PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Đừng để AI lấy đi sự sáng tạo không ngừng nghỉ của loài người!

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Đừng để AI lấy đi sự sáng tạo không ngừng nghỉ của loài người!

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Đừng để AI lấy đi sự sáng tạo không ngừng nghỉ của loài người! ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Đừng để AI lấy đi sự sáng tạo không ngừng nghỉ của loài người! ảnh 2

Thưa PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, có ý kiến cho rằng thời đại kỹ thuật số với sự phát triển bùng nổ của nhiều thiết bị cầm tay thông minh và mạng xã hội, đi cùng với cách học theo tín chỉ ở các trường đại học khiến mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên không còn được gần gũi, thân thiết như trước đây. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Công nghệ đang thay đổi cách giao tiếp và học tập, tạo ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời đặt ra những thách thức mới về mức độ tập trung, kết nối cá nhân và chất lượng tương tác.

Công nghệ có thể làm sinh viên xao nhãng nhiều hơn trong giờ học, khiến cho việc tập trung không còn được tối ưu.

PGS.TS. Nguyễn Việt Khôi cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của học sinh, sinh viên ngày nay là tập trung học thật tốt

Bên cạnh đó, nhiều người đánh giá mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên không còn được gần gũi, thân thiết như trước đây. Tôi không hoàn toàn đồng tình với quan điểm này, ngược lại tôi thấy mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên gần gũi và thân thiết hơn nhờ vào các nền tảng số, công nghệ khiến thầy cô và sinh viên tương tác nhiều hơn. Điều tôi băn khoăn là sự thấu cảm và tính nhân văn trong quan hệ Thầy-Trò ngày nay, bởi thế giới ảo đang khiến tình cảm thiêng liêng giữa thầy và trò trong văn hoá Việt Nam trở nên nhạt nhoà tại thế giới thực.

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Đừng để AI lấy đi sự sáng tạo không ngừng nghỉ của loài người! ảnh 3

Hơn thế nữa, khi cơ hội học tập với các thầy cô được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI) trên Internet, sinh viên thậm chí cảm thấy thầy cô như những robot và việc tương tác với robot không cần chứa đựng tình cảm cũng như không cần hỏi thăm quan tâm thầy cô như trước nữa. Chính vì vậy, dù tương tác nhiều hơn nhưng mối quan hệ giữa Thầy và Trò về mặt con người ngày càng xa lánh hơn. Nói đến đây, tôi nhớ lại những kỷ niệm đẹp cùng các bạn cấp 2, cấp 3, các bạn đại học thường hẹn nhau đến nhà các thầy cô vào dịp 20/11. Ngày đó với các thầy cô thực sự là một ngày để chúng tôi được tri ân những người cho chúng tôi kiến thức vào đời. Chúng tôi thấy được niềm vui và sự tự hào trong ánh mắt từng thầy cô khi gặp lại chúng tôi.

Nhìn từ góc độ sinh viên,dù công nghệ tạo điều kiện cho việc giao tiếp và học tập từ xa, nhưng nó cũng làm giảm sự kết nối trực tiếp và tương tác giữa giảng viên và sinh viên. Điều này ảnh hưởng đến việc xây dựng mối quan hệ thân thiện, gắn bó, và tạo động lực học tập. Một số sinh viên cảm thấy bị cô lập hoặc ít được quan tâm nếu không chủ động tương tác trực tiếp và nhận phản hồi từ giảng viên. Có lẽ, đây là lý do các lớp học truyền cảm hứng, chia sẻ cảm xúc đang chiêu sinh tràn lan trên mạng lại được các bạn trẻ đón nhận và sẵn sàng bỏ chi phí cao để theo học.

Một điểm nữa, sự xao nhãng đến từ các thiết bị công nghệ cũng phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của sinh viên - điều mà giảng viên luôn tìm cách cải thiện. Từ đó, gián tiếp khiến mối quan hệ giữa giảng viên - sinh viên thêm xa cách.

Ngoài ra, trong thời đại Internet, sinh viên thể hiện cảm xúc với giảng viên trên các nền tảng mạng xã hội ngày một nhiều hơn. Bất kỳ một cảm xúc gì về giảng viên, cho dù tích cực hay tiêu cực, có thể lập tức được chia sẻ lên mạng xã hội, tạo nên những áp lực và luồng thông tin bất lợi đối với các thầy cô.

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Đừng để AI lấy đi sự sáng tạo không ngừng nghỉ của loài người! ảnh 4

Là một người đã từng giảng dạy tại nhiều nước trên thế giới, ông thấy mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên ở các trường đại học nước ngoài có khác nhiều các trường đại học ở Việt Nam hay không?

