Một lần đứng lại: Khi kỷ yếu là cách người trẻ chia tay thanh xuân

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Trong nhịp sống sinh viên hối hả, nơi thời gian trôi qua bằng những deadline và kế hoạch học hành kín lịch, chụp ảnh kỷ yếu đang trở thành một khoảnh khắc đặc biệt – khi người trẻ chọn đứng lại, sống chậm và trân trọng đoạn đường thanh xuân rực rỡ sắp khép lại.

Khi bức ảnh là lời chào tạm biệt

Phạm Phương Thiên (2003) – tân cử nhân Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở II TP. Hồ Chí Minh – nhớ lại lý do mình lựa chọn chụp ảnh giữa những ngày tất bật chuẩn bị tốt nghiệp: “Mình chụp kỷ yếu vì cảm giác... không thể bỏ lỡ ấy. Một ngày thức dậy, chợt nhận ra mình đang ở giao lộ đẹp nhất của tuổi trẻ – vừa háo hức mong chờ ngày mai, vừa tiếc nuối những ngày chưa kịp nắm chặt.”

Với Phương Thiên, bộ ảnh kỷ yếu không phải để “flex” trên mạng xã hội, không cần phải lung linh như tạp chí, mà chỉ cần đủ thật – thật để lưu giữ nguyên vẹn nụ cười tươi tắn, thật trong từng ánh mắt ngời sáng của một thời đã sống hết mình. “Mình muốn đến một lúc nào đó, khi 30 40 tuổi, lật lại bức ảnh này, vẫn thấy chính mình trong đó – một cô gái trẻ trung, hồn nhiên và một tuổi trẻ rực rỡ đến lạ,” Thiên chia sẻ.

Một lần đứng lại: Khi kỷ yếu là cách người trẻ chia tay thanh xuân ảnh 1
Một lần đứng lại, để thanh xuân được nhìn rõ hơn. Trong khoảnh khắc tưởng chừng lướt qua ấy, Phương Thiên nhận ra: mình đang đứng ở giao lộ đẹp nhất đời – nơi tuổi trẻ vừa rực rỡ, vừa sắp sửa khép lại.

Còn với Nguyễn Minh Nhựt (2003) – người bạn cùng trường – kỷ yếu là một cột mốc nhất định phải có, như cách đánh dấu đoạn kết của hành trình mang tên “đại học”. “Ở FTU, tụi mình quá bận – học nhóm, thuyết trình, chạy dự án, thực tập... Nên ngày chụp kỷ yếu là lần hiếm hoi cả nhóm sống chậm lại, nhìn nhau đủ lâu để cảm nhận: chúng mình đã thật sự đi cùng nhau một đoạn đường đẹp đến thế.”

Không chỉ là bức ảnh, mà còn là cảm xúc

Giữa thời đại mà mỗi chiếc điện thoại đều có thể trở thành máy ảnh, người trẻ vẫn tìm đến những bộ ảnh kỷ yếu chuyên nghiệp. Không phải vì họ không thể tự chụp, mà vì có những khoảnh khắc cần được giữ lại bằng tất cả sự chỉn chu, tử tế và rung động của trái tim.

Một lần đứng lại: Khi kỷ yếu là cách người trẻ chia tay thanh xuân ảnh 2
Không cần lung linh, chỉ cần đủ thật – để sau này thấy lại, vẫn thấy rõ nụ cười từng rạng rỡ trong mùa chia tay.

Lê Hoài Anh Tuấn – chàng nhiếp ảnh gia sinh năm 2000 với nghệ danh “Đét Đùy” thân quen trong giới chụp ảnh kỷ yếu chia sẻ rằng: “Chụp thì dễ, chụp đẹp mới khó, phải chụp sao cho cảm xúc thật sự hiện lên trong từng khung hình mới là điều đáng giá nhất.” Với anh, một bộ ảnh kỷ yếu không chỉ là câu chuyện về kỹ thuật ánh sáng, góc chụp, mà là hành trình đồng hành cùng cảm xúc của người trong ảnh.

Một lần đứng lại: Khi kỷ yếu là cách người trẻ chia tay thanh xuân ảnh 3
Có những cảm xúc cần được chụp bằng cả tấm lòng. Với nhiếp ảnh gia Anh Tuấn (Đét Đùy), kỷ yếu không phải là ảnh đẹp – mà là ảnh có hồn. Hồn từ câu chuyện, từ ánh mắt, từ tiếng cười đã từng cùng nhau đi qua.

Tuấn không chụp ảnh kiểu “đến là chụp, tạo dáng rồi đi”. Anh dành thời gian trò chuyện với nhóm bạn, hỏi về lần đầu họ gặp nhau, những kỷ niệm đáng nhớ, những thứ mà họ muốn mang theo trong bức ảnh. Tất cả những điều ấy, ghép lại thành câu chuyện riêng của mỗi bộ ảnh. Điều đó minh chứng rằng, trong một thế giới số hóa và chóng vánh, người trẻ vẫn cần những thứ chân thành. Một bộ ảnh kỷ yếu không chỉ để nhìn, mà để cảm – cảm nhận lại cả một đoạn tuổi trẻ đã đi qua, với đầy đủ tiếng cười, nước mắt và tình bạn vô giá.

