Đi tìm những gì bị lãng quên
Trước khi “dấn thân” vào việc sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, chị Hiền đã dành 15 năm làm Kỹ sư Điện tử tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Sau đó, năm 2019, chị đã gác lại tất cả và đi theo tiếng gọi của đam mê để chuyển sang mở một xưởng thủ công mỹ nghệ nhỏ mang tên Lũa Decor (217A Trường Chinh, Hà Nội). Nói về quyết định rẽ hướng này, chị chia sẻ: “Mình thật sự rất tâm huyết với những gì mình đang làm”.
Theo chị, hiện nay thủ công mỹ nghệ Việt Nam nói chung và lĩnh vực decor nói riêng đa phần vẫn đi theo lối mòn nên cần tìm được nguyên vật liệu độc đáo để có sự đột phá trong sản xuất. Chị tâm niệm, những vật dụng làm bằng thủy tinh, gốm sẽ không có độ bền; bằng tre hay gỗ thì sẽ phải chặt cây xanh... Tình cờ biết đến gỗ lũa là phần lõi còn sót lại của các cây cổ thụ quý hiếm đã chết lâu năm và nằm sâu trong rừng đến mức gần như bị lãng quên, chị quyết định làm một công cuộc tái sinh và gửi gắm “linh hồn” vào từng khối gỗ lũa để làm nên những sản phẩm độc đáo tại Lũa Decor. Chị Hiền cho hay: “Khi lũa được khai thác lên từ lòng đất, vùng đất đó sẽ được giải phóng để cây mới mọc lên, hoặc trồng rừng mới. Việc khai thác lũa gần như không ảnh hưởng đến môi trường mà còn góp phần nhỏ nhoi giúp người dân vùng núi khai thác rừng và phát triển bền vững”.
Một sản phẩm do "Lũa Decor" tạo tác theo phong cách thiền. (Ảnh: NVCC) |
Để cho ra đời những sản phẩm sáng tạo và đa dụng, chị Hiền và các cộng sự của mình trước hết phải mất nhiều thời gian ở công đoạn khai thác và xử lí thô do lũa được ngâm trong bùn, nước dưới lòng đất. Ngoài ra, các sản phẩm làm từ gỗ lũa phải được thiết kế và chế tác thủ công hoàn toàn. “Hơn cả vậy, những nghệ nhân làm việc tại Lũa Decor đều là những thợ mộc và chưa làm việc với gỗ lũa cũng như chưa hiểu về tinh thần sản phẩm, nên mình cũng phải dành thời gian để đào tạo cho họ”, chị Hiền chia sẻ.
Với những nỗ lực đáng ghi nhận, những sản phẩm của Lũa Decor như bát lũa, bình hoa, trà cụ, bàn, đèn lũa… luôn được mọi người yêu mến bởi phong cách thiết kế đẹp mắt, độc bản và còn chứa đựng yếu tố phong thủy. Trong đó, phải kể đến sản phẩm được chị Hiền đặt hết tình cảm vào là tiểu cảnh thiền. Chị Hiền cho biết, tiểu cảnh thiền có sự kết hợp giữa gỗ lũa với tượng thiền và cây xanh được trồng theo phương pháp kokedama của Nhật bản. Chị Hiền chia sẻ: “Tiểu cảnh thiền có thể cân bằng tâm trí con người, hướng họ đến cuộc sống thanh tịnh theo triết lý nhà Phật là từ bi, hỷ xả, bác ái. Không chỉ mang lại góc bình an, thiền tịnh trong không gian sống, tiểu cảnh thiền còn thể hiện sự hài hòa tuyệt đối với thiên nhiên, với nhiều gửi gắm an lành may mắn cho gia chủ”. Rất nhiều gia đình đã dành lời khen cho tiểu cảnh thiền cũng như các sản phẩm được bày bán tại Lũa Decor. Đặc biệt, vào dịp Tết 2021, một tập đoàn lớn đã đặt mua rất nhiều tiểu cảnh thiền của Lũa Decor để làm quà tặng đối ngoại. “Đây thực sự là hạnh phúc rất lớn đối với mình”, chị Hiền bộc bạch.
