Nguyên nhân của động thái này được đưa ra là do Telegram thiếu tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về viễn thông, đặc biệt là không kiểm tra, giám sát, loại bỏ hoặc ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên ứng dụng. Đại diện Cục Viễn thông cho biết, Telegram là ứng dụng duy nhất không chấp hành thủ tục thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam, trong khi Zalo, Viber, Facebook Messenger, Whatsapp đều đã thực hiện.
Trước yêu cầu này, cộng đồng người dùng tại Việt Nam thể hiện nhiều quan điểm trái chiều. Nhiều người bày tỏ sự đồng thuận với việc chặn Telegram, xuất phát từ những lo ngại về nội dung độc hại, bạo lực, khiêu dâm và tình trạng lừa đảo trực tuyến trên nền tảng này. Tuy nhiên, cũng có không ít người cảm thấy tiếc nuối vì những ưu điểm nổi bật mà Telegram mang lại.
Những rủi ro từ "mặt tối" của Telegram
Những người ủng hộ việc ngăn chặn nhấn mạnh rằng ứng dụng Telegram tiềm ẩn nhiều rủi ro về lừa đảo, chia sẻ nội dung độc hại và vi phạm pháp luật. Bạn Trọng Huân chia sẻ câu chuyện của mình khi vừa "bay" mất một số tiền lớn vì bị dẫn dụ sang Telegram bởi một nhóm giả danh đơn vị du lịch. Anh chàng cho rằng chính việc chuyển sang kênh liên hệ Telegram là lúc bị "sập bẫy".
Tính năng bảo mật cao và mã hóa đầu cuối vốn được xem là ưu điểm, nhưng lại bị nhiều người nhìn nhận là con dao hai lưỡi, khiến Telegram trở thành nơi "trú ẩn" cho nhiều hoạt động bất hợp pháp.
Bạn Thanh Hằng (Hà Nội) cũng đồng tình rằng việc chặn Telegram là cần thiết và nên thực hiện càng sớm càng tốt. Cô nàng nhấn mạnh ứng dụng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo khi kẻ gian có thể dễ dàng ẩn danh và thay đổi danh tính chỉ trong chớp mắt: "Kẻ lừa đảo sau khi thực hiện hành vi xong chỉ việc nhấn nút biến mất, khiến việc truy tìm gần như là bất khả thi", Hằng chia sẻ.
![]() |
Hằng cho biết Telegram chứa nhiều nội dung lừa đảo. |
Chị Mai Lan (Thanh Trì, Hà Nội) từng là người dùng trung thành của Telegram, đã quyết định xóa ứng dụng sau khi liên tục bị mời vào các nhóm chứa nội dung "nhạy cảm". Chị cho biết bản thân hoàn toàn ủng hộ việc Nhà nước chặn ứng dụng này. Anh Nam Sơn, một người dùng khác, chia sẻ rằng phần lớn các nhóm trên Telegram đều liên quan đến khiêu dâm, cờ bạc, thậm chí là môi giới mại dâm, tuyên truyền thông tin lệch lạc, phản động. Theo anh, Telegram đã bị biến tướng thành nơi hoạt động của các đường dây phi pháp, việc chặn ứng dụng là cần thiết để bảo vệ cộng đồng.
![]() |
Chị Mai Lan ủng hộ quyết định chặn Telegram. |
Số liệu từ Cục An toàn thông tin cũng củng cố những lo ngại này: trong số hơn 9.000 nhóm/kênh Telegram đang hoạt động tại Việt Nam, có đến 6.900 nhóm/kênh chứa nội dung vi phạm pháp luật, bao gồm lừa đảo đầu tư tài chính, quảng bá chất cấm, phát tán tài liệu chống phá nhà nước, hoạt động rửa tiền và nhiều hành vi khác. Sự phát triển của các nhóm ngầm và hoạt động trái pháp luật này phần lớn là do Telegram không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, không phối hợp xử lý nội dung độc hại khi được yêu cầu và từ chối xóa bỏ các nhóm vi phạm. Đây là lý do chính khiến cơ quan chức năng quyết định phải hành động mạnh tay.
