“Trash not trash” được điều hành bởi nhóm gồm 6 sinh viên trường ĐH Bách khoa, trường ĐH Quốc tế, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) và một du học sinh tại Hoa Kỳ. Ban đầu, dự án chỉ hoạt động trực tuyến chủ yếu qua fanpage. Mới đây, với kế hoạch thuyết phục, nhóm bạn đã được một doanh nghiệp công nghệ sinh học tại TP. HCM đồng ý tài trợ đồng hành về chuyên môn và kinh phí để dự án mở rộng phạm vi hoạt động.
Rác ngày càng nhiều nhưng phân loại rác chưa phổ biến
Dự án “Trash not trash” tập trung vào các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về phân loại rác. Kênh Fanpage cùng tên của dự án thường xuyên đăng tải các thông tin, hình ảnh, video cung cấp kiến thức về phân loại rác, sống xanh - sống tiết kiệm, bảo vệ môi trường… Các sản phẩm đăng tải trên fanpage được nhóm điều hành trực tiếp tổ chức sản xuất hoặc tổng hợp từ các nguồn chính thống đảm bảo chỉn chu về mặt hình thức và nội dung, gần gũi với cộng đồng.
Bên cạnh đó, dự án dự kiến mở rộng phạm vi hoạt động gồm tổ chức cuộc thi sáng kiến đánh thức sức mạnh của rác, thí điểm thực hiện phân loại rác đồng bộ tại địa phương, kết nối hoạt động với các nhóm cộng đồng, các bạn trẻ yêu môi trường…
Nhóm điều hành dự án đã tìm hiểu báo cáo “Đánh giá toàn cầu về quản lý rác thải rắn” của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy khối lượng rác ngày càng lớn của cư dân đô thị đang là thách thức nghiêm trọng không kém gì tình trạng biến đổi khí hậu. Trong khi đó, kinh phí xử lý rác thải được dự báo sẽ là gánh nặng với các quốc gia đang phát triển.
Khưu Kim Quyên (khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV) cho biết, tại Việt Nam, mỗi ngày có thêm 12 triệu tấn rác từ các hoạt động y tế, sinh hoạt. Tính riêng TP. HCM thì có trên 7.000 tấn rác mỗi ngày, ngân sách tiêu hủy rác mỗi năm hơn 200 tỷ đồng.
“Tụi mình thấy lượng rác thải ra mỗi ngày một nhiều nhưng việc phân loại rác tại nguồn lại ít và chưa được mọi người quan tâm. Rác chủ yếu được dồn chung và gom đi chôn lấp. Điều này thôi thúc nhóm suy nghĩ nhiều hoạt động để dự án góp phần giúp cộng đồng nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác”, Kim Quyên cho hay.
Các thành viên dự án thảo luận về cuộc thi đánh thức sức mạnh của rác sẽ tổ chức vào cuối năm. Ảnh: Mạnh Khang
Lê Quốc Tuấn (ngành Kỹ thuật Xây dựng, trường ĐH Bách khoa) cho rằng, tại TP. HCM, việc phân loại rác thời gian gần đây đã được triển khai tại một số phường, quận. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa đồng bộ vì nhiều hộ gia đình cho biết dù đã thực hiện phân loại rác tại nhà, nhưng khi xe rác đến thì tất cả lại bị gom chung nên việc phân loại ban đầu trở nên vô nghĩa.
Vừa làm dự án, vừa học hỏi kiến thức
Nguyễn Thị Thủy Tiên (khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV) chia sẻ: “Nhóm điều hành hoạt động rất vui vì cùng chung một mong muốn góp phần giảm lượng rác thải, bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là thành viên trong nhóm có chuyên môn khác nhau mà không ai có chuyên môn về môi trường. Vì vậy đôi lúc không thể phân tích, hiểu rõ bản chất vấn đề để truyền đạt tới cộng đồng. Kinh phí hoạt động của nhóm cũng chỉ từ đóng góp của các thành viên”.
“Mỗi bạn theo học một trường và ở rất xa nhau, có bạn ở nước ngoài nên chỉ riêng chuyện gặp nhau đầy đủ để trao đổi về hoạt động của dự án cũng đã rất khó khăn. Nhưng thú vị ở chỗ mỗi thành viên đều cố gắng hết mình để phát huy chuyên môn và khả năng của bản thân vào hoạt động chung của dự án, người thì phụ trách nội dung, người thì phụ trách kỹ thuật, đối ngoại…”, Lê Quốc Tuấn khẳng định.
“Em út” của nhóm điều hành dự án là Huỳnh Khang Nguyên (SN 2001), đang là sinh viên ngành ngành Khoa học Máy tính, trường ĐH Illinois tại Chicago (Hoa Kỳ). Nguyên từng tham gia nhiều dự án về phát triển kỹ năng và chuyên môn nhưng đây là lần đầu tiên bạn tham gia dự án về môi trường. Khang Nguyên cho biết: “Mình sẽ dùng kinh nghiệm từ những lần hoạt động trước để cùng điều hành “Trash not trash”, đồng thời sẽ theo dõi và học hỏi thêm từ các dự án tương tự của bạn trẻ nước ngoài từ đó chọn lọc cách làm phù hợp với thực tế ở Việt Nam để áp dụng cho dự án của tụi mình”.
Theo Khưu Kim Quyên, đôi lúc dự án nhận được những câu hỏi hóc búa mà cả nhóm không ai đủ kiến thức để trả lời, phải chia nhau tìm hiểu thêm qua internet, sách báo hoặc “cầu cứu” các thầy cô, chuyên gia để giải đáp. Nhờ vậy, sau mỗi lần thử thách, các thành viên lại được thêm kiến thức bổ ích.
“Tuy nhiên, để dự án hoạt động lâu dài và lan tỏa, tụi mình hiểu rõ cách “chữa cháy” về kiến thức như vậy là không ổn”, Thủy Tiên cho biết. Sau nửa năm hoạt động ổn định, cuối tháng 5/2020, nhóm bạn may mắn được Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh đồng ý đồng hành trong các hoạt động nên có một điểm tựa vững chắc.
Ông Hoàng Giáng Sinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Xanh đánh giá: “Dự án rất có ý nghĩa khi kết nối được các bạn trẻ với vấn đề chung và cấp bách của Việt Nam cũng như của toàn cầu. Mục tiêu mà dự án hướng tới cũng chính là khó khăn mà nhóm điều hành sẽ gặp phải: thay đổi, nâng cao nhận thức của cộng đồng. Với gần 20 năm kinh nghiệm, chúng tôi tự tin sẽ hỗ trợ các bạn trẻ điều hành dự án góp phần giúp cộng đồng thay đổi hành vi và hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. Đây cũng là dự án về môi trường đầu tiên của bạn trẻ mà chúng tôi đồng ý đồng hành”.
Sắp tới, với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, nhiều buổi training về chuyên môn sẽ được tổ chức để nhóm điều hành dự án nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý hoạt động. Nhóm cũng kêu gọi đồng hành từ các bạn trẻ có cùng đam mê, để lan tỏa thêm thông điệp từ dự án.