Bát lũa - một trong những sản phẩm ấn tượng tại Lũa Decor. (Ảnh: NVCC) |
Lối sống tối giản từ việc cắm hoa
Theo lịch trình 3 buổi/tuần, lớp học cắm hoa Ikebana của chị Hiền luôn đều đặn diễn ra (trừ những thời gian dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp). Những học viên của tại lớp học của chị không chỉ có dân văn phòng mà còn cả những người trẻ, tiêu biểu là một cô bé 14 tuổi và những du học sinh trở về nước do dịch COVID-19. Nói về lý do mở lớp học, chị Hiền thổ lộ: “Ngày còn bé, lúc sống ở Huế, mình đã được tiếp xúc với việc cắm hoa nên sinh ra niềm yêu thích với bộ môn này. Có những thời gian bị stress dài làm mình nhận thấy cắm hoa là thứ giúp mình giải tỏa. Cắm hoa không chỉ là làm đẹp mà còn tự tạo ra cho mình hoócmôn hạnh phúc”.
Chị cho biết, nghệ thuật cắm hoa Ikebana là một môn nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản. Loại hình nghệ thuật này chú trọng đến sự tổng hòa của nguyên liệu, bình đựng và không gian đặt bình hoa. Tuy vậy, ở Nhật, đã có một thời gian dài Ikebana chỉ được truyền bá trong tầng lớp cao quý với nhiều quy tắc, quy định cầu kỳ về hoa lá, bình lọ, và cả nội thất nơi trưng bày tác phẩm... Vì thế, khi biết đến Ikebana hiện đại, tức trường phái Sogetsu, chị Hiền đã ấp ủ mong ước “Việt hóa” loại hình nghệ thuật này trong lớp học của mình. “Với Ikebana, mình đã thêm một lần nữa áp dụng triết lý wabi sabi của người Nhật, tức thấy cái đẹp trong những điều không hoàn hảo, như lũa. Mình không cần phải sử dụng những nguyên liệu ngoại nhập, mình cũng có thể cắm bằng bất kể bình lọ nào và đặt bình hoa của mình bất kỳ đâu... Đặc biệt, thay cho những bình hoa làm bằng gốm sứ, bình hoa chế tác từ lũa sẽ mang lại cảm giác an hoà mộc mạc và có độ bền vững hơn”. Thông qua những buổi học, chị Hiền mong có thể truyền cảm hứng cho học viên để họ thấy cắm hoa không chỉ là thực hành và nâng cao thẩm mĩ mỗi cá nhân mà còn hướng con người đến chủ nghĩa tối giản, tức biết loại bỏ những thứ thừa thãi, tập trung vào những gì quan trọng và cần thiết để có một lối sống tinh tế và an yên.
Một buổi dạy cắm hoa của chị Hiền. (Ảnh: NVCC) |
Với tiêu chí tạo ra những sản phẩm đa năng nhưng độc bản, tiện dụng nhưng trường tồn, hiện đại sang trọng nhưng vẫn mộc mạc, chị Hiền đã gửi gắm vào từng sản phẩm những bài học sống quý giá. “Mình hy vọng việc chiêm nghiệm triết lý sống qua những sản phẩm của lũa và nghệ thuật Ikebnana hiện đại, mọi người sẽ dần bớt được vội vã để thêm khoan thai, bớt hỗn loạn để thêm bình lặng, bớt phức tạp để rõ ràng và bớt lý trí để thêm tâm hồn nhằm giữ cho tâm bình thản và hoà hợp với cuộc sống không hoàn hảo”, chị Hiền nhắn nhủ.
Là một nghệ sĩ sắp đặt, nghệ sĩ cắm hoa nghệ thuật Ikebana hiện đại theo trường phái Sogetsu, chị Hiền đã năng động tham gia nhiều triển lãm và hoạt động trình diễn trong và ngoài nước. Chị cũng đạt được những giải thưởng ấn tượng như: Giải Vàng ikebana quốc tế 2020, Giải Đồng Ikebana quốc tế 2020 và Giải People choice Ikebana quốc tế 2019