Bạn Quang Huy (23 tuổi, nhân viên IT tại Hà Nội) "không ngạc nhiên khi Telegram bị đưa vào tầm ngắm" và nhận định rằng "tự do không đi kèm kiểm duyệt sẽ dẫn đến hệ lụy".
Tiếc nuối vì những ưu điểm và thách thức tìm kiếm sự thay thế
Ở chiều ngược lại, nhiều bạn trẻ lại bày tỏ sự tiếc nuối khi nghe thông tin. Họ ghi nhận những ưu điểm nổi bật của ứng dụng này như giao diện thân thiện, tốc độ nhanh, cho phép gửi tệp dung lượng lớn và khả năng lưu trữ không giới hạn. Đối với nhiều người, Telegram không chỉ là công cụ nhắn tin đơn thuần mà còn là nền tảng phục vụ học tập, làm việc, kết nối cộng đồng.
Minh Anh (21 tuổi, sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân) chia sẻ rằng Telegram giống như không gian lưu trữ lớn, nơi cô nàng có thể thảo luận học nhóm, lưu trữ dữ liệu, chia sẻ thông tin.
"Mình thấy Telegram rất tiện lợi, đặc biệt là khi phải làm việc nhóm và lưu trữ tài liệu học tập. Giao diện dễ dùng, tốc độ gửi nhận tin nhắn nhanh và quan trọng là có thể gửi file dung lượng lớn mà không lo bị giới hạn. Nhiều khi mình và các bạn cùng lớp thảo luận qua các nhóm trên Telegram, chia sẻ tài liệu, link bài học rất hiệu quả. Nếu ứng dụng bị chặn, mình nghĩ sẽ rất khó khăn cho nhiều bạn trẻ trong việc học tập và kết nối công việc."
![]() |
Một số bạn trẻ lại chủ động tìm kiếm các nền tảng thay thế như Signal, WhatsApp hoặc Zalo. Tuy nhiên, trải nghiệm được đánh giá là chưa thể bằng Telegram. Signal tuy bảo mật nhưng thiếu tính năng nhóm lớn, WhatsApp hạn chế bot, còn Zalo thì không hỗ trợ tệp nặng và thiếu tính ẩn danh. Kiều Trang (Hà Nam) chia sẻ cảm giác "bực mình" khi chuyển sang các ứng dụng khác vì thiếu đủ thứ, khiến nhóm học hoạt động kém hiệu quả hẳn.
Góc nhìn chuyên gia và bài toán quản lý không gian số
Anh Nguyễn Ngọc Tuyên, chuyên gia công nghệ hiện đang công tác tại Sotatek Việt Nam, cho rằng việc đề xuất chặn Telegram là một động thái quyết liệt và phần nào cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, anh nhấn mạnh, hành động này nên đi kèm với một lộ trình rõ ràng và các giải pháp hỗ trợ người dùng chuyển đổi: “Nếu chỉ chặn mà không có phương án thay thế đáng tin cậy hay hỗ trợ cộng đồng người dùng, thì nguy cơ phát sinh tâm lý phản đối, thậm chí tìm cách tiếp cận lại các nền tảng không kiểm soát được, là điều rất dễ xảy ra,” anh nhận định.
![]() |
Anh Tuyên cho rằng: "Công nghệ phải song hành với trách nhiệm pháp lý". |
Anh Tuyên cũng chỉ ra điểm yếu mang tính hệ thống của Telegram: nền tảng này không có cơ chế hợp tác với chính quyền các quốc gia sở tại, khiến việc kiểm soát nội dung độc hại gần như không khả thi: “Công nghệ phải song hành với trách nhiệm pháp lý. Một nền tảng không tuân thủ luật pháp địa phương, không chịu sự giám sát thì sớm muộn cũng trở thành nơi dung dưỡng cho các hành vi lệch chuẩn,” anh khẳng định.
Ảnh: NVCC