Giải Nhất của EPICS năm nay thuộc về dự án Xe lăn điện (Electrical wheelchair) của nhóm LHU TEAM 2 thuộc trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai). Đó là một chiếc xe lăn cho người khuyết tật. Nhưng khác hẳn với những chiếc xe trên thị trường, được tích hợp pin mặt trời và có thể điều khiển bằng tai nghe. Dự án được thực hiện bởi các sinh viên khoa Cơ điện - Điện tử gồm Trần Thị Mỹ Ngọc, Phan Thị Thanh San, Trần Trọng Bằng, Đặng Ngọc Tài, Bùi Thị Diễm, Vương Thị Ngọc Hân.
Nhóm LHU TEAM 2 với dự án xe lăn điện cho người khuyết tật. |
Để giúp đỡ nhóm người khuyết tật chi dễ dàng sinh hoạt và mưu sinh, nhóm đã mang đến giải pháp về xe lăn điện với những cải tiến về tiện nghi so với thiết bị hiện có và giá thành phù hợp. Trần Thị Mỹ Ngọc chia sẻ, từ THPT đã có ý tưởng về chiếc xe lăn thông minh cho người khuyết tật nhưng chưa đủ khả năng để thực hiện. Dự án của nhóm xuất phát từ thực tế là lượng xe lăn cho người khuyết tật hiện rất nhiều nhưng sử dụng lãng phí, nhiều xe bỏ không. Nhóm đã tận dụng lượng phương tiện dư thừa này và sử dụng phương pháp cải tạo để tạo ra công năng mới. Nhóm đã gắn thêm 2 động cơ vào 2 bánh sau truyền động theo phương pháp đai xích.
Xe có 2 chế độ điều khiển để người dùng có thể chọn: bằng tay cầm và tai nghe có sẵn cảm biến. Khi chọn chế độ điều khiển, bộ xử lý sẽ nhận tín hiệu và phân tích yêu cầu người dùng để điều khiển 2 động cơ chạy bằng ắc quy đặt ngay dưới ghế ngồi. Ngoài ra xe còn trang bị thêm một pin năng lượng mặt trời phía trên, vừa có thêm nguồn điện vừa làm mái che nắng. Xe có giá thành rẻ hơn xe điện nhập khẩu khoảng 7-8 lần, thiết bị thay thế dễ dàng và nhanh chóng.
ThS Trần Văn Thành, giảng viên khoa Cơ điện – Điện tử, trường ĐH Lạc Hồng nhận xét: “Ngoài ý nghĩa khoa học, các bạn sinh viên còn gửi gắm những thông điệp nhân văn cho nhóm người yếm thế được chăm sóc và quan tâm tốt hơn nữa. Một sản phẩm khoa học sẽ mang ý nghĩa nhiều hơn khi nó mang trong đó mục tiêu phát triển cộng đồng”.
Dự án Áo khoác an toàn (Safety coat) của nhóm UFO trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng giành giải Nhì cũng hướng sự quan tâm đến những người khó khăn khác. Ý tưởng chế tạo Safety Coat của nhóm hướng đến đối tượng là các tài xế xe ôm (công nghệ và truyền thống).
Nhóm UFO trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵn) và sản phẩm áo khoác an toàn. |
Theo nhóm, những tài xế này đa phần gia cảnh khó khăn, thường hoạt động xuyên ngày đêm trên nhiều địa bàn và thời gian khác nhau. Họ có thể gặp nguy hiểm từ thời tiết, mối đe dọa từ cướp giật, tai nạn v..v. Đã có nhiều vụ án thương tâm mà nạn nhân là các tài xế đã bị cướp và giết.
Safety Coat trông như một chiếc áo khoác thông thường nhưng bên trong có thêm lớp vải chống đâm, cắt, có thể giảm thiểu nguy cơ bị tấn công bất ngờ từ sau. Áo cũng được trang bị định vị GPS để có thể kích hoạt chế độ gửi tín hiệu cấp cứu (S.O.S) khi hoảng loạn.
“Trong tương lai, Safety Coat sẽ được cải tiến cả về tính năng kỹ thuật và thời trang để cả phụ nữ và trẻ em đều có thể sử dụng được. Chúng mình muốn sản phẩm này đến được rộng rãi trong cộng đồng”, đại diện nhóm chia sẻ.
Trong khi đó, dự án “Máy sấy nhà kính năng lượng mặt trời thông minh (Smart Greenhouse Solar Dryer) đoạt Giải Ba thuộc về nhóm HCMUT TEAM 4 đến từ trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM). Dự án với mục tiêu tạo ra phương pháp sấy mới cho nông hải sản, với ưu điểm là tiết kiệm nhân công, thời gian mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh.
Sinh viên trường ĐH Bách Khoa TP.HCM thuyết trình về dự án máy sấy thông minh. |
Theo đại diện nhóm, nông ngư dân vẫn thường sử dụng phương pháp sấy tự nhiên dùng ánh nắng mặt trời để sấy cá, tôm và các loại nông sản khác. Phương pháp này có ưu điểm là tiết kiệm chi phí nhưng nhược điểm là khó đảm bảo vệ sinh thực phẩm, lại tốn quá nhiều nhân công, phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết. Đôi khi gặp mưa bất chợt khiến sản phẩm dễ hư hỏng.
Hệ thống sấy của các bạn sinh viên ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) được tích hợp với 4 tính năng chính: sấy trục xoay, khử vi sinh, giám sát và điều khiển từ xa, phân tích dữ liệu và dự báo. Công nghệ sấy nhà kính có nhiều ưu thế hơn so với các phương pháp sấy hiện có như có thể sấy được với sản lượng, diện tích lớn nhưng giảm tiêu hao nhiều về nhiên liệu, điện năng, không gây ô nhiễm môi trường.
EPICS được thành lập tại ĐH Purdue vào năm 1995 và kể từ đó đã lan rộng đến các trường đại học ở Hoa Kỳ và các nước khác. Từ năm 2017, Văn phòng Đại diện Đại học Bang Arizona tại Việt Nam đã cùng với các trường đại học Việt Nam lập mô hình chương trình EPICS để mở rộng năng lực triển khai các chương trình học tập đa ngành dựa trên dự án sáng tạo.
Đây là mô hình học tập phục vụ cộng đồng được công nhận quốc tế - Sinh viên tham gia học bằng cách xây dựng dự án nguyên mẫu sáng tạo để giải quyết các vấn đề xã hội.
Chương trình diễn ra trong 12 tuần liên tiếp, sinh viên được sự hướng dẫn của các chuyên gia, giảng viên để trải nghiệm quy trình Design Processing, qua đó tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu (needs) của cộng đồng, đề xuất giải pháp sáng tạo kỹ thuật và đánh giá hiệu quả thông qua người dùng để liên tục cải tiến từ phản hồi đi đến hoàn thiện sản phẩm cuối cùng