông nghiệp rất nhạy cảm. Có thể hôm nay chăn nuôi bình thường nhưng biết đâu ngày mai đã bị một loại dịch bệnh nào đó xóa sổ dẫn đến trắng tay. Vậy nên, mình nghĩ bản lĩnh và sự kiên trì là điều quan trọng giúp mình không bỏ cuộc giữa chừng khi làm nông nghiệp. Bên cạnh đó, thế giới đang ngày càng tiến bộ và phát triển nên người nông dân cần chăm chỉ học hỏi, tiếp thu những cái mới để áp dụng vào nghề nông tại quê nhà".