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Với kinh nghiệm bản thân dạy tại Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia, Thái Lan,… tôi thấy mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên ở các nước cởi mở và bình đẳng hơn. Sinh viên có thể thoải mái trao đổi, tranh luận với giảng viên, đặt câu hỏi trong lớp hoặc sau giờ học. Giảng viên có vai trò khuyến khích sự tham gia và đóng góp ý kiến từ sinh viên, tạo ra không gian học tập tương tác. Lịch làm việc của giảng viên ngoài việc lên lớp thì còn có giờ tiếp sinh viên (office hours). Trong khi ở Việt Nam, đa số các thầy cô dạy xong về làm thêm khác để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Văn hoá phương đông có sự tôn kính đặc biệt đối với thầy cô phương tây. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc kính trọng Thầy Cô vì họ coi người dạy học là người định hình cả tri thức lẫn nhân cách của người học. Sinh viên ở các quốc gia này luôn thể hiện các hành động lễ phép như cúi chào, sử dụng kính ngữ và luôn có thái độ ngoan ngoãn, kính cẩn. Thầy cô được xem là người có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội thông qua việc hình thành thế hệ trẻ và họ không chỉ dạy về học thuật mà còn truyền đạt các giá trị nhân văn và văn hóa, giúp xã hội tiến bộ và phát triển hơn.

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Đừng để AI lấy đi sự sáng tạo không ngừng nghỉ của loài người! ảnh 5

Cách mà sinh viên của ông hiện nay thường biểu lộ với ông vào dịp 20/11 như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Tôi có 3 nhóm học trò: nhóm sinh viên đang học đại học, nhóm sinh viên đang học sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) và nhóm sinh viên đã ra trường. Nhóm các bạn sinh viên đại học thường tạo bất ngờ cho tôi ngay trên lớp ở tuần 20/11. Đấy có thể là một clip ngắn về tôi được chiếu trên lớp, có thể là bài hát chúc mừng, có thể là bó hoa hay quà kỷ niệm. Nhóm sinh viên sau đại học thường hẹn tôi đi liên hoan cùng cả lớp vì các bạn coi đó nhưng một dịp để các lớp tụ tập. Nhóm sinh viên ra trường thường hẹn qua nhà thăm tôi trong dịp 20/11 hoặc bận quá thì các bạn thường nhắn tin trực tiếp chúc mừng tôi. Dù theo hình thức nào thì tôi đều cảm thấy xúc động và tiếp tục có thêm động lực theo đuổi nghề này.

Ông đánh giá sinh viên trường ông khác sinh viên các trường khác ở những điểm gì?

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Sinh viên trường tôi hiện tại là sinh viên khối khoa học liên ngành và nghệ thuật. Chính vì vậy, họ mang màu sắc riêng trong mọi hoạt động. Ví dụ, trong hoạt động tri ân thầy cô nhân ngày 20/11, các bạn tự vẽ tay những bức thiệp vô cùng đẹp, hay các bạn làm những bó bằng vải vụn,… đầy nghệ thuật và độc bản.

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Đừng để AI lấy đi sự sáng tạo không ngừng nghỉ của loài người! ảnh 6

Nếu có một mong ước từ các sinh viên của mình nhân ngày 20/11 năm nay, ông mong điều gì?

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Nhân dịp 20/11 năm nay, tôi mong các bạn sinh viên định vị được chính mình trong thế giới VUCA (*) này. Tôi mong các bạn đừng quá phụ thuộc vào AI để hoàn thành các nhiệm vụ học tập được giao (ý của tôi AI là trí tuệ nhân tạo). Bởi việc phụ thuộc vào AI sẽ khiến các bạn trở nên lười nhác, mất đi sự sáng tạo trong công việc trong tương lai. AI do con người tạo ra, sự sáng tạo của AI bắt nguồn từ sự sáng tạo của con người. Đừng để AI lấy đi sự sáng tạo không ngừng nghỉ của loài người.

Theo ông, thời bây giờ, cần làm gì để giảng viên và sinh viên ngày càng hiểu nhau hơn?

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Để giảng viên và sinh viên ngày càng hiểu nhau cần tới 2 việc. Một là, sinh viên không sử dụng máy tính hay điện thoại trong các giờ trên lớp, hãy tập trung cao nhất vào bài giảng của các thầy cô. Hai là, tăng cường giờ trao đổi (office hours) của giảng viên để sinh viên có cơ hội gặp trực tiếp thầy cô.

Trân trọng cảm ơn ông!

(*) VUCA là từ viết tắt của Bất ổn (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity).

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Đừng để AI lấy đi sự sáng tạo không ngừng nghỉ của loài người! ảnh 7