Các khu mua sắm sầm uất nhất ở TP. HCM năm nay phải kể đến những tên đường: Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Quang Trung, CMT8... Các bảng sale off từ 50 - 70% được trưng ra rất nhiều. Giá đồ cũng giảm xuống trung bình dưới 100.000 đồng/món và thường bày bán với hình thức đồng giá 30.000-50.000 đồng. Nổi bật năm nay là các chợ đầu mối ở khu ngoại thành được các bạn trẻ đổ về để mua đồ giá rẻ như: Chợ Cây Gõ (Q. 5), chợ Hạnh Thông Tây (Q. Gò Vấp), chợ Thủ Đức... Thùy Linh (năm tư, trường ĐH Sài Gòn) chuyên săn hàng thời trang dịp cuối năm cho biết: “Ở những chợ này sinh viên có thể mua áo giá 30.000 – 40.000 đồng. Đồ trung bình đổ đống quần áo mới cũng chỉ 50.000 đồng/món”.
Trền các trang mạng xã hội, các bạn trẻ truyền nhau về những địa điểm bán đồ xuất khẩu giá rẻ và những cửa hàng đồ si tuyển hàng chất lượng. Trang Ngọc Anh (năm thứ ba, trường ĐH Kinh tế TP. HCM) chia sẻ: “Đi lùng một vòng chợ đồ si có thể ôm về nhiều món hời. Áo khoác nỉ, đồ len bán ở Sài Gòn cũng chỉ vài chục so ra còn rẻ hơn rất nhiều ở quê miền Bắc mình. Giày da, giày bốt và áo khoác da vốn đắt đỏ nay tuột giá rất nhiều”.
Thị trường mua sắm trực tuyến Tết cũng nhộn nhịp không kém. Nhiều website cũng giảm giá kịch liệt cùng chiến dịch giao, đổi đồ miễn phí. Nhiều trang mua sắm trực tuyến cũng đưa ra các khuyến mãi hấp dẫn với những khách hàng mua hàng nhiều ở mức trên 500.000 đồng. Những bạn trẻ lười ra khỏi phòng trọ thì lại chọn canh giờ vàng của các website và đặt hàng.
Với mục tiêu săn hàng giá rẻ bán lại để kiếm lời, nhiều bạn sinh viên kinh doanh thời trang luôn có mặt tại các địa điểm “sale khủng” để “săn hàng”. Thu Hồng (năm thứ ba, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM) từng gom về một lô áo Lacost fake với giá chỉ 70.000 đồng/chiếc và bán cho bạn bè dịp cuối năm để kiếm lời. Hồng cho biết, những thứ dễ “tái chế” hơn là giày, dép, phụ kiện rất hút giới kinh doanh sinh viên. “Trong năm, chợ trời bán giá thấp nhất cũng 90.000 đồng nhưng mùa sale cuối năm này thì chỉ còn khoảng 40.000 đồng. Các loại dép kẹp, sandal còn rẻ hơn rất nhiều”, Hồng "bật mí".
Nguyễn Quỳnh Như (năm thứ ba, khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) sau 2 ngày bám trụ tại các hội chợ Garage Sale lớn nhỏ trong thành phố, cô bạn thu về được đống đồ, cho biết: “Đồ của hội chợ Gagare Sale là một nguồn tốt do phần lớn là handmade, đang là trào lưu nên không sợ lỗi thời, dễ bán lại trên mạng”. Theo kinh nghiệm của Thu, đi tận thu với số lượng lớn, khách hàng luôn được ưu đãi giảm tiếp do người bán đang có nhu cầu thanh lý hết đồ, có khi khách hàng còn được hỗ trợ chuyên chở miễn phí.
Tâm lý mua đồ giá rẻ chấp nhận một chút nên nhiều bạn sinh viên ít soi kĩ khi mua đồ. Thanh Minh (năm thứ hai, trường CĐ Phát thanh Truyền hình 2) chia sẻ: “Đợt giảm giá cuối năm ai cũng lo giành giật mà quên xem lại món đồ có bị hỏng chỗ nào không. Về nhà nhìn kĩ mới thấy cái lủng lỗ, cái đứt nút”.
Cũng theo Minh, những món được đưa vào danh sách nguy hiểm, không nên mua hàng thanh lý bao gồm: Mỹ phẩm, đồ lót, thực phẩm chức năng... "Nhất là mỹ phẩm, vì nguy cơ hết hạn sử dụng rất cao. Bằng cách mua số lượng lớn giá bèo các sản phẩm hàng hiệu hết hạn rồi đem ra bán lại với giá trên trời. Lúc tiếp thị, các chủ cửa hàng đều giới thiệu là nhân viên của công ty, thậm chí viết phiếu bảo hành, khuyến mãi, ghi địa chỉ công ty hẳn hoi nhằm lấy lòng tin khách hàng nhưng khách hàng bị phốt liên hệ lại rất khó”, Minh cảnh báo.