Ngày ấy, bạn và tôi

Với nhiều sinh viên, ngày chụp kỷ yếu là ngày hiếm hoi mọi người cùng nhau… không làm gì cả, ngoài cười, tạo dáng, ôn chuyện cũ. “Giống như tụi mình cuối cùng cũng có cơ hội thở một hơi dài, ngước nhìn lên trời và nói: ‘Wow, tụi mình đã đi được một chặng đường thật tuyệt rồi đấy!’” – Phương Thiên xúc động nói.

Còn với Minh Nhựt, khoảnh khắc xúc động nhất là khi nhóm cùng đội mũ cử nhân, chỉnh sửa cho nhau và đứng tạo dáng trước thần đá biểu tượng của trường. “Nhìn ai cũng cười, nhưng trong ánh mắt lại thoáng chút buồn – như ngầm hiểu rằng: ngày mai, chúng ta không còn đi học cùng nhau nữa.”

Một lần đứng lại: Khi kỷ yếu là cách người trẻ chia tay thanh xuân ảnh 4
Ngày hôm đó, họ không còn là sinh viên tất bật, mà là những người bạn đứng cạnh nhau – cười, ôm, và sống chậm lại.

Có những điều rất đỗi giản dị, nhưng lại đong đầy yêu thương. Cũng như bộ ảnh kỷ yếu của nhóm bạn trẻ này – chẳng cần concept cầu kỳ hay phông nền rực rỡ, chỉ là áo cử nhân đỏ kết hợp đen, vừa truyền thống vừa năng động, đủ để ai nhìn vào cũng thấy tuổi trẻ đang mỉm cười.

“Chúng mình chọn chụp tại chính ngôi trường thân quen – nơi mỗi hành lang, dãy bàn ghế, bậc cầu thang hay quán nước trước cổng đều lưu giữ một phần ký ức. Ở đó, chúng mình từng tranh luận sôi nổi, từng nản chí rồi động viên nhau, từng mơ ước và cùng nhau bước từng bước để biến giấc mơ thành hiện thực,” Nhựt bồi hồi kể lại.

Một lần đứng lại: Khi kỷ yếu là cách người trẻ chia tay thanh xuân ảnh 5
Không cần concept cầu kỳ, chính lớp học mới là “phông nền” xúc động nhất.

Kỷ yếu – tấm vé không ngày hết hạn để trở về thanh xuân

Điều đáng nhớ nhất với Phương Thiên và Minh Nhựt không phải là concept ảnh, ánh sáng hay góc máy – mà là những con người đã từng đi cùng nhau qua một thanh xuân rực rỡ. Đó là nhóm bạn từng cùng thức khuya ôn thi, chia sẻ bài giảng, cùng nhau lo thực tập, xin việc... và rồi một ngày nọ, cùng nhau đứng trước ống kính để lưu lại những ngày cuối cùng của đời sinh viên.

Một lần đứng lại: Khi kỷ yếu là cách người trẻ chia tay thanh xuân ảnh 6
Từ những buổi học sớm, những lần ôn thi khuya đến ánh mắt, nụ cười quen thuộc… tất cả được gói ghém trong một album mang tên “rực rỡ một thời”.

“Bộ ảnh này sẽ mãi là ‘cửa thời gian’ để tụi mình trở về – với những buổi sáng không cần báo thức vẫn dậy sớm đi học, với những lần cười ngặt nghẽo vì đứa bạn nhắm mắt trong ảnh, với cái cảm giác nhẹ tênh mà đầy yêu thương của một thời chưa quá nhiều vướng bận,” Thiên xúc động nói.

Nhiếp ảnh gia Đét Đùy – người đứng sau ống kính – cũng chia sẻ: “Kỷ yếu đại học là bộ ảnh ghi lại cảm giác ‘thuộc về’ – thuộc về một nơi, một nhóm người, một đoạn thanh xuân. Dù ảnh có thể không hoàn hảo về kỹ thuật, nhưng nếu bắt được đúng cảm xúc, nó sẽ trở thành điều đẹp nhất theo cách riêng của từng người.”

Một lần đứng lại: Khi kỷ yếu là cách người trẻ chia tay thanh xuân ảnh 7
Dù không thể quay lại, nhưng chỉ cần mở album ấy ra, bạn sẽ thấy: thanh xuân vẫn ở đó – dịu dàng mỉm cười với chúng ta.

Dù sống trong thời đại số, nơi người trẻ có thể chụp hàng trăm bức ảnh mỗi ngày, thì những khoảnh khắc như kỷ yếu vẫn có chỗ đứng rất riêng. Bởi không phải lúc nào cũng có thể gom đủ những con người ấy, trong một ngày chẳng còn vội, để cùng mặc áo cử nhân, cùng ôn lại kỷ niệm, cùng nắm tay nhau mà chụp một bức ảnh cuối cùng dưới tên gọi “sinh viên”.

