“Nhạc punk” và “sinh tồn”, công thức lạ lùng của Jeremy Saulnier

“Nhạc punk” và “sinh tồn”, công thức lạ lùng của Jeremy Saulnier
SVVN - “Nhạc punk” và “sinh tồn” không phải là hai danh từ thường đi chung với nhau. Nhưng đạo diễn trẻ Jeremy Saulnier đã dùng công thức lạ lùng đó để cho ra đời Green Room, một tác phẩm chất lượng của thể loại giật gân năm 2016.

Sự đời may rủi

Phim mở đầu ở một nơi đồng không mông quạnh. Trên chiếc xe thùng nằm giữa đồng cỏ, ban nhạc punk Ain't Rights lần lượt thức giấc. Các thành viên bao gồm: Pat (Anton Yelchin), Sam (Alia Shawkat), Reece (Joe Cole) và Tiger (Callum Turner), vừa trải qua một đêm say bí tỉ. Những ban nhạc rong như thế không hiếm ở khu vực Pacific Northwest rộng lớn. Họ chơi nhạc rày đây mai đó và sống như thể không có ngày mai. Trong số đó, Pat có vẻ là kẻ u ám nhất, với gương mặt chán nản, thiếu sức sống.

Như thường lệ, sau mỗi đêm bù khú, cả ban tìm kiếm công việc. Thông qua một người phỏng vấn cho kênh radio địa phương, Ain’t Rights được giới thiệu đến một quán bar “đen” - một nơi chuyên phục vụ các thành viên quá khích theo phái phục hưng Đức Quốc Xã. Không phải nơi hát hò lý tưởng nhưng cái túi rỗng không cho họ lựa chọn. Trước đó, ngay cả xăng xe họ cũng phải đi ăn cắp từ các xe khác.

Chuyện vẫn có vẻ ổn, ngay cả khi Ain’t Rights “cover” lại bản Nazi Punks F* Off của Dead Kenedys và khiến cả quán bar phát điên. Nhưng khi buổi diễn kết thúc và cả nhóm chuẩn bị ra về, rủi thay, Pat đã chứng kiến một vụ giết người. Trong căn phòng kín, một cô gái nằm sõng xoài trên vũng máu, bị bao quanh bởi một nhóm giang hồ. Để ngăn ban nhạc đi báo cảnh sát, chúng nhốt họ lại ngay trong căn phòng, rồi đi báo với tay trùm là Darcy (Patrick Stewart).

Đến lúc này, bộ phim mới chính thức bắt đầu.

Ý chí sinh tồn

Cuộc sinh tồn khốc liệt

Nếu đã thấy “poster” phim trước đó, có hình một thanh niên với thanh dao phay ở tư thế nhảy nhót, khán giả có thể hình dung phần nào về Green Room. Phim là sự kết hợp giữa nhạc punk và bạo lực, máu me, trong một hành trình sống còn không thể đoán trước. Để bảo vệ tính mạng, Ain’t Rights quyết định cố thủ trong phòng. Còn Darcy, sau khi phân tích tình hình, dĩ nhiên là muốn thủ tiêu cả nhóm để giữ bí mật vụ sát hại.

Ý chí sinh tồn

Ở lần thứ ba làm phim điện ảnh, sau Murder Party (Tiệc sát nhân, 2007) và Blue Ruin (Màu xanh tàn khốc, 2015), đạo diễn Jeremy Saulnier tiếp tục cho thấy tài năng trong việc kiểm soát không gian và không khí phim. Sự chân thật là yếu tố luôn được đảm bảo, bắt đầu bằng chi tiết hiếm khi được để ý trong thế giới phim ảnh: Bạn không thể giết người một cách dễ dàng, ngay cả khi thủ phạm là cả một băng giang hồ đông đảo, với tay trùm tinh ranh. Chúng ta thấy Darcy phải đầu tắt mặt tối xử lý hậu quả của đám đàn em và đó không hề là chuyện dễ dàng.

Chất nhạc punk trong phim cũng được sử dụng khá khác lạ. Thông thường, các đạo diễn sẽ thích lồng ghép những bài nhạc hay nhất vào các trường đoạn đắt giá, như Quentin Tarantino chẳng hạn. Nhưng trong Green Room, người xem chỉ có thể thưởng thức vài bản nhạc ở đầu phim. Chúng không khá khẩm lắm, bởi Ain’t Rights cũng chẳng xuất sắc gì cho cam. Thay vào đó, chất punk rock nằm nhiều ở các chi tiết bối cảnh, ở lối trang trí quán bar và những vị khách. Thay vì âm thanh, chúng ta lại “ngửi” mùi punk ở mọi nơi.   

