Họa sĩ “nấu ăn” bằng giấy và màu vẽ
Lê Rin chia sẻ anh đang là một Food Illustrator toàn thời gian, hay còn gọi là họa sĩ minh họa ẩm thực. Đối với anh, Food Illustrator giống như một đầu bếp, chỉ khác ở chỗ thực khách ở đây là những đôi mắt thay vì bao tử và nguyên liệu nấu ăn lại là màu và giấy.
Anh cho biết, công việc cụ thể của một Food Illustrator là vẽ lại những món ăn. Thông thường, nếu không nhận những yêu cầu từ khách hàng, anh sẽ tự chọn món ăn và vẽ. Khách hàng của anh đa phần là những nhà hàng, đầu bếp. Hoặc với người muốn quảng bá món ăn dưới dạng mỹ thuật thay vì ảnh thì sẽ tìm đến anh để đặt vẽ.
Các loại bánh canh Việt Nam qua nét vẽ của Lê Rin. |
Để có một bức tranh ngon thì phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, Lê Rin phải tìm hiểu kỹ về cách chế biến món ăn để hiểu rõ được các nguyên liệu, màu sắc chính xác sau khi món ăn được nấu chín. Tiếp theo là bước phác thảo chì mà anh cho là khó nhất khi phải xác định mình sẽ vẽ gì, vẽ như thế nào, trình bày món ăn theo góc độ nào là “ngon” nhất. Sau đó là bước lên màu và đưa tranh lên máy tính bằng cách scan tác phẩm.
Sau khi hoàn thành những công đoạn trên, Lê Rin sẽ có được một bức tranh thật “ngon”. “Một bức tranh ẩm thực đạt chuẩn là tranh mà ta vừa nhìn vào sẽ nhận ra được đó là món gì. Và để đạt đến chữ “ngon”, bức tranh phải rực rỡ về màu sắc, sạch sẽ và nổi bật lên những nguyên liệu của món ăn”, Lê Rin chia sẻ.
Hương vị bánh Tết cổ truyền qua tranh vẽ của Lê Rin. |
Đặc biệt ở tranh của Lê Rin là những yếu tố truyền thống của Việt Nam được lồng ghép khéo léo. Chẳng hạn, khi vẽ món bún đậu mắm tôm thì anh sẽ chú ý sử dụng chiếc mẹt tre truyền thống. Ngoài ra, anh cũng thường vẽ tô, chén với họa tiết đặc trưng của Việt Nam trong tác phẩm của mình.
Tất cả bắt đầu từ “một cuộc chạy trốn”
Năm 2016, cảm thấy mình không muốn tiếp tục công việc văn phòng, Lê Rin xin nghỉ việc và bắt đầu một chuyến du lịch "bụi" từ TP. HCM ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Trước là để giải tỏa mệt mỏi, sau là để thỏa đam mê du lịch của bản thân.
Trở về sau khi được nếm thử những món ăn ngon từ TP. HCM ra Quảng Ngãi, chàng trai nảy ra ý tưởng thực hiện một quyển sách chia sẻ về những món ăn của Việt Nam đến với mọi người. Nhờ nền tảng là sinh viên ngành Mỹ thuật Công nghiệp, anh bắt tay thực hiện artbook Việt Nam Miền Ngon, với chủ đề những món ăn truyền thống của Việt Nam như canh chua cá bớp, bánh mì, bánh khọt…
Một trang của artbook Việt Nam dọc miền du ký của Lê Rin. |
Artbook Việt Nam Miền Ngon xuất bản và nhận được sự đón nhận từ công chúng. Song song đó, anh còn viết thêm sách song ngữ Anh - Việt để bán cho người nước ngoài nhằm quảng bá món ăn Việt đến với bạn bè thế giới.
Sau khi các tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt, Lê Rin quyết định bắt tay vào làm một Food Illustrator toàn thời gian và nhận minh họa các món ăn theo đơn đặt hàng. Thời gian đầu luôn đầy những khó khăn vì Food Illustrator là một nghề còn mới ở Việt Nam, Lê Rin cũng gặp khó về vấn đề khách hàng. Thời gian sau, anh đã được biết đến nhiều hơn nhờ những bức tranh ngon mắt, tươi sáng và công việc cũng dần ổn định.
Năm 2020, Lê Rin cho ra mắt thêm quyển Việt Nam dọc miền du ký (tập 1). “Tác phẩm này là những bức tranh về ẩm thực, du lịch, văn hóa ở cả 63 tỉnh, thành của Việt Nam. Đây sẽ là một dự án dài hơi vì ở tập 1 mình chỉ mới thực hiện được 8 tỉnh thôi”, Lê Rin chia sẻ. Anh cũng "bật mí" tập 2 đã hoàn thành nhưng chưa xuất bản được vì COVID-19.
Trang Instragram của Lê Rin hiện đang tổ chức chương trình Your Food My Challenge với mong muốn người theo dõi nước ngoài có thể yêu cầu anh vẽ lại các món ăn đặc trưng của quốc gia họ. “Mình muốn không những quảng bá ẩm thực Việt Nam với bạn bè thế giới mà còn chia sẻ ẩm thực của thế giới đến với người Việt”, anh trải lòng về mục đích của dự án.