Khi những deadline cuối cùng khép lại, bảng điểm đã in, lớp học đã trả, bài thuyết trình cuối cùng đã được chấm điểm – bộ ảnh kỷ yếu bỗng trở thành một tấm vé không ngày hết hạn. Không phải để níu kéo quá khứ, mà để nhắc mình rằng: mình đã từng sống một thời thật rực rỡ, và thanh xuân ấy – dẫu không quay lại – vẫn còn ở đó, trong từng khung hình của chúng ta.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Trung tá Hoàng Trường Giang – Nhà báo nặng lòng với những phận đời yếu thế

Trung tá Hoàng Trường Giang – Nhà báo nặng lòng với những phận đời yếu thế

SVVN - Trung tá, nhà báo Hoàng Trường Giang đã có 18 năm công tác tại Báo Quân đội nhân dân, tờ báo hai lần anh hùng của những người cầm bút hai lần chiến sĩ. Và cũng trong từng ấy năm, anh lặng lẽ thực hiện hàng chục công trình thiện nguyện, giúp đỡ hàng vạn trẻ em nghèo có thêm cơ hội đến trường, nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ... Với anh, công việc làm báo không chỉ để phản ánh thông tin, mà còn để kết nối, sẻ chia và nhân lên những điều tử tế.
Nguyễn Đắc Quý – Chàng trai Huế thắp sáng những phận đời lặng thầm

Nguyễn Đắc Quý – Chàng trai Huế thắp sáng những phận đời lặng thầm

SVVN - Không ồn ào, chẳng phô trương, Nguyễn Đắc Quý – một chàng trai gốc Huế – đang lặng lẽ vun đắp hành trình thiện nguyện giữa lòng Sài Gòn. Ở tuổi chưa tròn 30, Quý đã kết nối hàng ngàn tình nguyện viên và trở thành một nhân tố nòng cốt của Quỹ Từ thiện & Bảo trợ Xã hội Vầng Trăng Khuyết.
'Tôi lựa chọn trở về': Hành trình ngược chiều giữa thời đại số

'Tôi lựa chọn trở về': Hành trình ngược chiều giữa thời đại số

SVVN - Trong khi nhiều người trẻ đổ ra thành phố để tìm kiếm cơ hội lập nghiệp, Quang Hải – một chàng trai quê ở Hòa Bình – lại chọn cách quay về. Từ bỏ cuộc sống đầy đủ ở Hà Nội, anh tìm lại chính mình nơi thôn dã, bắt đầu lại bằng những điều bình dị nhất. Cuộc hành trình ngược dòng ấy không hề dễ dàng, nhưng chính sự chậm rãi, kiên nhẫn và chân thành đã giúp anh khơi mở một cuộc đời đáng sống hơn.
Hãy để thành công đến đúng lúc: Hành trình bứt phá của chàng sinh viên trường làng

Hãy để thành công đến đúng lúc: Hành trình bứt phá của chàng sinh viên trường làng

SVVN - Không có điểm xuất phát thuận lợi, không nổi bật giữa bạn bè đồng trang lứa, nhưng Đàm Đức Bình (2001) – cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại thương – đã chọn cho mình một lối đi khác: âm thầm học hỏi, kiên nhẫn trau dồi, và đợi đến ngày bản thân sẵn sàng ‘bung sức’. Ba năm lặng lẽ không khiến Bình chùn bước, ngược lại, đó chính là nền móng cho cú bứt phá ngoạn mục ở năm cuối đại học – mở ra cánh cửa bước vào chương trình thạc sĩ tại VinUniversity.
Giải Pickleball Việt Nam – Cúp Hyundai Thành Công 2025: Bước ngoặt của một môn thể thao mới tại Việt Nam

Giải Pickleball Việt Nam – Cúp Hyundai Thành Công 2025: Bước ngoặt của một môn thể thao mới tại Việt Nam

SVVN - Giải Pickleball Việt Nam – Cúp Hyundai Thành Công 2025 chính thức khởi động tại Hà Nội, đánh dấu lần đầu tiên một giải đấu quy mô lớn của bộ môn Pickleball được tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện hứa hẹn tạo cú hích thúc đẩy phong trào thể thao mới mẻ này lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Những giai điệu cất lên nơi giường bệnh: Trần Nghiên và hành trình chữa lành bằng âm nhạc

Những giai điệu cất lên nơi giường bệnh: Trần Nghiên và hành trình chữa lành bằng âm nhạc

SVVN - Đối mặt với căn bệnh ung thư khi đang ở độ tuổi đẹp nhất, Trần Nghiên - nữ nghệ sĩ tự do - vẫn không cho phép bản thân mình gục ngã. Thay vì để nỗi đau giết chết tinh thần, cô tìm thấy nguồn sức mạnh trong âm nhạc và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, như một minh chứng sống động cho sức mạnh tinh thần vượt lên trên mọi nghịch cảnh.