Phần còn lại của Green Room là một cuộc sinh tồn khốc liệt và đầy bất ngờ. Ban nhạc có thêm thành viên mới là Amber (Imogen Poots), bạn của cô gái bị giết chết. Cùng nhau, họ phải vượt qua hàng rào là những tay anh chị đang tìm cách “xẻ thịt” họ. Chất bạo lực của phim gây choáng váng ngay từ đầu và càng lúc càng tăng tiến. Người xem hoàn toàn không thể đoán biết được hoàn cảnh bi đát nào kế tiếp chờ đợi cả nhóm. Ngay khi ai đó nghĩ rằng “chuyện không thể tệ hơn được nữa”, Jeremy Saulnier sẽ chứng minh họ đã sai.

Ý chí sinh tồn

Sức sống tìm thấy

Chất giải trí của phim đến từ kịch tích được xây dựng, duy trì và đẩy lên cao trào một cách khéo léo. Các chi tiết bạo lực, dù ban đầu gợi đến các phim hạng B nhầy nhụa nhưng càng lúc càng chứng tỏ đẳng cấp. Phim hiệu quả nhờ vào sự chăm chút cho xây dựng nhân vật. Saulnier không tốn thời gian để dựng nên lớp nền cho các nhân vật, mà thông qua hành động, hành động và hành động. Ngay cả các nhân vật “siêu phụ” như các tay anh chị, cũng để lại dấu ấn mạnh mẽ, như gã mập bị khóa chung phòng, hay tên thủ phạm.

Green Room chỉ có một ngôi sao hạng A là Patrick Stewart và ông chứng tỏ được vì sao mình là “hạng A”. Trong vai tay trùm lạnh lùng đáng sợ, Stewart khiến người xem rùng mình mỗi khi xuất hiện, bằng biểu cảm gương mặt và ánh mắt sắc lẹm. Có một bầu không khí đe dọa bao quanh hắn. Màn trình diễn đáng giá khác và khiến không ít người tiếc nuối, là của nam diễn viên bạc mệnh Anton Yelchin. Với gương mặt góc cạnh và đôi mắt biết nói, anh đủ sức cáng đáng vai chính ở cả mặt hành động lẫn sức hút điện ảnh. Yelchin đã qua đời vào năm 2016 do tai nạn xe hơi, ngay sau khi phim ra mắt.

Ý chí sinh tồn

Nếu tìm kiếm một thông điệp lung linh đẹp đẽ, Green Room không phải là bộ phim dành cho bạn. Đây là một phim giật gân về sự sinh tồn và ý nghĩa duy nhất chính là sinh tồn. Chỉ khi ở vào hoàn cảnh hiểm nghèo, ý chí sống của con người mới được kích phát mạnh mẽ. Bộ phim là về những kẻ chán sống, hoặc thờ ơ với cuộc sống, cuối cùng đã tìm lại được sức sống. Nếu thoát khỏi căn phòng địa ngục ấy, chắn chắn Ain’t Rights sẽ sống đời mình rất khác.

Nhưng, liệu họ có thể?

Anton Yelchin qua đời trong một tai nạn có phần kỳ quặc. Anh đỗ xe để mở cửa và bằng cách nào đó, chiếc xe mất thắng lao vào Yelchin. Gia đình anh đã khởi kiện và được hãng xe bồi thường.

Green Room được các nhà bình luận đánh giá là một trong những phim hay nhất 2016. Tại giải thưởng uy tín Empire Awards, phim giành được giải “Phim giật gân hay nhất”.

Theo Báo Sinh Viên Việt Nam số 30
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

VTV ra mắt phim truyền hình “Về nhà đi con”

VTV ra mắt phim truyền hình “Về nhà đi con”

SVVN - Câu chuyện phim “Về nhà đi con” xoay quanh ba chị em gái Huệ, Thư, Dương, mồ côi mẹ từ nhỏ, mỗi người một tính cách một lối sống. Cô chị là Huệ dịu dàng điềm đạm, cô hai Anh Thư xinh đẹp, sắc sảo thực dụng. Cô út Ánh Dương bộc trực ,hoang dã, như một cậu con trai. Cả ba cô con gái đều gặp phải những biến cố của riêng mình.
Bi kịch ngôi sao

Bi kịch ngôi sao

SVVN - Trong The Star is Born (Vì sao vụt sáng, 2018), chiếc máy quay dường như không bao giờ rời xa cặp tình nhân. Ở quán rượu. Trên sân khấu. Ngoài đường phố. Cả trong một lễ trao giải hàng trăm người tham dự... Một thế giới của riêng họ.
Báu vật tìm thấy

Báu vật tìm thấy

SVVN - Sau 13 năm mất tích, một trong những vật báu của điện ảnh thế giới đã được tìm thấy đầy bất ngờ: Đôi hài ngọc ruby của nhân vật Dorothy trong The Wizard of Oz (Phù thủy xứ Oz, 1939).
Đường đua Mùa Thu

Đường đua Mùa Thu

SVVN - Tháng Chín là thời điểm bắt đầu mùa phim Thu - mùa dành cho những phim vào đường đua tranh giải thưởng. Với các “tín đồ” phim nghệ thuật, năm 2018 giờ mới thật sự bắt đầu. Những gì đang chờ đợi họ?